Cuộc chiến bảo tồn chim cánh cụt châu Phi

13/05/2024 - 14:27

Với việc số lượng chim cánh cụt châu Phi đang giảm khoảng 8% mỗi năm, các nhà bảo tồn đang lo ngại về tình trạng này và cho rằng chẳng bao lâu nữa loài chim này sẽ bị tuyệt chủng.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tiến sĩ Alistair McInnes, nhà bảo tồn chim biển thuộc chi nhánh của Hiệp hội các tổ chức bảo tồn chim quốc tế BirdLife tại Nam Phi (BirdLife Nam Phi), thành viên của nhóm giám sát các đàn chim cánh cụt đang suy giảm ở nước này, số lượng chim cánh cụt châu Phi có nguồn gốc từ Nam Phi và Namibia đã giảm 99% trong thế kỷ qua. Tiến sĩ McInnes cảnh báo nếu tốc độ suy giảm hiện tại kéo dài trong tương lai gần, loài chim trên sẽ tuyệt chủng vào năm 2035, vì vậy tình hình là vô cùng cấp bách.

Đây là lý do tại sao BirdLife Nam Phi và Tổ chức Bảo tồn các loài chim ven biển Nam Phi (Sanccob) đang thực hiện vụ kiện pháp lý nhằm vào Chính phủ Nam Phi vì cho rằng chính phủ nước này đã không bảo vệ đầy đủ các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Hầu như tất cả những con chim cánh cụt châu Phi còn sống sót đều sống ở 7 quần thể dọc theo bờ biển phía Tây Nam châu Phi. Theo ước tính hiện nay chỉ còn lại 8.750 cặp chim giống tại Nam Phi.

Chim cánh cụt thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến để chiêm ngưỡng với cơ thể chắc nịch và sọc đen đặc biệt chạy dọc theo 2 bên cơ thể. Chúng dễ bị tổn thương trước những kẻ săn mồi tự nhiên là hải cẩu và một số loại mòng biển, tuy nhiên kẻ thù thực sự của chúng lại là con người.

Hoạt động thu hoạch phân chim (phân chim tích tụ để chim cánh cụt đào hang) của con người đã làm hỏng môi trường sống của chúng. Cùng với đó là tình trạng biến đổi khí hậu khiến cho chim cánh cụt và các loài chim khác ngày càng khó tiếp cận thức ăn hơn khi dòng hải lưu và nhiệt độ thay đổi.

Ngoài ra, hoạt động đánh bắt cá mòi và cá cơm, nguồn thức ăn của chim cánh cụt, cũng đe dọa sự tồn tại của loài chim trên. Trong 15 năm qua, Nam Phi đã thực hiện những thử nghiệm như đóng cửa ngư trường, tiến hành các cuộc đàm phán kéo dài giữa ngành đánh bắt cá và các nhà bảo tồn cũng như tiếp nhận ý kiến đóng góp từ một nhóm chuyên gia quốc tế độc lập, song số lượng chim cánh cụt ở nước này vẫn đang giảm.

Theo BirdLife Nam Phi và Sanccob, việc cấm đánh bắt cá xung quanh một số quần thể cánh cụt chưa đủ mạnh cũng như chưa đúng địa điểm để bảo vệ hoàn toàn quần thể chim cánh cụt.

Theo TTXVN