Đến ấp Sà Lôn (xã Lương Phi), chúng tôi cảm nhận được niềm vui đang dần được lan tỏa. Ở mỗi gia đình, trẻ con cười đùa cùng mẹ dọn dẹp, chỉnh trang lại nhà cửa đón ngày hội. Đây là ấp được chọn làm điểm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của huyện Tri Tôn. Bà con Nhân dân cùng nhau ôn lại kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2024) và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Đồng thời, nhìn lại kết quả nổi bật trong thực hiện “Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ở khóm, ấp.
Hòa thượng Chau Sơn Hy (Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tri Tôn, trụ trì chùa Sà Lôn) cho biết, ấp Sà Lôn có hơn 92% đồng bào dân tộc thiểu số Khmer sinh sống. Thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong phum sóc, sư sãi chùa Sà Lôn thường xuyên vận động bà con, phật tử chấp hành tốt chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; vận động Nhân dân đóng góp tiền thuê xe chở rác hàng ngày, gắn đèn năng lượng thắp sáng trong phum, sóc. Đặc biệt, vận động đóng góp trên 100 triệu đồng, khoảng 600 ngày công lao động để duy tu, sửa chữa tuyến đường kênh Sà Lôn.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc đã góp phần thắt chặt mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân
Tại ngày hội, các địa phương đã tổ chức trò chơi dân gian hấp dẫn, thu hút đông đảo người dân tham gia (Bịt mắt đập dừa, đập nồi đất, chuyền chanh, đua xe đạp chậm…). Chị Neáng Sóc Pháp (ấp Sà Lôn) cảm nhận: “Bà con chúng tôi rất vui mừng khi được địa phương tổ chức trò chơi vui nhộn. Đến đây, chúng tôi được vui chơi, giao lưu, múa hát, thắt chặt tình đoàn kết trong phum, sóc cùng nhau”.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc góp phần thắt chặt mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân. Mặt khác, khơi dậy tinh thần đoàn kết, tình yêu quê hương, đất nước; tăng cường sự đồng thuận ở cộng đồng dân cư; phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân sinh sống ở khóm, ấp trong việc chung sức thực hiện cuộc vận động, phong trào, với mục tiêu xây dựng địa phương ngày càng phát triển…
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm đánh giá cao sự gắn bó, đoàn kết này. Qua đó mong muốn, bà con chí thú làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tích cực tham gia các phong trào thi đua do địa phương phát động. Đồng thời, đề nghị bà con tiếp tục đoàn kết giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; phòng, chống dịch bệnh; cho con em học hành đến nơi đến chốn. Những bà con kinh tế khá giả giúp đỡ hộ khó khăn để cùng xây dựng địa phương càng văn minh phát triển…
Huyện Tri Tôn có gần 34% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (Khmer, Hoa). Thời gian qua, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành, đoàn thể luôn quan tâm triển khai, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ban công tác mặt trận khóm, ấp vận động Nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; đóng góp ngày công và kinh phí xây dựng công trình công cộng…
Thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp cải thiện bộ mặt nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Tệ nạn xã hội được hạn chế, hủ tục lạc hậu bị bài trừ; việc tàng trữ, sử dụng sản phẩm có nội dung xấu được loại bỏ. Cùng với đó, ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn minh ngày càng nâng cao. Các giá trị văn hóa cộng đồng, đặc biệt là trong đồng bào dân tộc thiểu số Khmer được khôi phục, bảo tồn.
Huyện Tri Tôn có 77/77 “Khóm, ấp văn hóa”; 6 xã đạt chuẩn “Văn hóa nông thôn mới”; thị trấn Tri Tôn đạt chuẩn “Văn minh đô thị”; 111/114 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Ngoài ra, 13/15 xã, thị trấn có bưu điện văn hóa; 77 tủ sách tại văn phòng khóm, ấp; 54 câu lạc bộ nghệ thuật, 109 câu lạc bộ thể dục - thể thao, 77 điểm hoạt động văn hóa - văn nghệ, 109 điểm hoạt động thể thao... |
ĐỨC TOÀN