Cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị trên sân khấu chèo

25/07/2023 - 14:54

Với việc tái hiện bức tranh bi tráng về cuộc chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị mùa hè năm 1972, vở chèo "Mưa đỏ" đã thực sự làm lay động hàng triệu trái tim khán giả, đặc biệt trong những ngày cả nước đang hướng tới Kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ ((27/7/1947-27/7/2023).

Một cảnh trong vở chèo “Mưa đỏ”. Ảnh: PV

Tái hiện cuộc chiến bảo vệ thành cổ Quảng Trị

Kịch bản "Mưa đỏ" được tác giả Đức Minh chuyển thể chèo từ kịch bản văn học của nhà văn Chu Lai. Vở diễn do Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam làm đạo diễn. Phần âm nhạc do Nghệ sỹ Ưu tú Đào Tuấn Hải đảm nhiệm, phần thiết kế sân khấu do Nghệ sỹ Ưu tú Đạt Tăng thực hiện, với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sỹ Nhà hát Chèo Hải Phòng.

Bối cảnh chính của "Mưa đỏ" là cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Vở diễn xoay quanh hai nhân vật chính là Cường (chiến sỹ Giải phóng) và Quang (tên chỉ huy đội Hắc báo của ngụy).

Cường - một chàng trai Hải Phòng, đang là sinh viên khoa Biên kịch của Trường Nghệ thuật Sân khấu. Cường là con trai duy nhất trong gia đình có bố là liệt sỹ hy sinh thời chống Pháp, mẹ là cán bộ ngoại giao. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh đã gác bút nghiên xung phong lên đường ra mặt trận. Anh được phân công vào chiến trường Quảng Trị. Tại đây, anh cùng đồng đội được giao nhiệm vụ phải bảo vệ cho bằng được thành cổ Quảng Trị, không để cho quân thù cắm cờ lên nóc thành và anh đã hy sinh.

Vở diễn đã tái hiện lại một cách khá chân thực không khí đầy ác liệt, bi tráng, oai hùng và những hy sinh quả cảm của các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam trong 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị. Bên cạnh việc tái hiện sự tàn khốc của chiến tranh, vở diễn cũng mang đến cho người xem những giây phút nhẹ nhàng, lãng mạn. Đó là hình ảnh về chàng lính trẻ hào hoa với những ước mơ đẹp đẽ về tương lai. Đó là tình yêu đẹp giữa người chiến sỹ giải phóng và o du kích gốc Bình Trị Thiên tên Hồng và cả những trăn trở đầy nhân văn trong suy nghĩ của người cầm súng…

Đặc biệt, vở diễn cũng xây dựng thành công hình tượng nhân vật Quang – Trung úy đội trưởng đội Hắc báo, là người biên kia chiến tuyến, nhưng Quang cũng có sự lãng mạn và còn chút trắc ẩn khi hai lần tha chết cho o Hồng vì cảm mến sự hiên ngang, kiên cường của cô gái.

Có thể nói, trong vở chèo "Mưa đỏ", ê kíp thực hiện đã xây dựng thành công những phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Đồng thời, chuyển tải thành công thông điệp về sự phi nghĩa của chiến tranh, về nỗi lòng của hai người mẹ có con ở hai bờ chiến tuyến đến khán giả. Vở diễn khép lại với hình ảnh hai người mẹ cùng đứng trong nghĩa trang liệt sỹ, nắm tay nhau, hóa giải mọi hận thù và hướng tới tương lai… Đó là thông điệp đầy tính nhân văn mà ê kíp thực hiện muốn gửi đến khán giả. Với sự đầu tư công phu về hình ảnh, ánh sáng, âm thanh, cùng diễn xuất tinh tế, sâu sắc của các nghệ sỹ đã mang đến cho công chúng một vở chèo xúc động và hấp dẫn.

Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, đạo diễn vở chèo cho biết, trong ê kíp diễn viên tham gia diễn xuất trong vở "Mưa đỏ", ngoài các nhân vật chính là những diễn viên gạo cội của Đoàn chèo Hải Phòng, còn có sự hợp lực huy động các nghệ sỹ thuộc các đoàn nghệ thuật tại thành phố Hải Phòng để đáp ứng yêu cầu về số lượng hơn 60 người tham gia.

Đặc biệt, vai nam chính được giao cho Nhật Hóa - một trong những giọng nam nổi bật của nghệ thuật chèo hiện nay. Nhật Hóa được Nghệ sỹ Nhân dân Thúy Mùi mời từ Thanh Hóa ra Hải Phòng tham gia vở diễn, chất giọng ngọt ngào của nam diễn viên và cách diễn vô cùng chân thực, xúc động đã góp phần tạo nên thành công của vở diễn, chinh phục được giới trong nghề và khán giả.

Nghệ sỹ Thùy Dương, nữ diễn viên trong vai o Hồng chèo đò chia sẻ, từ ngày vào nghề gần 17 năm nay ở Hải Phòng, chị chưa từng tham gia vở diễn nào về đề tài chiến tranh cách mạng. Đây là vở đầu tiên và o Hồng cũng là vai diễn đầu tiên của chị về đề tài này. Chị thấy mình là người rất may mắn khi được tham gia vào một trong những vai diễn chính trong vở. 

Tri ân các anh hùng, liệt sỹ

Nói về lý do đưa "Mưa đỏ" lên sân khấu chèo, Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi chia sẻ, lần đầu tiên khi đọc kịch bản do nhà văn Chu Lai gửi tham gia dự thi giải thưởng kịch bản do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức, chị đã rất thích và có ý nghĩ sẽ dựng kịch bản này thành một vở diễn thật hay, bởi đây là một trong những tác phẩm viết về người lính, về cách mạng một cách sâu sắc và nhân văn nhất với nhiều chi tiết đắt giá.

Khi biết Nghệ sỹ Nhân dân Thúy Mùi định dựng "Mưa đỏ" thành vở chèo, nhà văn Chu Lai - tác giả kịch bản văn học của "Mưa đỏ" bày tỏ sự nghi ngờ, ông không tin một vở diễn nội dung về chiến tranh khốc liệt lại có thể dựng thành công trên sân khấu chèo. Tuy nhiên, sau khi xem vở diễn, nhà văn Chu Lai cho biết, ông rất hài lòng khi xem phiên bản "Mưa đỏ" trên sân khấu chèo. "Nếu như ở sân khấu kịch nói, "Mưa đỏ" là sấm chớp vang trời, thì ở sân khấu chèo, tác phẩm vừa có sự sâu lắng, yên ả nhưng vẫn giữ được hào khí của một thời trận mạc. Đặc biệt, cảnh hai người mẹ xuất hiện trong nghĩa trang để cùng xóa bỏ ân oán đã được Nghệ sỹ Nhân dân Thúy Mùi xử lý rất khéo léo, tinh tế và xúc động", nhà văn Chu Lai cho biết.

Một cảnh trong vở chèo “Mưa đỏ”. Ảnh: PV

Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi chia sẻ, tác phẩm được dàn dựng nhằm tri ân đúng dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, nhưng ê kíp đã không để vở diễn bị nặng tính tuyên truyền, hô khẩu hiệu sáo rỗng, mà đã cố gắng tạo ra nhiều cảnh  đan xen để "mềm hóa" vở diễn. Vì thế, giữa các phân đoạn mô tả sự chiến đấu khốc liệt, súng đạn đùng đoàng, là những làn điệu chèo, câu ca Huế dịu dàng, sâu lắng, giúp người xem vừa thấy sự khốc liệt của chiến tranh, vừa cảm nhận một cách sâu sắc rằng, chính tình yêu, sự lãng mạn mà con người có nhiều sức mạnh hơn để vượt qua khó khăn, chiến thắng kẻ thù.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng Trần Thị Hoàng Mai cho biết, vào tháng 7 hằng năm, Hải Phòng luôn có hoạt động, sự kiện tri ân đối với các gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với đất nước. Năm nay, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã quyết định dàn dựng vở diễn "Mưa đỏ" để tri ân các anh hùng, liệt sỹ. Khi xem "Mưa đỏ", Sở rất hài lòng với bản dựng đầy tâm huyết, trau chuốt của Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thuý Mùi, bởi vở diễn vừa giữ được giá trị của kịch bản văn học, vừa tạo đất cho nghệ sỹ sân khấu truyền thống thể hiện", bà Trần Thị Hoàng Mai chia sẻ. 

Vở chèo "Mưa đỏ" là một trong những tác phẩm thuộc đề án sân khấu truyền hình của Hải Phòng. Theo đề án, mỗi tháng sẽ có một tác phẩm sân khấu được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình thành phố hoa phượng đỏ. Đây cũng là chủ trương sáng đèn nhà hát thành phố do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng chủ trì, đã và đang trở thành điểm hẹn mà công chúng yêu nghệ thuật thành phố cũng như cả nước đón đợi vào mỗi cuối tháng.  

Theo bà Trần Thị Hoàng Mai, sau đêm diễn mở màn thành công tại Nhà hát Lớn Hải Phòng vào ngày 22/7, "Mưa đỏ" sẽ ra mắt khán giả Thủ đô tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào ngày 30-31/7. Sau đó, vở diễn sẽ được đưa đi diễn phục vụ công nhân ở các khu công nghiệp, người dân ở vùng sâu vùng xa...

Theo TTXVN