Chụp ảnh lưu niệm cùng học sinh đoạt giải cao
Có 198 sản phẩm đăng ký dự thi của 324 học sinh tham gia nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, thuộc 18/22 lĩnh vực. Vòng sơ khảo diễn ra từ ngày 28/11, chọn được 127 dự án của 207 học sinh. Tại Trường THPT Chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP. Long Xuyên), vòng chung cuộc được diễn ra, tuyển chọn 2 dự án dự thi cấp quốc gia, gồm: Dự án “Dây đeo thắt lưng hỗ trợ người khiếm thị” (Quách Hải Thọ, THPT Nguyễn Sinh Sắc, TX. Tân Châu) đoạt giải nhất; dự án “Tái chế bã mía và thân chuối thành chậu kiểng, tạo sản phẩm thân thiện môi trường. Giải pháp tốt để xử lý rác thải từ 2 phế phẩm trên tại An Giang” (La Thế Trân và Trần Nhựt Hào, Trường THPT Nguyễn Khuyến, huyện Thoại Sơn) đoạt giải nhì.
Theo đánh giá, các dự án đầy sáng tạo, độc đáo, nhiều ý tưởng và kỹ thuật mới. Đặc biệt, phần mềm Adruno được Sở GD&ĐT triển khai những năm gần đây được học sinh áp dụng khá thành thạo. Nhiều trường hoàn thiện báo cáo theo đúng tiến trình của nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, gồm: Câu hỏi, vấn đề nghiên cứu; thiết kế và phương pháp nghiên cứu; thu thập, phân tích, kiểm tra dữ liệu; kết luận vấn đề nghiên cứu. Cùng với đó, giáo viên tích cực hỗ trợ, hướng dẫn học sinh những vấn đề cơ bản, đơn giản của nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, áp dụng lý thuyết đã học trên lớp vào thực tế. Từ đó, hình thành tốt phẩm chất và năng lực, góp phần thực hiện thành công việc đổi mới chương trình sách giáo khoa.
Thông qua các dự án, học sinh thể hiện rõ tinh thần đam mê nghiên cứu khoa học, tìm nguồn minh chứng cụ thể, đáng tin cậy. Có dự án đã được giáo viên hướng dẫn liên hệ với trường đại học, viện nghiên cứu phân tích mẫu, đo đạc số liệu… giúp dự án khẳng định chắc chắn về tính khoa học, kết luận vấn đề một cách hoàn hảo. Qua trình bày các dự án, học sinh tóm tắt rõ dự án nghiên cứu, nêu vấn đề nổi bật, sáng tạo của mình; thể hiện năng lực giao tiếp, trình bày vấn đề dưới góc độ khoa học. Năng lực giao tiếp, hợp tác và kỹ năng làm việc độc lập đã hình thành trong các em, từ những hoạt động này.
Theo ban tổ chức, cuộc thi đem lại sân chơi lý tưởng cho học sinh về khoa học - kỹ thuật. Qua cuộc thi, học sinh và giáo viên thấy được nhiều ý tưởng, nhiều cách nghiên cứu tiếp cận với khoa học. Những vấn đề tưởng chừng như rất đơn giản, song dưới góc nhìn khoa học, là phát hiện mới, thú vị, tạo tiền đề cho phát minh khoa học, góp phần ươm mầm cho học sinh cách viết, thể hiện ý tưởng sáng tạo thành đề tài nghiên cứu khoa học, giúp ích cho học sinh trên con đường học vấn và làm việc sau này.
Sở GD&ĐT sẽ phát động cuộc thi khoa học - kỹ thuật năm học 2023-2024, với mong muốn cuộc thi năm tới có nhiều sản phẩm tham gia; chất lượng của sản phẩm góp phần thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cụ thể, từng bước tổ chức tốt hoạt động dạy và học STEM (đã được Bộ GD&ĐT điều chỉnh bổ sung phù hợp với chương trình mới). Các trường phổ thông tăng cường tổ chức hoạt động trải nghiệm, nhất là trải nghiệm của từng môn học, tạo điều kiện cho học sinh hình thành kiến thức, “làm để học và học để làm”. Kích thích lòng đam mê học tập của học sinh, khơi dậy tiềm năng và phát huy tư duy sáng tạo, giúp các em trau dồi kiến thức, thúc đẩy phong trào thi đua học tập, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, vun đắp ước mơ trở thành nhà khoa học, sáng chế trong tương lai. Từ đó, góp phần giáo dục, đào tạo nên những con người mới có phẩm chất và năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…
Dự án tham gia dự thi của học sinh trung học đáp ứng mục tiêu của cuộc thi, đó là khuyến khích học sinh nghiên cứu khoa học, sáng tạo khoa học kỹ thuật, giải quyết vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập. |
HỮU HUYNH