Đã vớt được các mảnh vỡ tàu lặn Titan, có thể có cả thi thể người

29/06/2023 - 14:31

Ngày 28/6 (giờ địa phương), lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết có khả năng có thi thể người nằm trong số các mảnh vỡ và bằng chứng được vớt lên từ đáy biển, tại nơi tìm thấy xác chiếc tàu lặn Titan bị nổ.

Mảnh vỡ của tàu Titan. Ảnh: AP

Theo kênh CNN, thông tin trên được lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đưa ra trong một thông cáo báo chí gần một tuần kể từ khi các nhà chức trách xác định con tàu Titan đã nổ tung ở Bắc Đại Tây Dương, giết chết tất cả 5 người trên tàu.

Các mảnh vỡ tàu lặn đã được đưa vào một cảng ở Canada ngày 28/6. Các phần thi thể sẽ được các chuyên gia y tế Mỹ phân tích.

Trong số các mảnh vỡ, có một mảnh vỡ màu trắng kích thước lớn. Ngoài ra, còn có một mảnh khác có kích thước tương tự, gắn dây và dây điện được bọc trong vải bạt trắng nằm trong số các mảnh vỡ được đưa ra khỏi tàu Horizon Arctic tại bến tàu ở St. John's ở Newfoundland và Labrador, Canada .

Hiện chưa rõ những mảnh vỡ đó là bộ phận nào. Tàu Titan được làm bằng sợi carbon và titan và nặng 11,5 tấn, chỉ đủ chỗ cho 5 người lớn.

Chủ sở hữu tàu Titan là OceanGate đã hoàn thành công việc trục vớt xác tàu. Công ty này cho biết các thành viên cứu hộ đã làm việc suốt 10 ngày qua, vượt qua những thử thách về thể chất và tinh thần của chiến dịch này, rất nóng lòng hoàn thành nhiệm vụ và trở về.

Trong khi đó, người phát ngôn của Ủy ban An toàn Giao thông Canada cho biết họ sắp công bố thông tin về cuộc điều tra vụ tai nạn của tàu lặn Titan.

Tàu lặn của OceanGate và 5 hành khách bắt đầu thám hiểm xác tàu Titanic vào sáng 18/6. Nhưng khoảng 1 giờ 45 phút sau khi lặn, con tàu mất liên lạc với tàu mẹ trên mặt biển và không trồi lên như dự kiến. Sau đó, chiến dịch tìm kiếm và cứu nạn đa quốc gia đã diễn ra, kéo dài nhiều ngày và thu hút sự chú ý của thế giới.

Một mảnh vỡ của tàu Titan. Ảnh: AP

Ngày 22/6, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ tuyên bố con tàu đã gặp phải một vụ nổ thảm khốc và có lẽ đã giết chết tất cả những người trên tàu.

Phần hình nón ở đuôi tàu và các mảnh vỡ khác của tàu lặn đã được một phương tiện điều khiển từ xa tìm thấy ở chỗ cách mũi tàu Titanic khoảng 500 mét.

Cuối tuần qua, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ đã thành lập một Ủy ban Điều tra Hàng hải để điều tra nguyên nhân gây ra vụ nổ Titan và đưa ra các khuyến nghị khả thi về các biện pháp trừng phạt dân sự hoặc hình sự khi cần thiết.

Trong thông cáo báo chí ngày 28/6, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ cho biết những người làm việc trong ban điều tra đang thu thập bằng chứng và thẩm vấn các nhân chứng trước phiên tòa dự kiến để lấy thêm lời khai của nhân chứng.

Chủ tịch ủy ban trên, Đại úy Jason Neubauer, cho biết: “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm để hiểu các yếu tố dẫn đến vụ mất tích thảm khốc của tàu Titan và giúp đảm bảo thảm kịch tương tự không xảy ra lần nữa”.

Vụ nổ tàu lặn Titan sẽ mở ra cuộc tranh luận về vấn đề an toàn và có thể có cả những lời kêu gọi siết chặt các quy định đối với loại hình du lịch mạo hiểm này.

Con tàu Horizon Arctic chở những mảnh vỡ của tàu lặn Titan tại bến cảng St. John, Newfoundland. Ảnh: AP

OceanGate - công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ tàu lặn thám hiểm xác tàu Titanic, đã từ chối đăng ký kiểm định an toàn cho tàu lặn Titan từ các bên thứ ba như Cục Đăng kiểm Mỹ (ABS) hay công ty dịch vụ chứng nhận an toàn DNV của châu Âu. Trong số khoảng 10 tàu lặn có khả năng tiếp cận độ sâu của xác tàu Titanic ở gần 4.000 m dưới đại dương, chỉ có tàu Titan là chưa được chứng nhận. Năm 2018, một số chuyên gia đã cảnh báo Giám đốc điều hành OceanGate, ông Stockton Rush, một trong 5 người thiệt mạng trong vụ nổ tàu Titan, rằng việc không đưa tàu Titan đi kiểm định an toàn sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.

Chuẩn Đô đốc John Mauger, Tư lệnh Vùng 1 của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, nhận định vụ nổ tàu lặn Titan cho thấy sự cần thiết phải siết chặt các quy định quản lý và tiêu chuẩn an toàn đối với các tàu lặn sâu dưới đáy đại dương. Trong khi đó, đạo diễn James Cameron, người đã trở thành nhà thám hiểm biển sâu vào những năm 1990 khi đang nghiên cứu và thực hiện bộ phim bom tấn Titanic, cho rằng các tàu lặn, bất kể chở hành khách, nhà khoa học hay nhà thám hiểm, đều cần phải kiểm định và được tất cả các quốc gia nơi tàu lặn hoạt động cấp chứng nhận an toàn.

Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành cho rằng việc áp đặt các quy định bổ sung có thể không khả thi do vấn đề pháp lý liên quan đến các phương tiện lặn sâu ở các vùng biển quốc tế. Theo đó, ở các vùng biển quốc tế không có quy định mang tính toàn cầu nào về hoạt động của các tàu lặn và cũng không chịu sự quản lý của bất kỳ quốc gia nào.

Theo Báo Tin tức