Cùng chia sẻ dòng sông, cùng chia sẻ tương lai!

26/12/2019 - 09:36

Đó là mục tiêu của Việt Nam và các nước trong Ủy hội Sông Mekong quốc tế hướng tới nhằm khai thác tiềm năng thủy điện hợp lý, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Đồng thời, đảm bảo tốt các yêu cầu về môi trường, sinh thái và sinh kế của người dân vùng Hạ lưu vực sông Mekong theo mục tiêu của Hiệp định Mekong năm 1995

Các nước Hạ lưu vực sông Mê Công cùng chia sẻ, quản lý nguồn nước hiệu quả

Cần có biện pháp sử dụng bền vững nguồn nước Mê Công của các quốc gia trong khu vực

Từ nhiều thập niên trước, các nước có tiềm năng thủy điện trong vùng Hạ lưu vực sông Mekong đã tiến hành nghiên cứu và xây dựng các nhà máy thủy điện trên các dòng nhánh. Đến nay, các dự án thủy điện này phát triển rất mạnh mẽ với 135 dự án (Lào chiếm 100 dự án). Trong đó, 25 dự án đang vận hành, 13 dự án đang xây dựng, 23 dự án được cấp phép và 74 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu.

Trên dòng chính sông Mekong, riêng phía Trung Quốc hiện có 4 nhà máy thủy điện lớn đang vận hành. Đến năm 2020, sẽ có tổng cộng 8 nhà máy thủy điện lớn được đưa vào khai thác, với tổng công suất 15.650 MW cùng hệ thống hồ chứa có tổng dung tích khoảng trên 40 tỷ m3. Hiện nay, đề xuất 11 dự án thủy điện đập dâng có công suất lớn trên dòng chính sông Mekong thuộc Thái Lan, Lào và Campuchia lại tiếp tục được đưa ra xem xét, gây quan ngại cho các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp từ những công trình này.

Do lợi ích kinh tế nên việc phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mekong vẫn luôn hấp dẫn các nhà đầu tư cũng như chính phủ các nước trong việc khai thác nguồn năng lượng này, dù các dự án thủy điện được dự báo sẽ có những tác động tiêu cực tới các nước trong vùng Hạ lưu sông Mekong về lượng phù sa, dinh dưỡng, sản lượng thủy sản cũng như sinh kế của người dân. Trước tình hình đó, Ủy hội Sông Mekong quốc tế đã lập Sáng kiến thủy điện bền vững lưu vực sông Mekong 1995 (ISH) với mục tiêu hỗ trợ các nước thành viên phát triển thủy điện trên cơ sở quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước toàn lưu vực, thông qua cơ chế được thiết lập của Ủy hội Sông Mekong quốc tế và Hiệp định Mekong 1995.

Theo đó, ISH đề ra mục tiêu: tăng cường truyền thông và hợp tác giữa các nước thành viên cùng các bên liên quan trong lĩnh vực phát triển thủy điện ở lưu vực; xây dựng một cơ sở dữ liệu và thông tin về thủy điện; hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan liên quan giữa các nước thành viên trong việc xây dựng các biện pháp nâng cao tính bền vững của các dự án thủy điện. Đồng thời, ISH xác định các nhiệm vụ trọng tâm để các quốc gia thành viên Ủy hội Sông Mekong quốc tế cùng thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu “Cùng chia sẻ dòng sông, cùng chia sẻ tương lai”, là: tăng cường nhận thức và đối thoại về phát triển thủy điện bền vững; tiến hành xem xét tính bền vững của các dự án thủy điện ở lưu vực sông Mekong; tăng cường năng lực kỹ thuật và cơ sở dữ liệu hỗ trợ đánh giá tính bền vững trong phát triển thủy điện; tăng cường ứng dụng công cụ phân tích và đánh giá tính bền vững trong lưu vực về phát triển thủy điện; tăng cường ứng dụng các cơ chế mới, đặc biệt là Cơ chế chia sẻ lợi ích (BSM) liên quan tới thủy điện ở Hạ lưu vực sông Mekong.

Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện tốt những điều khoản trong Hiệp định Mekong năm 1995 song song với việc đề xuất nhiều biện pháp nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của các quốc gia trong Ủy hội Sông Mekong quốc tế. Tại Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mekong - Lan Thương năm 2019, Việt Nam đã đề nghị các quốc gia cần đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch hành động hợp tác nguồn nước 5 năm 2018-2022 thông qua các chương trình, dự án chung đã được phê duyệt và tiếp tục xác định các dự án, hoạt động chung sẽ thực hiện trong tương lai. Mở rộng các lĩnh vực hợp tác, bao gồm việc chia sẻ thông tin số liệu, kinh nghiệm quản lý và trao đổi khoa học kỹ thuật, trên cơ sở đó hướng tới việc xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin dữ liệu toàn diện cho các nước trong lưu vực sông Mekong.

Tăng cường tham vấn, đối thoại trong xây dựng chính sách, kế hoạch, quy hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước một cách hợp lý vì lợi ích chung của tất cả các nước trong lưu vực. Từ đó, tiến tới xây dựng một chiến lược chung về quản lý tài nguyên nước cho lưu vực sông Mekong - Lan Thương dựa trên cơ sở thiết lập mạng lưới giám sát diễn biến trong lưu vực cùng với các nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, các giải pháp phòng chống giảm nhẹ và thích ứng của từng quốc gia ven sông.

 Tăng cường nghiên cứu, trao đổi thông tin và kinh nghiệm, xây dựng các quy định chung nhằm tăng cường ứng dụng và phát triển công nghệ sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Tích cực thúc đẩy sự phối hợp giữa cơ chế hợp tác Mekong - Lan Thương với các cơ chế hợp tác Mekong khác, đặc biệt là Ủy hội Sông Mekong quốc tế, nhằm phát huy tối đa các cơ sở kiến thức sẵn có đã được xây dựng trong nhiều năm qua.

Với lợi ích đặc thù của mỗi quốc gia trong việc khai thác tiềm năng thủy điện trên dòng chính, dòng nhánh sông Mekong đã đặt ra những thách thức lớn trong việc cân bằng lợi ích giữa các thành viên trong khu vực. Do đó, Việt Nam đề nghị các nước cần đổi mới tư duy và cách làm trong hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước Mekong để có thể ứng phó với những thách thức chung ngày càng gia tăng trong khu vực. Từ đó, đảm bảo khai thác tiềm năng thủy điện bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái, sinh kế của người dân các quốc gia thuộc hạ lưu sông Mekong trong tương lai.

THANH TIẾN