Cuộc chiến không tiếng súng

11/12/2021 - 08:49

Năm 2021 chuẩn bị khép lại với bộn bề lo toan về dịch bệnh và những tác động tiêu cực tới đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của tất cả các nước. Tuy nhiên, thế giới vẫn hướng về một năm mới 2022 với niềm hy vọng về đại dịch được đẩy lùi và các hoạt động kinh tế, sản xuất, du lịch lại dần tấp nập như thời kỳ trước khi COVID-19 xuất hiện.

Đại dịch COVID-19 trên toàn cầu trong năm qua đã gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản. Tính đến đầu tháng 12 này, thế giới có hơn 267,4 triệu người mắc và gần 5,3 triệu người tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, những tháng cuối năm nay, “cuộc chiến không tiếng súng” chống COVID-19 bước sang một giai đoạn mới khi các biến thể mới của vi-rút SARS-CoV-2 liên tiếp xuất hiện.

Biến thể mới quá nhanh, quá nguy hiểm

Trong khi thế giới chưa hết lo ngại về biến thể Delta, thì cuối năm 2021, tại Nam Phi lại xuất hiện biến thể Omicron được đánh giá nguy hiểm hơn và lan rộng với cấp số nhân ra khắp các châu lục. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy biến thể Omicron có thể gây nguy cơ tái nhiễm cao hơn ba lần so với biến thể Delta và Beta.

Tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 là giải pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi dịch bệnh.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu cảnh báo biến thể Omicron có thể chiếm hơn một nửa số ca mắc COVID-19 ở các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và khu vực kinh tế châu Âu. Theo đó, Na Uy có nguy cơ trở thành ổ dịch nhiễm biến thể Omicron lớn nhất châu Âu. Tổ chức Y tế liên Mỹ cảnh báo biến thể Omicron đang lây lan sang các quốc gia Bắc Mỹ và Nam Mỹ sau khi Canada và Brazil vừa xác nhận các ca đầu tiên nhiễm biến thể mới này. Omicron cũng đã lan sang nhiều quốc gia châu Á.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, các quốc gia châu Phi đang nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, trong bối cảnh số ca lây nhiễm COVID-19 hằng tuần đang tăng tới 54%, chủ yếu ở miền nam châu Phi. Các quốc gia ở khu vực này buộc phải điều chỉnh phản ứng đối với COVID-19 và ngăn số ca bệnh gia tăng trên khắp châu Phi, vì điều này có thể khiến các cơ sở y tế vốn đã căng thẳng trở nên quá tải. Đến nay, các chuyên gia của WHO đều kêu gọi các quốc gia khác cân nhắc lại lệnh cấm đi lại với các nước ở miền nam châu Phi.

Theo WHO, tỷ lệ tiêm chủng tại khu vực châu Phi vẫn ở mức thấp, với chỉ 7,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ và hơn 80% vẫn đang chờ tiêm liều đầu tiên. Sự xuất hiện của chủng Omicron sẽ là lời cảnh tỉnh về mối đe dọa COVID-19 đang ngày càng nguy hiểm hơn. Cùng với các đối tác của mình, WHO đang hỗ trợ các quốc gia trong việc phân phối và sử dụng vắc-xin ngừa COVID-19.

Cản bước kinh tế toàn cầu

Nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi trong năm qua dù mong manh và không đồng đều giữa các khu vực. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến thể, đặc biệt là Omicron đang tạo thêm nhiều rủi ro và có khả năng trở thành mối đe dọa cản bước đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm nay ở mức 5,6%, đồng thời kêu gọi các nước nhanh chóng triển khai tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, do lo ngại nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm hơn. Trong khi đó, các nhà phân tích của Oxford Economics cho rằng biến thể mới có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất 0,25 điểm % vào năm tới. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh nguy hiểm hơn khiến phần lớn các nước áp đặt lại lệnh phong tỏa, thì mức giảm sẽ lên tới là 2 điểm %.

Theo OECD, kinh tế toàn cầu vẫn đang trong quá trình phục hồi, nhưng đã bị mất đà và ngày càng trở nên mất cân bằng. Vấn đề y tế, lạm phát cao, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và sai lầm chính sách đều là những mối quan ngại lớn. Theo đó, ưu tiên chính sách hiện nay là phải bảo đảm vắc-xin ngừa COVID-19 được sản xuất và triển khai nhanh nhất có thể trên khắp thế giới, bao gồm cả việc tiêm mũi tăng cường. Xu hướng phục hồi hiện nay mới chỉ tạm thời và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu như các nước không bảo đảm được chính sách này. OECD dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh khi bước sang năm mới, trước khi giảm dần tại 38 nước thành viên của tổ chức này. Liên quan tình trạng thiếu hụt nguồn cung, OECD nhận định xu hướng này sẽ cải thiện trong giai đoạn 2022-2023 khi nhu cầu ổn định trở lại, năng lực sản xuất và số người đi làm tăng trở lại.

Bên cạnh đó, OECD cũng nêu bật sự khác biệt rõ rệt trong tốc độ phục hồi của các nước trên khắp thế giới. Trong khi một số khu vực đang nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới, thì những nước khác có nguy cơ bị bỏ lại phía sau, đặc biệt là những quốc gia thu nhập thấp, có tỷ lệ tiêm phòng thấp. OECD dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng ở mức 5,6% trong năm nay, trong khi tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng euro (Eurozone) là 5,2%. Trung Quốc-nền kinh tế lớn thứ hai thế giới-sẽ tăng trưởng ở mức 8,1% trong năm nay và 5,1% trong năm 2022. Tuy nhiên, biến thể Omicron có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế cũng như thị trường lao động Mỹ, đồng thời làm gia tăng những bất ổn liên quan tới lạm phát tại nền kinh tế đầu tàu thế giới. Tại Mỹ Latin, quá trình hồi phục kinh tế đã được cải thiện đáng kể sau khi nhiều quốc gia trong khu vực nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, đến nay, gần một nửa số hộ gia đình vẫn chưa phục hồi được mức thu nhập trước khi đại dịch bùng phát. Cùng với đó, số người đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực tại Mỹ Latin tăng lên gần gấp hai lần trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt là tại các nước có tỷ lệ bất bình đẳng và nghèo đói cao nhất.

Nỗ lực để không ai bị bỏ lại phía sau

Đại dịch đã làm lộ ra những góc khuất đói nghèo, bất hợp lý về chính sách và bất bình đẳng tại nhiều quốc gia, nhiều khu vực, nhưng đồng thời đại dịch cũng làm thức tỉnh lòng nhân ái của con người, sự tự lực tự cường của nhiều quốc gia, dân tộc. Trong năm qua, các nước giàu đã san sẻ, trợ giúp các nước nghèo vắc-xin ngừa COVID-19, phương thức hữu hiệu nhất để đẩy lùi dịch bệnh, đưa thế giới về trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, trên thực tế, sự bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn vắc-xin quý giá này vẫn đang tồn tại. Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc-xin ngừa COVID-19 (COVAX) thừa nhận chỉ có thể phân phối khoảng 1,425 tỷ liều vắc-xin trong năm 2021, trong khi mục tiêu đặt ra là cung cấp cho các nước nghèo 2 tỷ liều vắc-xin ngừa COVID-19 vào cuối năm nay.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva (K.Gioóc-giê-va) và lãnh đạo các tổ chức đa phương khác đã kêu gọi các nước có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 cao tăng hỗ trợ vắc-xin cho các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp. Hiện, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao đã đặt mua trước vắc-xin nhiều hơn tổng cộng 2 tỷ liều so với mức cần thiết. Theo đó, những nước giàu cần khẩn cấp trao đổi số vắc-xin gần đến thời hạn chuyển giao cho các chương trình phân phối vắc-xin toàn cầu, nhờ đó có thể giải quyết sự bất bình đẳng vắc-xin đối với các nước nghèo.

Để hỗ trợ các quốc gia nghèo vượt qua dịch bệnh, IMF kêu gọi các nước phát triển thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) mở rộng Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI), đồng thời cảnh báo nhiều quốc gia có thể phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nếu không nhận được sự hỗ trợ. Ước tính gánh nặng nợ ở các nước nghèo đã tăng 12%, lên mức kỷ lục 860 tỷ USD trong giai đoạn đại dịch. Sáng kiến DSSI cho phép hoãn thanh toán nợ đối với 73 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình và sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2021 sau khi được gia hạn một năm. Tổng Giám đốc IMF bày tỏ lo ngại nền kinh tế của một số quốc gia có thể sụp đổ nếu các nước G20 không đẩy nhanh việc tái cấu trúc và cho các nước nghèo hoãn thanh toán nợ, ngoài ra các chủ nợ tư nhân cũng cần đưa ra các biện pháp cứu trợ. Theo bà Georgieva, thách thức từ các khoản nợ đang gây áp lực đối với nhiều quốc gia, đặc biệt các quốc gia có thu nhập thấp, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hành động ngay. Sự xuất hiện của biến thể Omicron gần đây là lời cảnh báo rõ ràng rằng đại dịch vẫn sẽ tồn tại lâu dài.

Bất chấp những khó khăn và tác động tiêu cực của đại dịch, thế giới chuẩn bị bước sang năm mới với niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn khi đại dịch được đẩy lùi và các hoạt động kinh tế, sản xuất, du lịch lại dần tấp nập như thời kỳ trước khi COVID-19 xuất hiện. Theo đó, việc phủ sóng vắc-xin ngừa COVID-19, cùng các biện pháp bảo đảm thương mại tự do và mở cửa du lịch của các quốc gia sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy kinh tế toàn cầu phục hồi sau đại dịch.

Theo ĐÔNG DƯƠNG (Báo Nhân Dân)