Sinh viên Trường cao đẳng Y tế An Giang lên đường hỗ trợ các địa phương phòng, chống dịch COVID-19
Thiếu nhi tích cực làm tấm chắn giọt bắn gửi tặng tuyến đầu chống dịch
Y, bác sĩ ra quân lên đường chi viện cho các địa phương phòng, chống dịch. Ảnh: H.C
Chung một tấm lòng, hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh
Yêu thương nơi tuyến đầu
Hiện tại, cả nước đang bước vào trạng thái bình thường mới. Nhưng những ngày “không quên” vẫn đọng mãi trong trái tim bao người. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, với quan điểm xuyên suốt là đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đồng lòng vào cuộc đồng bộ quyết đẩy lùi dịch bệnh. Và, trong suốt thời gian dài căng mình chống giặc “vô hình” - COVID-19 vừa qua, thật đẹp biết bao khi luôn có những tấm lòng thơm thảo, hành động nghĩa tình, tiếp sức kịp thời gửi về nơi tuyến đầu chống dịch.
ThS Lê Hoàng Ân (Phó Trưởng khoa Y học cộng đồng và khoa học cơ bản, Trường Cao đẳng Y tế An Giang) chia sẻ: “Đầu tháng 11-2021, tôi đã cùng hơn 200 sinh viên hỗ trợ các địa phương, bao gồm: Điều tra dịch tễ, truy vết người tiếp xúc, lấy mẫu tại cộng đồng; thực hiện tiêm vaccine cho người dân... Để đảm bảo công tác hỗ trợ tốt nhất, thầy cô và sinh viên của trường đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 trước khi tham gia vào tuyến đầu. Đồng thời, tổ chức 5 lớp tập huấn bằng hình thức trực tuyến kết nối qua ứng dụng Zoom, cho 800 sinh viên và tình nguyện viên ở các địa phương tham gia, với các nội dung như: Công tác phòng hộ cá nhân; truy vết lấy mẫu; hỗ trợ khu cách ly tập trung; thực hành tiêm chủng phòng COVID-19 cho người dân”.
Nhờ vậy, các thành viên trong đoàn nắm rõ kế hoạch, nhiệm vụ cũng như những lưu ý về các biện pháp phòng, chống dịch và những chia sẻ về văn hóa tại địa phương. Qua đó, giúp các thành viên sớm thích ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cũng như nhiều nơi trên cả nước, trong đợt dịch COVID -19 lần thứ 4, yêu thương gửi về nơi tuyến đầu chống dịch không chỉ là nhu yếu phẩm mà còn là những vật dụng “tự chế” trong phòng, chống dịch COVID-19. Dù đơn giản, dễ thực hiện nhưng hiệu quả lại rất cao, đó là tai giả và tấm chắn giọt bắn. “Tôi đã huy động các em thiếu nhi làm 7.000 tai giả, 16.000 tấm chắn giọt bắn, tổ chức 10 đợt tặng quà cho thiếu nhi và người dân ở các khu cách ly và phong tỏa trên địa bàn tỉnh... Tôi còn huy động nhiều suất ăn, trái cây tặng lực lượng làm công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Long Xuyên. Dù dịch bệnh với muôn vàn khó khăn nhưng khi được kêu gọi hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, ai cũng nhiệt tình tham gia, nhất là các em thiếu nhi. Tôi rất tự hào và trân quý tấm lòng của các bạn nhỏ!” - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp Trương Thanh Thúy tâm tình.
Em Trương Gia Khang (11 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên) háo hức chia sẻ: “Để có tiền mua nguyên liệu, em đập con heo đất được 150.000 đồng. Số tiền này làm được 200 “tai giả” nhưng nhờ mẹ cho thêm một ít, em đã mua nguyên liệu làm 400 “tai giả”. Mỗi sản phẩm “tai giả” khoảng vài phút là xong. Được mẹ tiếp sức nên em thấy việc làm “tai giả” không hề nặng nhọc, chỉ cần bỏ ít thời gian, tập trung sẽ hoàn thành rất nhanh”.
Chung một tấm lòng
Kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, người dân luôn đón nhận những tình cảm thân thương, chan chứa nghĩa đồng bào của nhân dân cả nước, của doanh nghiệp, tổ chức xã hội, cá nhân có lòng hảo tâm góp tiền của, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm... với mong muốn đoàn kết vượt qua khó khăn, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh. Xã Phú Lộc là địa phương có số lượng hộ nghèo, cận nghèo và khó khăn rất lớn, nhưng tất cả các hộ dân luôn đầy đủ nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau” do dịch bệnh.
“Để bảo vệ sức khỏe người dân, bảo đảm an sinh xã hội, MTTQ xã Phú Lộc đã chung tay cùng cả hệ thống chính trị kêu gọi sự chung tay đồng hành nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài địa bàn xã, từ đó đã có gần 3.000 phần quà được trao đến tay người dân có nhu cầu, với tổng trị giá trên 400 triệu đồng” - Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Lộc Bùi Thanh Bình cho biết.
Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên đã xuất quỹ 50 triệu đồng để mua trứng gà hỗ trợ các hộ bán vé số 13 phường, xã của TP. Long Xuyên. Bên cạnh sự ủng hộ nhiệt tình của các nhà hảo tâm trong và ngoài nước, hội có nhiều chương trình ý nghĩa, như: Hỗ trợ các trang thiết bị y tế, nấu điểm tâm, cơm trưa bồi dưỡng cho các chốt kiểm soát, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu, các hộ dân khu vực bị phong tỏa... Đến giữa tháng 10-2021, tổng số tiền hội đã hỗ trợ trong mùa dịch hơn 1,8 tỷ đồng. Rau, củ, quả thu gom trên 2.000 tấn các loại, vận chuyển 15 tấn gạo phục vụ các bếp ăn từ thiện, với tổng số tiền hơn 300 triệu đồng.
Theo Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo TP. Long Xuyên Nguyễn Thị Bảo Châu, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần có sự tiếp sức của các tổ chức từ thiện xã hội. Vậy là, hội tiếp tục thực hiện “Tiếp lửa yêu thương” với hình thức được nhà hảo tâm hỗ trợ đến đâu sẽ thực hiện đến đó.
“Khi Bệnh viện Đa khoa Trung tâm An Giang phát hiện có nhiều ca lây nhiễm nên tạm thời phong tỏa để phòng, chống dịch. Bệnh nhân điều trị lầu nào ở yên lầu đó, nên cả bệnh nhân và người thân chưa có cơm chiều. Khi biết được tin, lúc bấy giờ là 17 giờ 30 phút (19 giờ bắt đầu giờ giới nghiêm), tôi thông báo cho anh em trong Hội cùng nhau lo thức ăn hỗ trợ (ước lượng trên 1.000 người). Rồi, người tìm mua bánh mì, mì gói, nấu cơm... nói chung, những gì giúp cho bệnh nhân tạm no lòng đều được chúng tôi cố gắng hết sức. Kỷ niệm ấy không bao giờ quên!” - cô Bảo Châu tâm sự.
PHƯƠNG LAN