Cuộc bỏ phiếu sắp tới của Hội đồng Bảo an liệu có thể dừng chiến sự Gaza?

12/11/2023 - 16:38

Malta đã đề xuất một dự thảo nghị quyết mới tập trung vào trẻ em ở Gaza. Nhưng liệu Mỹ có phủ quyết?

Chú thích ảnh

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an LHQ vào ngày 16/10/2023. Ảnh: AP

Nỗ lực khai thông bế tắc với nghị quyết mới

Các cuộc đàm phán căng thẳng và khó khăn vẫn tiếp tục diễn ra tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) trong nỗ lực phá vỡ thế bế tắc đang làm tê liệt cơ quan ra quyết định quyền lực nhất thế giới, khi cái chết và sự tuyệt vọng trút xuống Gaza.

Kênh Al Jazeera được biết rằng Đại sứ Malta tại LHQ, Vanessa Frazier, đã đệ trình một nghị quyết mới lên các thành viên Hội đồng Bảo an để xem xét và bỏ phiếu, với hy vọng cuối cùng một nghị quyết về cuộc chiến ở Gaza sẽ được thông qua, sau những nỗ lực thất bại hàng loạt trong hơn một tháng qua.

Malta là một trong 10 thành viên không thường trực của HĐBA và là nước chủ trì vấn đề trẻ em trong xung đột vũ trang kể từ năm 2022. Vị trí này mang lại cho Malta cơ hội đóng vai trò dẫn đầu trong các nỗ lực của HĐBA nhằm bảo vệ trẻ em trong các khu vực xung đột. Các nguồn tin ngoại giao nói với Al Jazeera rằng nghị quyết mới nói trên được soạn thảo với trọng tâm là trẻ em, với hy vọng rằng toàn bộ 15 thành viên HĐBA có thể đi đến nhất trí về các biện pháp bảo vệ trẻ em trong cuộc xung đột đang diễn ra.

Có một hy vọng mới rằng HĐBA cuối cùng sẽ phản ứng với cuộc chiến ở Gaza, không chỉ vì đã có những nỗ lực mới nhằm tìm kiếm ngôn ngữ thỏa hiệp sẽ thu hút tất cả các thành viên, bao gồm cả Mỹ, mà còn bởi vì đã có sự thay đổi trong quan điểm. lập trường của chính nước Mỹ. Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên kêu gọi Israel tạm dừng bắn nhân đạo vào ngày 2/11.

Chú thích ảnh

Chuyển nạn nhân bị thương trong vụ không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 7/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức Mỹ cho biết họ đang tích cực tham gia với các thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an, gồm Albania, Brazil, Ecuador, Gabon, Ghana, Nhật Bản, Malta, Mozambique, Thụy Sĩ và UAE. Điều này rất quan trọng vì quyền phủ quyết của Mỹ là một trong những lý do khiến một số nghị quyết trước đây của Hội đồng thất bại kể từ khi bạo lực nổ ra vào ngày 7/10.

Tuy nhiên, như mọi khi, trong HĐBA, vẫn có nhiều tranh cãi về ngôn ngữ chính xác của nghị quyết. Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết của Mỹ kêu gọi “tạm dừng nhân đạo” (humanitarian pause), một cụm từ cho thấy nghị quyết này sẽ có điều kiện và giới hạn thời gian. Hầu hết những nước còn lại trong Hội đồng muốn nghị quyết có thêm từ “ngừng bắn” (ceasefire). Việc lựa chọn một từ duy nhất trong nghị quyết – “tạm dừng” hoặc “ngừng bắn” – đã đồng nghĩa với sự bế tắc trong cơ quan quyền lực hàng đầu của Liên hợp quốc, được trao quyền duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Với nghị quyết của Malta, một câu hỏi quan trọng có thể được đưa ra tranh luận là thời gian tạm dừng giao tranh. Các nhóm nhân đạo, và thậm chí cả Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, đã nói rằng thời gian “tạm dừng” kéo dài 4 giờ/ngày mà Israel đã đồng ý hiện không đủ để giảm bớt đau khổ nhân đạo một cách có ý nghĩa. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Mỹ có đồng ý “tạm dừng” kéo dài vài ngày hay không.

Chú thích ảnh

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia giơ tay ủng hộ nghị quyết do Nga soạn thảo về cuộc chiến Israel - Hamas ngày 16/10/2023. Ảnh: AP 

Tại sao HĐBA LHQ chưa thể nhất trí ngừng bắn ở Gaza?

Các dự thảo nghị quyết trước đây của HĐBA kêu gọi ngừng bắn ở Gaza đã thất bại. Hai nghị quyết do Nga soạn thảo không nhận được đủ phiếu bầu, trong đó Mỹ nằm trong số các quốc gia bỏ phiếu chống. Mặc dù nghị quyết do Brazil đề xuất nhận được 12 phiếu ủng hộ trong số 15 quốc gia thành viên nhưng Mỹ vẫn phủ quyết dự thảo này. Và, Nga và Trung Quốc đã phủ quyết một nghị quyết do Mỹ soạn thảo.

Mặc dù 5 thành viên thường trực của HĐBA – Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ – có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào, nhưng trường hợp này vẫn khá hiếm. Mỹ và Nga là hai quốc gia sử dụng quyền phủ quyết nhiều nhất trong thời gian qua. Trong những năm gần đây, Mỹ chủ yếu sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ đồng minh Israel.

Nhưng điều này không phải luôn như vậy. Trước những năm 1970, Mỹ thường cho phép thông qua các nghị quyết mà Israel bất bình. Năm 1956, họ cùng với các thành viên HĐBA khác bỏ phiếu chỉ trích Israel về hoạt động quân sự ở Gaza. Ai Cập kiểm soát Gaza vào thời điểm đó.

Chú thích ảnh

Người dân Palestine sơ tán tránh xung đột xuống phía Nam Dải Gaza, ngày 9/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Israel có tuân thủ nếu nghị quyết được thông qua?

Gần đây hơn, vào ngày 23/12/2016, trong những ngày cuối cùng của chính quyền Barack Obama, HĐBA đã thông qua Nghị quyết 2334.

Nghị quyết này tái khẳng định các khu định cư của Israel tại vùng Palestine bị chiếm đóng, trong đó có Đông Jerusalem, “không có giá trị pháp lý, cấu thành sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”. Văn bản nói thêm rằng các khu định cư là một trở ngại lớn cho tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước. Đã có áp lực đáng kể từ Israel và trong nước Mỹ đỏi chính quyền Obama phủ quyết dự luật này, nhưng cuối cùng họ đã bỏ phiếu trắng. Nghị quyết được thông qua với 14 phiếu.

Mặc dù nghị quyết 2334, vốn cũng kêu gọi các bước ngay lập tức để ngăn chặn bạo lực chống lại dân thường, là “luật pháp quốc tế có tính rang buộc”, nó đã bị Israel phớt lờ.

Điều gì xảy ra nếu một quốc gia thách thức nghị quyết của HĐBA?

Nếu nghị quyết bị vi phạm, bước tiếp theo là HĐBA là sẽ có hành động trừng phạt. Điều này sẽ được thực hiện trong một giải pháp tiếp theo nhằm giải quyết vi phạm và kêu gọi hành động.

LHQ trước đây đã có hành động trừng phạt các quốc gia vi phạm. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có sự phản đối từ các thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc, những nước không mặn mà với việc Hội đồng Bảo an thông qua các biện pháp trừng phạt mới.

Theo Hiến chương LHQ, HĐBA có thể tiến xa hơn nữa và ra lệnh uỷ quyền cho một lực lượng quốc tế. Một ví dụ đáng chú ý về điều này là vào năm 1991 khi một liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu được thành lập để trừng phạt cuộc xâm lược Kuwait của nhà lãnh đạo Iraq Saddam Hussein.

Vấn đề nằm ở bất kỳ giải pháp tiềm năng tiếp theo nào. Hầu như không có khả năng chính quyền Tổng thống Biden sẽ ủng hộ một nghị quyết trừng phạt có hành động mạnh mẽ chống lại Israel. Hiện tại, chính quyền Mỹ đang có những nỗ lực nhằm thuyết phục Israel hạn chế các hoạt động quân sự và ngừng gây tổn hại dân thường. Nhưng điều đó không hiệu quả.

Israel dường như không hề quan tâm đến trách nhiệm giải trình theo luật pháp quốc tế. Hơn nữa, Israel và Mỹ không phải là các bên ký kết Quy chế Rome thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).

Nhưng ngay cả khi ICC hành động, không đời nào Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lại tự nguyện ra trình diện toà án ở The Hague. Điều đó tương tự như không có chuyện Tổng thống Nga Vladimir Putin ra trình diện trước các thẩm phán ICC khi ICC ban hành lệnh bắt giữ ông vào tháng 3.

LHQ đã làm gì cho đến nay?

Nếu quay ngược lại lịch sử, LHQ đã thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình để giải quyết các vấn đề liên quan đến Israel. Trong số đó có Lực lượng khẩn cấp của LHQ (UNEF), lực lượng đã triển khai sứ mạng gìn giữ hòa bình quốc tế ở biên giới giữa Ai Cập và Israel vào năm 1956.

Hai sứ mạng khác vẫn đang hoạt động cho đến ngày nay. Lực lượng quan sát rút quân của UNEF (UNDOF) được thành lập vào năm 1974 sau khi các lực lượng Israel và Syria đồng ý rút quân ở Cao nguyên Golan. Năm 1978, Lực lượng lâm thời của Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL) được thành lập để xác nhận việc Israel rút quân khỏi Liban và khôi phục hòa bình và an ninh quốc tế.

Tuy nhiên, hiện tại vẫn không có sự bình yên trên chiến tuyến giữa Liban và Israel, được gọi là Đường màu xanh, với những cuộc đụng độ nặng nề nhất trong nhiều năm giữa lực lượng Hezbollah và Israel. Tình hình Cao nguyên Golan cũng rất căng thẳng trong một thời gian dài, kể cả trong cuộc chiến ở Syria.

Theo THU HẰNG (Báo Tin tức/Al Jazeera)