Dạo quanh một vòng sân bóng đá cỏ nhân tạo ở các địa phương vào buổi chiều hàng ngày, mới thấy không khí tập luyện, thi đấu giao hữu bóng đá diễn ra sôi nổi, hào hứng. Trên sân, các cầu thủ “nghiệp dư” thuộc mọi lứa tuổi, thành phần đều có cơ hội được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.
Anh Trần Văn Thanh (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết: “Đội chúng tôi gồm 12 cầu thủ đến từ đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp khác nhau. Chung niềm đam mê bóng đá, chúng tôi tập luyện, giao lưu với nhiều đội bóng trong tỉnh. Bóng đá không chỉ giúp chúng tôi rèn luyện sức khỏe dẻo dai, mà còn là sân chơi để mọi người được giao lưu, kết bạn, trao đổi kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống”.
ở khu vực nhà văn hóa, sân trường học, khu dân cư… không khí tập luyện TDTT của người dân rất hăng say. Họ chọn môn thể thao phù hợp thể trạng và lứa tuổi mình. Tại sân bóng chuyền của Trường Đại học An Giang, tiếng hò reo cổ vũ những pha ghi điểm đẹp mắt giúp mọi người xua tan mệt mỏi, lo âu của cuộc sống. Nguyễn Tấn Hưng chia sẻ: “Mỗi buổi chiều, tôi thường dành thời gian đến sân chơi bóng chuyền. Không phân biệt lứa tuổi, không cần kỹ thuật quá cao, chỉ cần người chơi có niềm đam mê với trái bóng là đủ tạo nên trận bóng chuyền sôi nổi, kịch tính”.
Nhiều người dân lại chọn tập luyện bằng xe đạp mỗi sáng sớm. Môn này không kén đối tượng, từ thanh niên đến người lớn tuổi đều có thể tham gia. Hoặc chọn lựa hình thức rèn luyện sức khỏe nhẹ nhàng hơn là đi bộ. Họ lập thành từng nhóm, vừa đi vừa trò chuyện, trao đổi về công việc và cuộc sống hàng ngày.
Chị Nguyễn Thị Kim Yến (TP. Long Xuyên) cho biết: “Thường xuyên bận rộn, không có thời gian luyện tập thể thao nên tôi thường tranh thủ đi bộ buổi tối, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giảm bớt căng thẳng sau ngày làm việc”.
Giải thể dục dưỡng sinh các câu lạc bộ tỉnh An Giang mở rộng năm 2024. Ảnh: THANH HÙNG
Phong trào tập thể dục dưỡng sinh đã và đang đi vào đời sống, thu hút đông đảo người cao tuổi tham gia. Hàng ngày, cứ 5 giờ hoặc 18 giờ, dạo quanh công viên, dễ bắt gặp người cao tuổi tập động tác mềm mại, uyển chuyển. Nhờ duy trì sinh hoạt đều đặn mà họ có được sức khỏe tốt, có nơi giao lưu, gặp gỡ, tạo nên nguồn vui trong sinh hoạt cộng đồng, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. Sau mỗi buổi tập, hội viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống, việc chăm sóc, giữ gìn sức khỏe, dạy bảo con cháu...
Bà Nguyễn Thị Huệ (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) chia sẻ: “Lúc đầu, chúng tôi đi bộ, sau đó thấy trên mạng có bài tập dưỡng sinh hay, cả nhóm cùng nhau tập luyện”. Tương tự, bà Đinh Thị Nga (huyện Châu Phú) bày tỏ: “Tôi tập thể dục dưỡng sinh thành thói quen. Ngày nào cũng vậy, trừ lúc mưa gió, tôi tranh thủ đến tập đúng giờ. Nhờ luyện tập dưỡng sinh thường xuyên, tôi thấy mình hoạt bát, nhanh nhẹn hơn. Luyện tập dưỡng sinh không chỉ nâng cao sức khỏe, mà còn giúp tôi có thêm niềm vui, sống lạc quan, yêu đời hơn”.
Công viên ở các địa phương đều trang bị dụng cụ tập thể dục ngoài trời miễn phí: Xe đạp, bàn đẩy tay, chân… thu hút nhiều đối tượng sử dụng. Đây là mô hình thể thao công cộng ý nghĩa và thiết thực, tạo điều kiện để người dân rèn luyện sức khỏe an toàn, miễn phí, hiệu quả.
Để phong trào TDTT có sức lan tỏa mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, các địa phương tích cực, chủ động chỉ đạo lồng ghép với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Hàng năm, nhiều giải thể thao phong trào được các cấp, ngành tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia, trở thành ngày hội thể thao của Nhân dân.
Hiện nay, việc tập luyện TDTT, rèn luyện thân thể hàng ngày không chỉ mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, mà còn trở thành nhu cầu không thể thiếu của người dân. Điều đó cho thấy phong trào TDTT trên địa bàn tỉnh An Giang phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng dân cư, thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
TRỌNG TÍN