Thế hệ Z học sử theo cách không nhàm chán

26/07/2025 - 22:49

 - Không lớp học, không sách vở, nhưng lịch sử vẫn sống dậy giữa Nghĩa trang Liệt sĩ Giồng Riềng qua những câu chuyện chân thực về các Anh hùng liệt sĩ, giúp học sinh, đoàn viên khắc ghi và nuôi dưỡng lòng biết ơn đối với những hy sinh của cha ông.

Đoàn viên, học sinh nghe kể chuyện truyền thống về Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Quang Mẫn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Giồng Riềng.

Buổi sáng cuối tuần, Nghĩa trang Liệt sĩ Giồng Riềng như lặng đi trong không khí trang nghiêm của một buổi kể chuyện đặc biệt. Không bục giảng, không giáo án, nhưng gần 100 học sinh và đoàn viên Xã đoàn Giồng Riềng chăm chú lắng nghe câu chuyện về Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Thị Quang Mẫn.

Bà Trần Thị Quang Mẫn sinh năm 1926, quê xã Vĩnh Thạnh, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang (cũ). Năm 1945, bà giả trai để được ra chiến trường, chiến đấu tại vùng U Minh Thượng và giữ chức đại đội trưởng. Trong một lần bị địch bắt, bà bị kết án 12 năm tù khổ sai, chịu nhiều cực hình nhưng vẫn kiên quyết không khai báo.

Sau khi được trả tự do vào năm 1966, bà tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1967, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và vinh dự được gặp Bác Hồ tại Hà Nội. Năm 1994, bà được phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bà mất năm 2021, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Giồng Riềng…

Lãnh đạo địa phương, đoàn viên, học sinh xã Giồng Riềng viếng mộ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Thị Quang Mẫn.

Không khí buổi kể chuyện càng lặng hơn, khi ông Trần Văn Hồng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Giồng Riềng dừng lại ở chi tiết về những phần mộ không tên, những chiến sĩ nằm lại, mà không ai còn nhớ mặt, gọi tên. Những tấm bia khắc dòng chữ “Liệt sĩ”, chưa rõ tên tuổi trở thành lời nhắc về sự hy sinh thầm lặng, không đòi hỏi ghi công.

Ông Trần Văn Hồng xúc động: “Tôi rất vui và tự hào khi được chia sẻ câu chuyện của những người đi trước với các em học sinh, đoàn viên hôm nay. Nhìn ánh mắt lắng nghe chăm chú, những hành động đầy tôn kính của các em bên từng phần mộ liệt sĩ, tôi tin rằng lịch sử không hề bị lãng quên. Mong rằng, thế hệ trẻ luôn ghi nhớ công lao của cha ông, sống có lý tưởng, biết ơn và tiếp bước để xây dựng quê hương ngày càng tốt đẹp hơn”.

Tuổi trẻ và lực lượng vũ trang Giồng Riềng dọn vệ sinh, nhổ cỏ, thay hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Giồng Riềng.

Sau phần kể chuyện, học sinh và đoàn viên bước về phía cột Tổ quốc ghi công, từng người lần lượt thắp hương tưởng niệm, ánh mắt các em ánh lên sự xúc động. Nhiều em cúi đầu rất lâu trước từng tấm bia, như muốn khắc ghi vào lòng sự biết ơn vô hạn.

Các em chia nhau dọn dẹp vệ sinh khu vực nghĩa trang, nhổ cỏ quanh các phần mộ, lau sạch bia đá, thay mới những bình, hoa trên từng phần mộ… những hành động tưởng chừng đơn giản nhưng chứa đựng cả tấm lòng biết ơn.

Em Nguyễn Ngọc Thiên Kim, học sinh Trường THPT Giồng Riềng, chia sẻ: “Em thấy rất tự hào khi được tham gia hoạt động hôm nay. Có những người chỉ mới mười tám tuổi, bằng tuổi em bây giờ, đã hy sinh cho độc lập dân tộc. Em sẽ cố gắng học tập thật tốt để trở thành công dân có ích, không phụ lòng thế hệ đi trước”.

Em Nguyễn Như Ngọc, đoàn viên Xã đoàn Giồng Riềng, cho biết: “Em đã tham gia hoạt động này nhiều lần, và mỗi lần đều mang lại cho em cảm xúc khác nhau. Mỗi lần như thế, lòng biết ơn và ý thức trách nhiệm trong em lại lớn dần. Em nghĩ, đây là cách giúp chúng em hiểu sâu hơn về lịch sử và sống có lý tưởng hơn”.

Đoàn viên, học sinh thay hoa, lau bia mộ, tri ân các liệt sĩ vô danh.

Nghĩa trang liệt sĩ Giồng Riềng có 2.631 phần mộ, trong đó có 954 mộ liệt sĩ vô danh. Bí thư Xã đoàn Giồng Riềng Lê Thị Tố Quyên cho biết: “Hàng năm, xã Đoàn đều tổ chức hoạt động giáo dục truyền thống như thế này để các học sinh và đoàn viên được trực tiếp cảm nhận lịch sử. Không chỉ học qua sách vở, mà được nhìn, được nghe và được làm đó là cách giáo dục hiệu quả, giúp các em thấm thía tinh thần yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn và sống trách nhiệm với hiện tại”.

Bài và ảnh: BÍCH THÙY