Cuốn sách xúc động, nhân bản về Covid-19

03/12/2020 - 07:48

Ngày 2-11, NXB Hội Nhà văn tổ chức buổi giao lưu ra mắt cuốn truyện ký 'Paris+14' đầu tay của tác giả, TS tâm lý học Cù Thu Hương.

Sách dày hơn 300 trang, gồm 12 phần: Tôi không phải là virus!, Bóng tối đang dần nuốt chửng kinh đô ánh sáng, Thiên đường yêu thương, Sen bay trong mây, Đất mẹ, Ngôi nhà chung, Lực lượng 24/24, Vòng một, Paris+14 = Hà Nội… Ngoài ra, phần cuối sách là phụ lục ảnh, được in 4 màu, cung cấp cho bạn đọc những bức ảnh tư liệu, đa số do tác giả tự chụp trong 14 ngày thực hiện cách ly do dịch Covid-19 của tác giả tại Sơn Tây.

"Cuốn sách này được hình thành trong một tình huống bất ngờ, chính tôi cũng không nghĩ mình viết sách. Nhưng có thể nói, chính vì đại dịch Covid-19 ập đến làm đảo lộn thế giới, khiến cho tôi trở thành người bất đắc dĩ cầm bút viết cuốn truyện ký Paris+14. Thêm vào đó, được sự động viên của bạn tôi - nhà thơ Hữu Việt nên tôi mới đủ can đảm cầm bút", tác giả Cù Thu Hương chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Tác giả cho biết, sau khi đón Tết Canh Tý ở Hà Nội, cô quay trở lại Paris ngày 6-2-2020. Lúc đó Việt Nam đã bắt đầu có những trường hợp bị phát hiện nhiễm Covid-19 chủng mới. Trong khi đó ở Vũ Hán – Trung Quốc đã có nhiều người chết vì nhiễm virus này. Khi đặt chân xuống sân bay ở Pháp, chị thấy cảnh tượng thưa thớt, vắng vẻ hẳn. Trước kia mỗi lần cô sang số người tấp nập 100 lần thì giờ chỉ bằng 1-10, có khi còn ít hơn.

Trong những ngày ở Pháp sau kỳ nghỉ Tết ở Việt Nam, tác giả tiếp tục theo dõi diễn biến về dịch bệnh trên toàn thế giới qua các phương tiện truyền thông và chứng kiến những ngày đầu, người Pháp còn khá bình thản, hầu như chẳng lo lắng. Người Pháp cũng không có thói quen tích trữ thực phẩm, nên mọi sự vẫn rất bình thường. Họ cũng không có thói quen đeo khẩu trang.

"Trong khi ở châu Á nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, đang sôi sục với nạn Covid-19 thì ở Pháp vẫn còn im ắng lắm, nên cảm giác yên tâm dần dần xâm chiếm tôi, thậm chí có lúc tôi còn nghĩ truyền thông trong nước về mức độ lây lan và nguy hiểm của con virus này đang được thổi phồng lên và cũng nghĩ đó giống như cúm mùa", tác giả Cù Thu Hương chia sẻ.

Chính vì suy nghĩ này, cộng với chuyến nghỉ Tết ở Việt Nam còn nguyên nhiều dư âm, nên khi có những người hỏi có ý định quay về Việt Nam tránh dịch không tác giả đã lắc đầu. Nhưng rồi hàng ngày theo dõi tin tức, lại thêm thời tiết ở Pháp lúc nóng, lúc lạnh thất thường nên tác giả bị ngạt mũi, đau họng, tâm lý lo lắng xuất hiện. Càng lo hơn khi thấy những bài ở bên Ý bệnh viện đang chọn bệnh nhân để cứu. Ra đường thấy người Pháp vẫn bình thường, khẩu trang không đeo, vẫn nói cười như trước…

Tự nhiên tôi không còn tin tưởng ở phương pháp chống dịch tại Pháp, thấy lo lắng nếu có bị nhiễm bệnh chắc gì đã được vào viện nằm, sợ cô đơn, vì bệnh viện Pháp bình thường đã khó vào thăm nom, giờ lại là bệnh lây nhiễm chỉ có một mình nếu chẳng may mắc bệnh phải vào viện", tác giả chia sẻ.

Tác giả Cù Thu Hương và người bạn - nhà thơ Hữu Việt trong buổi ra mắt sách.

Chính cảm giác vừa lo sợ, vừa cô quạnh cứ xâm chiếm, muốn cái gì đó ấm áp, bao bọc, bảo vệ, TS Cù Thu Hương quyết định quay về Việt Nam. Ngày 14-3, chị lên chuyến bay thương mại từ Paris trở về Hà Nội. Ngày 15-3, chị đặt chân xuống sân bay Nội Bài, bắt đầu thực hiện việc cách ly 14 ngày tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô (Sơn Tây, Hà Nội).

Từ những trải nghiệm đặc biệt của mình trong đại dịch Covid-19, tác giả Cù Thu Hương đã ghi lại một cách chân thực những điều mình chứng kiến - qua góc nhìn và thông tin mà chị thu nhận được. Những cung bậc cảm xúc, lúc vui, khi buồn, thậm chí lo lắng, hoảng sợ… đã xuất hiện trong hành trình di chuyển được chị ghi chép lại, đôi chỗ khiến độc giả cảm động đến phát khóc.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Giám đốc, Tổng biên tập Hội Nhà văn xúc động và cảm ơn TS Cù Thu Hương đã mang bản thảo tới nhà xuất bản, để hôm nay có cuốn sách đầy ý nghĩa ra mắt bạn đọc.

"Tác giả vừa là nạn nhân của dịch bệnh Covid-19, vừa là người có trải nghiệm thực tế ở cả trong nước và ngoài nước. Trong cuốn sách hiện rõ phận người mong manh nhưng tình người vô cùng ấm áp, sức mạnh đoàn kết con người thật lớn lao. Đây là cuốn sách văn xuôi đầu tiên về Covid-19 NXB Hội nhà văn phát hành mang nhiều ý nghĩa như thế", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.

Trong khi đó, nhà thơ Hữu Việt cho rằng, tác giả đã chinh phục độc giả bằng sự mộc mạc, chân thành tới mức da diết qua những trang viết giàu cảm xúc, thẫm đẫm tình yêu thương con người.

"Cảm ơn tác giả đã thay chúng ta ghi lại nhật ký về một giai đoạn khó quên của nhân loại mà hôm nay và rất lâu sau nữa, loài người còn phải tiếp tục nhắc tới. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện xúc động, đẹp đẽ, kiên cường đầy nhân bản giữa đại dịch Covid-19 mà còn cả hồi ức về quá khứ, về quê hương giang rộng vòng tay cưu mang, che chở những đứa con của mình dù ở bất cứ phương trời nào", nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.

Theo TÌNH LÊ (Vietnamnet)