Giữ lửa nghề chằm nón lá ở xã Thạnh Đông

26/07/2025 - 22:49

 - Gần 70 năm qua, nghề truyền thống chằm nón lá ở xã Thạnh Đông (tỉnh An Giang) không chỉ là sinh kế, mà còn là biểu tượng văn hóa. Dù trải qua thời kỳ hưng thịnh, đến nay nghề đang dần mai một do khó khăn về đầu ra. Tuy vậy, những người thợ nơi đây vẫn bền bỉ gìn giữ nghề như một cách giữ hồn quê, giữ truyền thống.

Cụ Phạm Thị Thang giữ gìn nghề truyền thống chằm nón lá.

Nghề chằm nón lá tại ấp Kênh 8B, xã Thạnh Đông, trước đây thuộc xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cũ, được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là nghề truyền thống vào năm 2019.

Giữa tháng 7, chúng tôi trở lại ấp Kênh 8B, gặp gỡ những người gắn bó với nghề. Trong câu chuyện với các cụ, các chị, hiện lên rõ tình yêu nghề, yêu văn hóa dân tộc. Các cụ kể rằng, năm 1954, người dân làng Phạm Pháo (tỉnh Nam Định) di cư vào đây, mang theo nghề chằm nón. Đến năm 1957, nghề chính thức hình thành tại ấp Kênh 8B.

Nón có 16 vành, từ lớn đến nhỏ, xếp khéo léo tạo thành hình chóp.

Giai đoạn 1958 - 1980 là thời kỳ vàng son của nghề chằm nón. Cả ấp có trên 200 hộ, khoảng 500 lao động theo nghề, làm không kịp đơn hàng. Nghề chằm nón từng giúp người dân có thu nhập khá, thậm chí tích cóp được vàng.

Thế nhưng, theo thời gian, nghề dần mai một. Tổ hợp tác chằm nón trước đây có 25 người, nay chỉ còn 10 người gắn bó, trong đó chỉ 2 - 3 hộ làm thường xuyên. Người dân chủ yếu tranh thủ lúc nông nhàn chằm nón để kiếm thêm thu nhập.

Người thợ tỉ mỉ lựa lá mật cật, phơi khô, ủi phẳng rồi khâu từng chiếc lại với nhau, xếp đều lên khuôn chóp.

Người thợ khâu chiếc lá tỉ mỉ từng đường kim.

Cụ Phạm Thị Thang (74 tuổi), Tổ trưởng Tổ hợp tác chằm nón lá, cùng chồng là ông Phạm Văn Thu (76 tuổi) vẫn đều đặn làm nghề. Bà Thang chia sẻ: “Mỗi ngày vợ chồng tôi chằm được 2 chiếc nón đẹp, nếu nón thưa thì làm được nhiều hơn. Nay ít đơn hàng, nên tôi làm ít lại, nhưng nếu có đặt nhiều, tôi vẫn có thể làm kịp”.

Từ khi mới 7 - 8 tuổi, bà Thang đã giúp mẹ chuẩn bị lá, rồi biết chằm nón từ khi mới hơn 10 tuổi. Với bà, nghề không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống gia đình, là truyền thống văn hóa cần gìn giữ. Bà sẵn sàng truyền nghề cho con, cháu, người trong xóm để nghề không bị thất truyền.

Những chiếc nón lá sẵn sàng cung ứng cho khách hàng.

Nón lá ở ấp Kênh 8B được làm hoàn toàn thủ công theo cách truyền thống. Người thợ tỉ mỉ lựa lá mật cật, phơi khô, ủi phẳng rồi khâu từng chiếc lại với nhau, xếp đều lên khuôn chóp. Nón có 16 vành, từ lớn đến nhỏ, xếp khéo léo tạo thành hình chóp. Sau cùng, chiếc nón được quét dầu bóng tăng độ bền và thẩm mỹ.

Mỗi chiếc nón có giá từ 50.000 - 100.000 đồng tùy loại. Tuy nhiên, đầu ra hiện rất khó, công việc lại đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo tay. Vì thế, nhiều người trẻ chọn làm công ty, đi xí nghiệp để có thu nhập ổn định hơn. Bà Thang trăn trở: “Tôi có truyền nghề cho cháu nội, nhưng cháu tôi đang theo học ngành sư phạm. Tôi sợ nếu thế hệ tôi mất đi, nghề cũng không còn ai theo đuổi nữa”.

Trước thực trạng đó, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đông Nguyễn Quốc Việt cho biết, chính quyền địa phương đang tính toán các giải pháp hỗ trợ người làm nghề. Trong đó, ưu tiên tạo điều kiện vay vốn, tìm đầu ra sản phẩm, hỗ trợ đào tạo nghề để bảo tồn nghề truyền thống.

Ông Việt nhấn mạnh: “Giữ gìn và phát triển nghề truyền thống không những giải quyết được việc làm cho lao động trong gia đình mà còn tạo thêm việc làm cho người dân, vì hiện nay do thiếu việc làm tại địa phương, nên người dân phải đi làm ăn xa nhà. Việc bảo tồn nghề truyền thống còn góp phần bảo lưu và gìn giữ những giá trị văn hóa của địa phương”.

Bài và ảnh: THU OANH