Cụm, tuyến dân cư vượt lũ đã phát huy hiệu quả

31/08/2018 - 08:05

 - Chủ trương xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL là chủ trương đúng đắn, phù hợp thực tiễn và nguyện vọng của người dân. Chương trình đã tạo được hiệu quả rất lớn cho việc ổn định cuộc sống của người dân, khai thác lợi thế của lũ để làm giàu, từ đó tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được ổn định, góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế của địa phương. Cụm, tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn TX. Tân Châu đã chứng minh điều đó.

Từ an cư lạc nghiệp…

Gia đình bà Phạm Thị Bạch (tổ 14, ấp Phú Yên, xã Phú Lộc, TX. Tân Châu) là gia đình thuần nông. Cuộc sống chỉ dựa vào 5 công ruộng nên gặp không ít khó khăn. Ngoài nghề câu, lưới của chồng, bà Bạch phải cùng các con đi làm mướn để có tiền xoay xở cuộc sống gia đình. Trước đây, khi chưa có chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL, gia đình bà sống ở bờ Tây kênh Bảy Xã. Mỗi năm lũ về, cuộc sống rất vất vả.

“Gia đình tôi nghèo, nhà cất bằng tre lá nên cứ vào tháng 7 hàng năm, chồng tôi phải mua cây, dây chì về gia cố để sống qua mùa lũ. Năm 1995, cả gia đình đang ngủ say bỗng có giông mưa lớn, sóng đánh sập nhà, tôi và chồng phải xuống xuồng nhanh chóng bơi sang bờ Đông. Nhờ có chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ, người dân được Nhà nước xét cấp nền nhà ở tuyến dân cư bờ Đông, cuộc sống đã ổn định, gia đình tôi rất biết ơn Đảng và Nhà nước” - bà Bạch tâm sự.

Cuộc sống an bình trên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ

Cuộc sống an bình trên các cụm, tuyến dân cư vượt lũ

Năm 2000, khi đỉnh lũ tại Tân Châu xuất hiện trong ngày 23-9 ở mức +5,06m, tại Châu Đốc là +4,90m , cả ĐBSCL có đến 70% nhà của người dân bị ngập. Năm đó, ĐBSCL có đến 539 người chết, hơn 890.000 căn nhà bị ngập, sập; 13.793 phòng học, 383 cơ sở y tế bị ngập trong lũ… tổng thiệt hại ước khoảng 4.626 tỷ đồng.

Tháng 9-2000, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có chuyến thị sát lũ ở 2 địa phương đầu nguồn TX. Tân Châu và huyện An Phú. Sau chuyến đi này, chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL ra đời, trong đó có công trình xây dựng cụm, tuyến dân cư kênh Bảy Xã, kết hợp với giao thông nông thôn. Công trình đã bố trí cho hơn 1.000 hộ vùng kênh Bảy Xã có nơi ở ổn định. Tổng vốn đầu tư cho công trình là 120 tỷ đồng.

…đến khai thác lợi thế mùa lũ

“Nhờ công trình xây dựng cụm, tuyến dân cư kênh Bảy Xã mà cơ sở hạ tầng của xã Phú Lộc được hoàn thiện. Cuộc sống người dân đã ổn định, bà con không còn chạy lũ như ngày xưa. Hiện, người dân nơi đây đang cùng với chính quyền địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới, từ đó cuộc sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong vùng được nâng lên” - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phú Lộc Thái Văn Minh thông tin.

Người dân xã Phú Lộc (Tân Châu) tổ chức sản xuất trong lũ

Người dân xã Phú Lộc (Tân Châu) tổ chức sản xuất trong lũ

Hiện nay, TX. Tân Châu có 44 cụm, tuyến dân cư vượt lũ, được xây dựng từ năm 2001 đến nay. Các cụm, tuyến dân cư này đã bố trí cho hàng chục ngàn hộ dân vào ở. Khi cuộc sống ổn định, người dân Tân Châu đã biết khai thác lợi thế của lũ để làm giàu. Nếu ở xã Vĩnh Xương, Vĩnh Hòa có mô hình nuôi cá tra giống, cá lóc giống thì ở Long An có mô hình nuôi các mặt hàng cá chợ như: cá he, cá hú, mè vinh, điêu hồng. Các địa phương khác như: Long Thạnh, Phú Vĩnh, Lê Chánh, Châu Phong, nông dân đã trồng lúa và các loại rau màu để bán trong lũ. “Mỗi năm lũ về, nông dân ở đây rất thích, bởi ngoài lượng tôm, cá trong thiên nhiên có nhiều, nông dân tổ chức trồng các loại rau ăn lá, bầu, bí, khổ qua, dưa leo… để bán ra thị trường với giá cao hơn mùa khô, thu về lợi nhuận rất tốt”- bà Trần Thị Lan (xã Châu Phong) phấn khởi cho biết.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ tại ĐBSCL được triển khai vào năm 2001. Đây được xem là chương trình trọng điểm của quốc gia, giúp người dân vùng lũ có cuộc sống an toàn, chương trình được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I thực hiện từ năm 2001, bố trí hơn 150.000 hộ dân vào ở. Giai đoạn II được thực hiện từ tháng 8-2008, bố trí cho 52.000 hộ dân vào ở và sinh sống. Tổng vốn đầu tư của giai đoạn II là  2.387 tỷ đồng. Nhờ có chương trình này mà ĐBSCL mỗi khi có lũ lớn, thiệt hại về người và tài sản đã giảm đến mức thấp nhất. Điều kiện đi lại của người dân trong vùng được thuận tiện, dễ dàng. Các em học sinh không còn nghỉ học mỗi khi lũ về…

“Trước đây, Tân Châu có nhiều hộ nghèo sống trong vùng thường xuyên bị đe dọa bởi lũ lụt, sạt lở thì nay đã có chỗ ở ổn định; trẻ em được đến trường; tình trạng phải lo sơ tán, cứu đói trong mỗi mùa mưa lũ đã không còn, thay vào đó là việc tập trung thực hiện các mô hình sản xuất để khai thác lợi thế mùa nước nổi, từ đó đời sống vật chất và tinh thần của dân vùng lũ từng bước được nâng cao”- Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu Đặng Văn Nê khẳng định

Bài, ảnh: MINH HIỂN