An Giang là vùng đất trù phú, sông ngòi, kênh rạch chằng chịt được thiên nhiên ban tặng nguồn nguyên liệu cá nước ngọt dồi dào, phong phú và đa dạng. Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của phụ nữ đã tinh tế chế biến thành các loại khô, mắm thơm ngon, độc đáo, đậm đà hương vị đặc trưng của quê hương.
Đối với người dân miền Tây nói chung, người dân An Giang nói riêng, hương vị khô, mắm cá tuy mộc mạc, bình dị nhưng lại không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày, gắn bó sâu đậm từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khô, mắm trở thành một nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực và đời sống người dân nơi đây. Vào mùa lũ, lượng cá nhiều, ăn không hết nên nhà nào cũng làm mắm, phơi khô để dành ăn. Qua thời gian, khô, mắm cá trở thành đặc sản ưa thích của các tín đồ ẩm thực khắp nơi trong và ngoài nước.
Bánh đặc sản vùng Bảy Núi
An Giang được thiên nhiên ưu đãi có nhiều núi non ở ngay giữa đồng bằng, chính điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc thù vùng Bảy Núi góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú và hương vị đặc trưng thơm ngon, lạ miệng của các loại cây trái, nông sản nổi tiếng, như: Trái thốt nốt, trái trâm, sầu riêng, bơ, cây chúc, các loại rau rừng… Trước kia, người dân Bảy Núi chỉ sử dụng thốt nốt để lấy nước làm đường thốt nốt và bán trái tươi. Hiện nay, có nhiều sản phẩm độc đáo từ thốt nốt, như: Mứt, chè, bánh bò, rượu, đũa, chén, thạch thốt nốt…
Cũng giống như cây thốt nốt, trước đây, cây chúc rất quý vì chỉ có một ít ở phum, sóc của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Nhờ mùi thơm độc đáo của lá chúc và trái chúc, nhiều chuyên gia ẩm thực đã tìm tòi và sử dụng trái và lá chúc làm gia vị đặc biệt, chế biến thành nhiều món ăn ngon miệng, hấp dẫn, như: Cháo bò vắt nước trái chúc, gà hấp lá chúc, cháo gà lá chúc, bò nướng lá chúc, cá lóc hấp lá chúc… Hiện nay, trái và lá chúc trở thành đặc sản nổi tiếng vùng Bảy Núi.
Tương tự, những cây trâm sinh trưởng và phát triển hoàn toàn tự nhiên theo triền núi, bờ ruộng ở vùng Bảy Núi. Trái trâm chín đen bóng, no tròn, mọng nước, ăn có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát rất đặc trưng. Loại trái cây dân dã này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho đồng bào DTTS Khmer và trở thành loại trái cây đặc sản của vùng Bảy Núi.
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các đặc sản địa phương và các loại trái cây, nông sản sạch. Bà Lê Thị Kim Phụng (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Bên cạnh các sản phẩm có thương hiệu, tôi hay tìm mua các đặc sản của các địa phương về thưởng thức. Những đặc sản này có hương vị đặc trưng riêng, được nhiều người ưa chuộng nhưng mua được cũng không dễ”.
“Mùa trâm cho rộ trái kéo dài đến 2 tháng. Mỗi gốc trâm hơn 10 năm tuổi, mỗi ngày cho 5 - 8kg trái. Với 4 gốc trâm sau vườn nhà, lúc chín rộ, mỗi ngày tôi thu hoạch khoảng 20 - 30kg trái, bán cho du khách với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/kg tùy loại lớn nhỏ” - chị Néang Bo Tha (huyện Tri Tôn) chia sẻ.
Trái trâm ở vùng Bảy Núi
Ngoài các loại khô, mắm và cây trái, nông sản, người dân An Giang còn tận dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương để sáng tạo, chế biến thành những món bánh đặc sản dân dã, độc đáo, thơm ngon, hấp dẫn làm nức lòng thực khách gần xa, như: Bánh bò thốt nốt, bánh kà-tum…
“Trước đây, bánh bò thốt nốt chỉ làm nhà để ăn hoặc bán quanh chợ huyện các dịp lễ, Tết của đồng bào DTTS Khmer. Bây giờ, nhiều người biết đến bánh bò thốt nốt nên đặt mua nhiều. Khách hàng khắp các tỉnh ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh…” - chị Châu Kim Sinh (huyện Tri Tôn) chia sẻ. “Tết nào về Bảy Núi du lịch, tôi cũng đặt mua cả trăm cái bánh bò thốt nốt làm quà cho gia đình, người thân và bạn bè. Tôi và mọi người rất thích hương vị hấp dẫn, độc đáo của bánh bò thốt nốt ở Bảy Núi…” - cô Nguyễn Thị Thanh Thảo (du khách TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Xuất phát từ nhu cầu thưởng thức đặc sản quê của người thành phố, gần đây, nhiều người kinh doanh đưa các loại nông sản quê lên phố thông qua các trang mạng xã hội, như: Zalo, Facebook... Một số người nhanh ý chuyển sang việc buôn bán, cung cấp thực phẩm sạch mua tại các vùng quê cho người tiêu dùng. Mùa nào thức nấy nên thị trường mua bán online nhộn nhịp hơn.
Lên mạng xã hội, dễ dàng tìm thấy đủ loại thực phẩm quê được rao bán. Sinh ra và lớn lên tại TP. Châu Đốc, em Nguyễn Thị Lan Vi đang là sinh viên đại học ở TP. Hồ Chí Minh đã quá quen thuộc với món khô, mắm. Sau vài lần đem khô, mắm làm quà cho các bạn cùng lớp, được mọi người khuyến khích, Lan Vi quyết định kinh doanh các loại khô, mắm đặc sản quê nhà.
“Em giới thiệu, kinh doanh các mặt hàng khô, mắm quê nhà trên Facebook. Sau khi gom đơn hàng, em đặt người nhà ở quê mua hàng và vận chuyển bằng xe khách lên TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, em thuê nhân viên giao hàng cho khách. Việc kinh doanh đặc sản quê giúp em kiếm thêm thu nhập cho việc học ở xa nhà, giới thiệu các đặc sản của quê hương đến người tiêu dùng nhiều hơn” - Lan Vi chia sẻ.
QUANG VINH