Cuộc bầu cử định hướng phát triển Ấn Độ

17/04/2024 - 08:54

Đạt thành tựu tích cực về phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường vị thế trên trường quốc tế, song Ấn Độ vẫn đối mặt nhiều thách thức. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Ấn Độ được đánh giá có vai trò định hướng sự phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới, ít nhất trong 5 năm tới.

 

Những người ủng hộ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự một cuộc mít-tinh vận động bầu cử ở Meerut, Ấn Độ, ngày 31/3/2024. Ảnh: REUTERS

Những người ủng hộ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự một cuộc mít-tinh vận động bầu cử ở Meerut, Ấn Độ, ngày 31/3/2024. Ảnh: REUTERS

Tổng tuyển cử tại Ấn Độ được đánh giá là cuộc bầu cử có quy mô lớn hàng đầu thế giới, với gần 970 triệu cử tri đăng ký tham gia bỏ phiếu, chiếm hơn 10% dân số toàn cầu.

Giới phân tích cho rằng, cuộc bầu cử trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế không chỉ bởi quy mô lớn, mà còn vì quốc gia Nam Á này có tiếng nói ngày càng quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới.

Kết quả cuộc bầu cử tác động sâu rộng tới cả tương lai của quốc gia hơn 1,4 tỷ dân và bối cảnh địa chính trị tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong cuộc bầu cử kéo dài hơn 40 ngày, bắt đầu từ ngày 19/4 tới, cử tri Ấn Độ bỏ phiếu bầu 543/545 nghị sĩ vào Hạ viện nhiệm kỳ 5 năm tới. Đảng giành được đa số ghế tại Hạ viện sẽ đứng ra thành lập chính phủ mới.

Mặc dù đối mặt sự cạnh tranh từ liên minh 26 đảng đối lập do đảng Quốc đại (INC) đứng đầu, song kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Modi đang chiếm ưu thế trên đường đua vào Hạ viện.

Giới phân tích nhận định, những thành quả Ấn Độ gặt hái được trong 10 năm qua là “con át chủ bài” của BJP trên đường đua sắp tới. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn, Ấn Độ đạt mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục khoảng 7,6% trong năm 2023.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, Ấn Độ sẽ là điểm sáng của kinh tế châu Á với mức tăng trưởng ổn định khoảng 6,5% trong các năm 2024 và 2025. Số liệu của IMF cho thấy, Ấn Độ đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới. Ngoài ra, trong 10 năm qua, khoảng 250 triệu người Ấn Độ thoát nghèo và thu nhập bình quân đầu người tăng gần gấp đôi.

Không chỉ ghi điểm bằng những kết quả phát triển kinh tế-xã hội ấn tượng, Chính phủ Thủ tướng Modi cũng đạt nhiều thành tựu đối ngoại trong những năm qua. Mối quan hệ giữa Ấn Độ với các đối tác quan trọng như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), ASEAN, cũng như tiếng nói của Ấn Độ tại các diễn đàn quốc tế không ngừng được tăng cường. 2023 là năm sôi động của nền ngoại giao Ấn Độ.

Việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) với nhiều dấu ấn quan trọng, như vận động để G20 kết nạp Liên minh châu Phi (AU) làm thành viên, tăng cường tiếng nói của các quốc gia ở nam bán cầu, cải cách các ngân hàng phát triển đa phương…, cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của New Delhi trong nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, để giành được lá phiếu của cử tri, các đảng tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới, trong đó có BJP, cần tìm được lời giải cho những bài toán nhức nhối đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri Ấn Độ. Đó là giải quyết tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng trong thu nhập, giảm lạm phát và nghèo đói, phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng chương trình phúc lợi xã hội.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ Ấn Độ cao hơn nhiều so mức trung bình toàn cầu. ILO cho rằng, nền kinh tế Ấn Độ chưa tạo ra đủ nhiều việc làm trong khu vực phi nông nghiệp, để theo kịp nguồn cung dồi dào về lao động trẻ có trình độ. Tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp vẫn cao, khoảng 29%.

Trong cương lĩnh tranh cử vừa được công bố, BJP cam kết tạo thêm nhiều việc làm, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng chương trình phúc lợi xã hội, cũng như phát triển Ấn Độ thành trung tâm của các ngành công nghiệp dược phẩm, năng lượng, linh kiện bán dẫn và du lịch. BJP đồng thời khẳng định nỗ lực đưa Ấn Độ đi đúng hướng để trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2047, khi nước này kỷ niệm 100 năm Ngày Độc lập.

Gặt hái nhiều thành quả phát triển kinh tế-xã hội, cũng như tăng cường vị thế trên trường quốc tế, song Ấn Độ vẫn đối mặt nhiều thách thức, trong bối cảnh tình hình thế giới biến động khó lường. Cuộc tổng tuyển cử sắp tới đóng vai trò quan trọng, quyết định tương lai phát triển của Ấn Độ.

Theo Nhân Dân