Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang chất vấn Bộ Tài chính

18/03/2024 - 11:39

 - Ngày 18/3, trong khuôn khổ phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao được diễn ra, kết nối trực tuyến, với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh, thành phố.

Điểm cầu An Giang do Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trần Thị Thanh Hương chủ trì, cùng sự tham dự của các vị ĐBQH đơn vị tỉnh; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đinh Thị Việt Huỳnh; lãnh đạo một số đơn vị, sở, ban, ngành tỉnh.

Tại phiên làm việc sáng, ĐBQH chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc các nhóm vấn đề: Công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ; việc thẩm định, cấp phép hoạt động của công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật đối với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng; thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan; phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Tham gia chất vấn tại phiên họp, bà Trần Thị Thanh Hương đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải pháp nhằm tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá. Qua đó, góp phần củng cố, nâng cao niềm tin của người dân trước tình trạng sống tiêu cực, lợi ích nhóm đối với lĩnh vực giá.

Giải trình câu hỏi của đại biểu Trần Thị Thanh Hương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, Luật Giá năm 2023 đã khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Giá năm 2012, với nhiều nội dung mới nhằm ngăn chặn tình trạng kê khai giá không chính xác, phát hành thẩm định giá khống, tình trạng cấu kết của thẩm định viên với đối tác để nâng giá.

Về giải pháp đối với giá thiết yếu, Bộ trưởng nêu rõ, năm 2023, chỉ số giá CPI chỉ có 3,25%, nhưng nửa đầu quý I/2024 tăng lên đột biến. Vì vậy, việc kiểm soát cần được chặt chẽ, tránh tăng giá ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân. Bộ sẽ tham mưu chính sách tài khóa, tiền tệ để hạn chế hoặc rút bớt tiền trong lưu thông; tạo điều kiện, mở nút thắt để sản xuất - kinh doanh phát triển, tạo hàng hóa dồi dào.

 Còn với chi phí thuế, Bộ Tài chính cũng có giải pháp tiết giảm để đảm bảo quan hệ cung cầu. Hệ thống cung cấp hạn chế đầu mối trung gian, đảm bảo nguồn cung và giá cả hợp lý.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, tập trung vào các nhóm vấn đề: Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài; tình trạng vi phạm pháp luật của công dân Việt Nam ở nước ngoài và của người nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo; giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động ngoại giao…

GIA KHÁNH