Cuộc đua tái thiết Ukraine rục rịch khởi động

17/02/2023 - 20:17

Hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội tham gia vào quá trình tái thiết Ukraine một khi xung đột chấm dứt.

Một tòa nhà ở Kryvyi Rih, Ukraine bị hư hại do xung đột. Ảnh: Reuters

Sau 1 năm xung đột bùng nổ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, hàng trăm nghìn ngôi nhà, trường học, bệnh viện và nhà máy đã bị phá hủy cùng với các cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng, các tuyến đường bộ, đường sắt và cảng biển tại Ukraine.

Theo ước tính ban đầu, chi phí xây dựng lại cơ sở hạ tầng vật chất tại Ukraine sẽ mất từ 138 tỷ đến 750 tỷ USD.

Trong năm 2022, nền kinh tế Ukraine đã giảm 30%. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ năm 1991 đối với nền kinh tế nước này do xung đột gây cản trở đối với các hoạt động kinh tế. Ukraine đang rất cần tiền để tiếp tục hoạt động cũng như phục vụ cho công cuộc tái thiết khẩn cấp. Bên cạnh đó, Tổng thống Volodymyr Zelenskyy và các đồng minh của Ukraine muốn tận dụng quá trình tái thiết này để tạo ra mối liên kết liền mạch cơ sở hạ tầng của Ukraine với phần còn lại của châu Âu.

Giới quan sát đánh giá quá trình tái thiết nhanh chóng và hiệu quả có trở thành hiện thực sẽ không chỉ phụ thuộc vào kết quả của cuộc chiến mà còn phụ thuộc vào số tiền mà Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các đồng minh khác đã chi trả.

Để có nguồn tiền tái thiết, Ukraine và một số quốc gia châu Âu đang nỗ lực khai thác từ tài sản bị phong tỏa của Nga ở nước ngoài. Tuy nhiên, một số người, bao gồm cả các quan chức trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của động thái này.

Theo ông Tymofiy Mylovanov - cựu Bộ trưởng kinh tế kiêm Chủ tịch Đại học Kinh tế Kiev, hiện rất nhiều công ty đang bắt đầu chuẩn bị và theo dõi xem khi nào đến thời điểm Ukraine cần đến nguồn tài trợ tái thiết. “Các doanh nghiệp đều muốn trở thành một phần của quá trình này”, ông Tymofi nói.

Hơn 300 công ty từ 22 quốc gia đã đăng ký tham dự Hội nghị Tái thiết Ukraine tổ chức trong tuần này tại Warsaw, Ba Lan. Tháng trước, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, một cuộc thảo luận về các cơ hội đầu tư tại Ukraine đã thu hút khán giả đứng chật kín hội trường.

Hơn 700 công ty Pháp đã đổ xô đến một hội nghị do Tổng thống Emmanuel Macron tổ chức vào tháng 12/2022. Ngày 15/2, Liên đoàn Công nghiệp Phần Lan đã tài trợ cho một hội thảo trực tuyến kéo dài cả ngày để các công ty có cơ hội giới thiệu các nhà máy xử lý nước thải, máy biến áp, máy tuốt lúa… với các quan chức Ukraine.

Sergiy Tsivkach, Giám đốc điều hành UkraineInvest - văn phòng chính phủ phụ trách đầu tư nước ngoài, bày tỏ sự vui mừng khi quá trình tái thiết đất nước mình được quan tâm. Tuần trước, ông đã đến Lviv để gặp gỡ các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, tại đây, ông đã đặt ra một câu hỏi để nhắc nhở các nhà đầu tư.

“Tất cả họ đều nói muốn giúp tái thiết Ukraine. Nhưng họ phải phân biệt rõ, họ muốn đầu tư tiền hay muốn bán dịch vụ, hàng hóa”, Tsivkach chỉ ra. Phần lớn câu trả lời là quan tâm đến việc bán một loại mặt hàng nào đó.

Tại hội nghị Warsaw, các công ty Ukraine và nước ngoài đều muốn biết bên nào có quyền quyết định về hợp đồng và cách thức áp dụng các điều khoản hợp đồng. Tomas Kopecny, đặc phái viên của chính phủ Séc tại Ukraine cho biết: “Hàng trăm công ty đã hỏi tôi điều này”.

Đối với các doanh nghiệp, câu hỏi quan trọng là ai sẽ quản lý tiền. “Ai sẽ trả tiền cho những thứ đó?” Domenico Campogrande, Tổng Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Xây dựng châu Âu, phát biểu.

Mặc dù Ukraine nói rõ sẽ có phần thưởng cho các nhà đầu tư sớm khi tiến hành tái thiết sau chiến tranh song cơ hội đó vẫn mang đầy rủi ro.

Danfoss, một công ty công nghiệp của Đan Mạch chuyên bán các thiết bị tiết kiệm nhiệt và bộ nguồn thủy lực cho nhà ở, đã kinh doanh tại Ukraine từ năm 1997. Khi xung đột nổ ra, các cuộc pháo kích của Nga đã phá hủy nhà kho của công ty ở Kiev.

Kể từ đó, Danfoss đã tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu cấp thiết ở các khu vực bị chiến tranh tàn phá và miền Tây Ukraine, nơi hàng triệu người đang phải trú ẩn tạm thời.

Andriy Berestyan, Giám đốc điều hành công ty, chia sẻ: “Hiện tại, mọi nỗ lực đều hướng tới việc duy trì chế độ sinh tồn. Ngay bây giờ, không ai thực sự tìm kiếm công cuộc tái thiết lớn”.

Để đối phó với các rủi ro tiềm ẩn khi hoạt động ở Ukraine, các chính phủ dự kiến đóng góp vào quá trình tái thiết Ukraine đã có những cam kết hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp.

Cụ thể, Đức đã tuyên bố thành lập một quỹ để đảm bảo các khoản đầu tư. Kế hoạch này sẽ được giám sát bởi tập đoàn kiểm toán toàn cầu PwC và sẽ bồi thường cho các nhà đầu tư những tổn thất tài chính nguy cơ trong trường hợp các dự án bị gián đoạn.

Trong khi đó, Pháp cũng sẽ đảm bảo cho các công ty làm việc trong tương lai tại Ukraine. Bộ trưởng Tài chính nước này Bruno Le Maire cho biết các hợp đồng trị giá tổng cộng 100 triệu euro đã được trao cho ba công ty Pháp thực hiện các dự án ở Ukraine, bao gồm công ty Matière xây dựng 30 cây cầu nổi, hai công ty Mas Seeds và Lidea cung cấp hạt giống cho nông dân.

Theo BẢO HÀ (Báo Tin tức)