Khu chợ ở trung tâm Cairo, Ai Cập ngày 10/2/2020. Ảnh: Reuters
Theo đài RT, Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi đã kêu gọi người Ai Cập sinh ít con hơn, cho rằng tỷ lệ sinh hiện tại sẽ tạo ra một “thảm họa” cho quốc gia Bắc Phi này.
“Chúng ta chỉ cần 400.000 ca sinh mỗi năm”, Tổng thống al-Sisi phát biểu tại Đại hội Toàn cầu về Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHDC), khai mạc tại Cairo ngày 5/9. Theo dữ liệu Ai Cập đã ghi nhận gần 2,2 triệu ca sinh vào năm 2022.
Hãng tin AFP dẫn lời Tổng thống Ai Cập nói với Bộ trưởng Y tế và Dân số Khaled Abdel Ghaffar: “Tôi không đồng ý với quan điểm của ông rằng có con là vấn đề hoàn toàn tự do”.
“Hãy để lại quyền tự do của họ cho những người có lẽ là không biết mức độ của thách thức [dân số]? Cuối cùng, toàn bộ xã hội và nhà nước Ai Cập sẽ phải trả giá”, ông al-Sisi nói, “Chúng ta phải tổ chức sự tự do này, nếu không nó sẽ tạo ra thảm họa.”
Nhà lãnh đạo Ai Cập trích dẫn ví dụ về Trung Quốc, quốc gia “đã thành công trong việc kiểm soát dân số” bằng cách áp dụng chính sách một con khắc nghiệt vào những năm 1970. Bắc Kinh đã từ bỏ chính sách này vào năm 2015 và từ đó khuyến khích tăng trưởng dân số để phù hợp hơn với cơ cấu nhân khẩu học trong tình hình mới.
Theo tài liệu hội nghị PHDC, sự gia tăng dân số của Ai Cập có thể “gây căng thẳng cho tài nguyên và cơ sở hạ tầng, dẫn đến những thách thức về sức khỏe và xã hội”. Các tài liệu cho biết dân số tăng nhanh “làm ảnh hưởng đến sự sẵn có và chất lượng của các dịch vụ cơ bản bao gồm y tế, giáo dục, an sinh xã hội” và góp phần vào “sự cạn kiệt nhanh chóng của tài nguyên thiên nhiên”.
Hội nghị bắt đầu ngày 5/9 và dự kiến kéo dài đến 8/9, được tài trợ bởi nhiều cơ quan của Liên hợp quốc, USAID và một số công ty dược phẩm lớn.
Ai Cập cho đến nay là quốc gia Arab đông dân nhất, với dân số ước tính khoảng 113 triệu người. Theo Ngân hàng Thế giới, quốc gia này đông dân nhất ở Trung Đông và đông dân thứ ba ở châu Phi.
Bản cập nhật mới nhất gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế vốn đã yếu kém của Ai Cập, nơi đã chứng kiến tỷ lệ lạm phát chính thức hàng năm tăng vọt lên hơn 30% kể từ năm ngoái và mức sống giảm sút nghiêm trọng.
Khoảng 30% dân số Ai Cập là người nghèo trước khi bùng phát dịch Covid-19 và tỉ lệ này được cho là đã tăng lên kể từ đó. Theo số liệu chính thức của Cairo, có tới 60% người dân Ai Cập được ước tính ở dưới hoặc gần mức nghèo khổ.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi đổ lỗi cho sự gia tăng dân số nhanh chóng là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế của đất nước.
Vào tháng 2/2022, ông khởi động Dự án Quốc gia về Phát triển Gia đình Ai Cập nhằm hạn chế tình trạng quá tải dân số và giải quyết các tác động về sức khỏe, giáo dục, xã hội, văn hóa và kinh tế của việc tăng dân số.
Tại Hội nghị Tổng thống Al-Sisi chỉ ra những áp lực kinh tế mà sự gia tăng dân số đã gây ra cho đất nước vốn phụ thuộc vào việc nhập khẩu thực phẩm từ nước ngoài.
Cairo đã tìm kiếm những khoản đầu tư lớn hơn từ Nga như một cách giải quyết những thách thức kinh tế. Theo kế hoạch, đến tháng 1/2024, nước này sẽ gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cùng với UAE, Saudi Arabia, Ethiopia, Argentina và Iran.
Hồi tháng 6 năm nay, Ai Cập đã chính thức đề nghị gia nhập BRICS trong bối cảnh quốc gia này đang rất quan tâm đến việc sử dụng các loại tiền tệ thay thế trong hoạt động thương mại. Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế thuộc Hạ viện Ai Cập, ông Mohamed Abdel-Hamid, cho biết việc gia nhập NDB sẽ giúp Ai Cập giảm bớt áp lực trong quá trình tìm kiếm nguồn USD để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu, vì các thành viên NDB có thể sử dụng đồng nội tệ của họ trong trao đổi thương mại.
BRICS hiện là một trong những khối kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay với 5 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. BRICS chiếm khoảng 30% quy mô kinh tế toàn cầu, 26% diện tích lãnh thổ và 43% dân số thế giới, sản xuất hơn 1/3 sản lượng ngũ cốc toàn cầu. BRICS cũng đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) với tổng nguồn vốn 100 tỷ USD để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển bền vững ở các quốc gia thành viên, cũng như các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia đang phát triển khác.
Theo TTXVN