Cùng thắp sáng tinh thần đoàn kết

27/07/2024 - 09:55

Với chủ đề 'Cùng nhau, vì một tương lai tốt đẹp hơn', Olympic Paris 2024 không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là lời kêu gọi hòa bình, đoàn kết và chung tay bảo vệ môi trường. Qua Thế vận hội, nước Pháp muốn truyền tải thông điệp mong muốn kết nối, hàn gắn một thế giới đang bị chia rẽ, với sự thượng tôn tinh thần thể thao Olympic.

Biểu tượng Olympic được dựng trên tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp, ngày 7/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Biểu tượng Olympic được dựng trên tháp Eiffel ở thủ đô Paris, Pháp, ngày 7/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Lễ khai mạc đặc biệt nhất trong lịch sử

Lễ khai mạc Thế vận hội bắt đầu lúc 19 giờ 30 phút ngày 26/7 (khoảng 0 giờ 30 phút sáng ngày 27/7 giờ Việt Nam). Ông Tony Estanguet, Chủ tịch Ủy ban Olympic Paris 2024, cho biết Ban tổ chức chọn thời điểm khai mạc vào lúc hoàng hôn để phát huy tối đa hiệu ứng ánh sáng vào thời điểm mặt trời lặn (khoảng 21 giờ 35 phút).

Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 với dấu ấn đặc biệt khi lần đầu tiên được tổ chức ở trên sông, thay vì ở trong sân vận động như các kỳ Thế vận hội khác. Điều này giúp làm tăng số lượng khán giả có thể trực tiếp chứng kiến sự kiện. Thông thường sức chứa của một sân vận động trung bình vào khoảng 60.000 - 70.000 khán giả. Tuy nhiên, với tinh thần sáng tạo đầy táo bạo này, Ban tổ chức Olympic 2024 đã thiết kế các khán đài dọc bờ sông Seine, sức chứa đã tăng lên gấp 10 lần. Ước tính có khoảng 500.000 người đến xem trực tiếp buổi lễ. Đặc biệt, tới dự Lễ khai mạc Olympic Paris 2024 có hơn 100 nguyên thủ quốc gia trên thế giới và khoảng 222.000 vé mời.

Góc quan sát của khán giả trong lễ khai mạc cũng được đổi mới so với các kỳ thế vận hội khác. Với các vị trí khán đài dọc hai bờ sông và trên các cây cầu, thậm chí là qua cửa sổ các căn hộ dọc bên sông, khán giả có thể chứng kiến toàn cảnh buổi lễ khai mạc và các đoàn vận động viên (VĐV) diễu hành trên sông, trong một góc nhìn hoàn toàn mới lạ, rộng lớn không bị che chắn, khiến hiệu ứng ánh sáng của các tiết mục nghệ thuật phát huy tối đa hiệu quả và cuốn hút hơn rất nhiều.

Đường phố Paris và các địa điểm gần khu vực thi đấu được trang trí cờ hoa, băng rôn, hình ảnh các VĐV các môn thi đấu được phóng lớn ngang với các biểu tượng nước Pháp như Khải hoàn môn, tháp Eiffel. Paris đổi sắc, trở thành một sân vận động khổng lồ. Theo ban tổ chức, đây sẽ là chương trình được thiết kế táo bạo nhất trong lịch sử Olympic.

Khoảng 100 thuyền lớn và xà lan chở các VĐV trong lễ khai mạc. Những chiếc thuyền chở hàng nghìn VĐV và nghệ sĩ tham gia cuộc diễu hành dài 6 km trên sông Seine. Điểm bắt đầu đoàn diễu hành là từ cầu Austerlitz, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng của Pháp như: Nhà thờ Đức Bà Paris, các cây cầu Pont des Arts, Pont Neuf và dừng lại ở gần tháp Eiffel.

Ban tổ chức cho biết thêm họ tận dụng các di tích lịch sử, bờ sông, bầu trời, mặt nước để tạo nên không gian đặc biệt tôn vinh thủ đô Paris.

Cảnh sát Pháp tăng cường an ninh tại thủ đô Paris ngày 22/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cảnh sát Pháp tăng cường an ninh tại thủ đô Paris ngày 22/7/2024. Ảnh: Kyodo/TTXVN

An ninh được tăng cường

Ban tổ chức thông báo, khoảng 45.000 cảnh sát được điều động để đảm bảo an ninh cho lễ khai mạc, bao gồm cả lực lượng can thiệp đặc biệt. Các tay súng bắn tỉa sẽ được triển khai trên nóc các tòa nhà dọc tuyến đường. Đồng thời, hệ thống chống máy bay không người lái sẽ được triển khai để khắc chế các phương tiện bay không xác định.

Người dân và khán giả trong khu vực khai mạc cần mang theo giấy tờ có mã QR để có thể di chuyển tới mọi khu vực dọc bờ sông. Các ga tàu điện ngầm và một số cây cầu tạm thời ngừng hoạt động trong thời gian diễn ra lễ khai mạc. Trong khoảng thời gian gần 4 giờ của buổi lễ, sẽ không có bất kỳ máy bay nào được phép bay qua Paris, ngoại trừ các máy bay liên quan tới buổi lễ.

Các đơn vị đặc nhiệm cũng triển khai công nghệ cao như thiết bị bay không người lái và sóng siêu âm, phối hợp với các thợ lặn chiến đấu, nhóm tuần tra dọc sông Seine và chó nghiệp vụ. Quân đội cũng sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào dưới nước, trên mặt nước, trên bộ hoặc trên không xung quanh khu vực sông Seine. Khoảng 400 camera an ninh mới đã được lắp đặt ở thủ đô và ít nhất 500 camera như vậy ở các thành phố lân cận. Không chỉ có vậy, rất nhiều quốc gia và tổ chức còn hỗ trợ Pháp trong vấn đề an ninh ở Thế vận hội mùa Hè này. Bộ Nội vụ Pháp cho biết phần lớn lực lượng này sẽ được triển khai tại các ga xe lửa, sân bay và xung quanh 39 địa điểm tổ chức Olympic hoặc các sự kiện thể thao.

Lễ khai mạc hứa hẹn sẽ là một màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh di sản văn hóa phong phú của Pháp và chào mừng kỷ nguyên mới của thể thao. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Lễ khai mạc hứa hẹn sẽ là một màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh di sản văn hóa phong phú của Pháp và chào mừng kỷ nguyên mới của thể thao. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tinh thần Olympic

Thông qua Olympic Paris 2024, nước Pháp muốn truyền tải thông điệp đến toàn thế giới về một nước Pháp hòa bình, bác ái, thượng tôn tinh thần thể thao Olympic và hàn gắn một thế giới đang bị chia rẽ do các cuộc xung đột. Không khí của lễ khai mạc Thế vận hội dường như xóa đi phần nào sự lo lắng bất an của người dân nước chủ nhà trong bối cảnh tình hình chính trị đất nước đang hết sức rối ren. Một tuần trước khi diễn ra sự kiện, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố việc lựa chọn thủ tướng mới sẽ được cân nhắc sau khi thế vận hội kết thúc.

Ông khẳng định: “Thế vận hội sẽ là trung tâm của đời sống đất nước và sẽ khiến người dân Pháp xích lại gần nhau hơn”. Nhà lãnh đạo đất nước đã tạm gác các vấn đề chính trị nội bộ để tập trung hoàn toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Ông đã đến thăm Làng Olympic và các địa điểm thi đấu, trong đó có “Sân vận động Tháp Eiffel” (Stade de Tour Eiffel) được dựng lên ở Quảng trường Trocadero cạnh tháp Eiffel, với sức chứa 13.000 chỗ ngồi, nơi diễn ra các nội dung thi đấu của môn bóng chuyền bãi biển trong suốt kỳ thế vận hội và sau đó là môn bóng đá cho người khuyết tật trong Paralympic.

Có khoảng 1.500 tình nguyện viên phục vụ tại đây. Tổng thống Macron kêu gọi người Pháp “hãy hào hứng trở lại” để đón chào Thế vận hội và lễ khai mạc cho thấy “công sức của người Pháp đã được đền đáp xứng đáng như thế nào”.

Và khi ngọn đuốc được thắp lên, ánh sáng từ Olympic có thể sẽ tạm xua tan mọi bất ổn về xã hội, những tranh cãi chính trị, để nhường chỗ cho tinh thần đoàn kết, hữu nghị vì hòa bình của toàn nhân loại.

Theo NGỌC HIỆP (Báo Tin Tức)