Chuột chù được cho là vật chủ mang virus LayV trong tự nhiên. Ảnh: Canva
Nhờ có hệ thống cảnh báo sớm mà giới khoa học biết về loại virus này, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta có thể yên tâm. LayV chỉ là một ví dụ khác về hiện tượng lan truyền virus từ động vật sang người. Khoảng 60% đến 75% các bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ các mầm bệnh ở động vật. Nếu có một đại dịch mới, có thể đặt cược rằng đó sẽ là bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Vấn đề là tình trạng virus lây lan từ động vật sang người đang xảy ra thường xuyên hơn. Các chuyên gia gọi đó là một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với nhân loại. Khi hành tinh ấm lên và con người ngày càng lấn sâu vào môi trường sống của động vật hoang dã, các loài động vật và cả con người sẽ tiếp xúc gần gũi với các loài chưa từng tiếp xúc. Điều đó mang lại cho các mầm bệnh một cơ hội lớn để trà trộn và tiến hóa, cuối cùng là lây sang người.
Một bài báo gần đây cho biết trong một kịch bản Trái đất ấm lên, có thêm 15.000 virus sẽ lây lan trong số 3.000 loài động vật có vú vào năm 2070.
Hiện nay, một số bệnh lây truyền từ động vật đang gây xôn xao, trong đó có COVID-19 và đậu mùa khỉ. Nhưng một căn bệnh khác không bắt nguồn từ động vật có thể đưa ra những bài học về cách giảm thiểu những mối đe dọa như vậy và cũng là một lời cảnh tỉnh.
Cuộc chiến chống bệnh bại liệt là một trong những thành công lớn nhất về y tế cộng đồng của thế giới. Sau khi một sáng kiến toàn cầu nhằm loại trừ căn bệnh này bắt đầu vào năm 1988, bại liệt chỉ còn xuất hiện ở hai quốc gia Afghanistan và Pakistan. Có những hy vọng con người có thể loại bỏ căn bệnh này.
Nhưng bây giờ bại liệt lại đang đe dọa con người. Vào tháng 7, Mỹ đã báo cáo trường hợp bại liệt đầu tiên trong gần một thập kỷ. Một cô gái ở Israel bị liệt vào tháng 3. Virus bại liệt đã được tìm thấy trong nước thải ở London, khiến tất cả trẻ em dưới 10 tuổi trong thành phố phải tiêm ngừa bại liệt.
Đó là điều đáng lo ngại, đặc biệt là khi một quan chức y tế ở bang New York đã cảnh báo rằng có thể có hàng trăm ca bại liệt chưa được chẩn đoán. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin đối với việc tiêm chủng.
Một điểm tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ tại New York, Mỹ ngày 14/7. Ảnh: THX/TTXVN
Mới đây, Mỹ đã tuyên bố đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế cộng đồng. Về lý thuyết, Mỹ đã có tất cả các công cụ phù hợp, như xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine, để ngăn chặn dịch bệnh đậu mùa khỉ lây lan. Nhưng khả năng tiếp cận các công cụ này đang bị hạn chế đáng kể.
Nguồn cung cấp vaccine đậu mùa khỉ Jynneos hiện tại của Mỹ gần như không đủ để tiêm cho những người có nguy cơ cao nhất. Vì vậy, quốc gia này đã áp dụng một chiến lược mới. Họ sử dụng một liều lượng nhỏ - bằng 1/5 liều thông thường - để tiêm trong da chứ không phải dưới da. Chiến lược này sẽ chia 440.000 liều vaccine còn lại thành 2,2 triệu liều nhỏ hơn. Vấn đề là chiến lược này dựa trên một nghiên cứu duy nhất vào năm 2015. Nếu Mỹ theo đuổi thành công cách tiếp cận này, các quan chức y tế sẽ phải làm rõ những điều họ không biết về hiệu quả và giá trị của vaccine.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Reno, Nevada, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành. Có một số tin tốt là làn sóng dịch bệnh do biến thể phụ BA.5 của Omicron cuối cùng đã bắt đầu giảm xuống ở Anh và các khu vực của Mỹ.
Các làn sóng dịch bệnh giống như đám cháy rừng tự tắt khi đốt hết những gì có thể cháy. Bởi vì hầu hết mọi người giữ được khả năng miễn dịch trong vài tuần hoặc vài tháng, bệnh có thể tạm thời hết người để lây nhiễm.
Trên thực tế, tình hình phức tạp hơn chứ không chỉ đơn giản là ai miễn dịch và ai chưa miễn dịch. Bức tường miễn dịch còn liên quan đến thời tiết, hành vi và nhân khẩu học. Các nhà khoa học đang thu thập dữ liệu từ nước thải và xét nghiệm giám sát để có được bức tranh rõ nét hơn về lý do tại sao sóng dịch lên và xuống, từ đó để ngăn chặn hoàn toàn làn sóng tiếp theo.
Hiện nay, COVID-19 đã giảm bớt khi số ca mắc và tử vong thấp hơn nhiều. Các nước đều nới lỏng phòng dịch.
Trong lúc đó, các nhà nghiên cứu khắp thế giới vẫn phải theo dõi mầm bệnh tiếp theo sẽ bùng phát, cho dù đó là một biến thể mới của SARS-CoV-2, là một loại virus cũ tái bùng phát hay là một loại virus hoàn toàn mới.
Nói chung, COVID-19 mới chỉ là khởi đầu của cuộc chiến mà trong đó con người liên tục phải đối phó với các loại virus.
Theo THÙY DƯƠNG (Báo Tin Tức)