Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam: Kỳ vọng văn học Việt sẽ khởi sắc

24/11/2020 - 19:28

Gần 600 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả cả nước về dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ kỳ vọng nhiệm kỳ mới, văn đàn Việt Nam sẽ có nhiều khởi sắc.

Gần 600 đại biểu là các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, dịch giả (trên tổng số hơn 1.000 hội viên) từ các đại hội cơ sở, các liên chi hội, chi hội nhà văn các tỉnh, thành, đã về dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra từ ngày 23 đến 25-11 tại Hà Nội.

Trong hai ngày đầu, Ban chấp hành Hội Nhà văn khoá IX nhiệm kỳ 2015-2020 tổng kết những thành tích đã đạt được và những vấn đề còn tồn tại, hạn chế. Nhiệm kỳ qua, Ban chấp hành khoá IX đã tổ chức cho hội viên học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng và chủ trương của Nhà nước về "Xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước."

Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam-Chi hội Nhà văn Hà Nội, ngày 16-10. (Ảnh: Phan Hữu Đố-Vietnam+)

Ban chấp hành khoá IX đã gắn kết các hội viên, đẩy mạnh phong trào sáng tác, tổ chức thành công các hoạt động đặc biệt như Ngày thơ Việt Nam, Liên hoan thơ quốc tế…

Nhìn lại hoạt động của văn đàn trong 5 năm qua

Tháng 8 năm 2015, Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX đã bầu ra Ban chấp hành gồm 6 thành viên: Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trí Huân và Nguyễn Bình Phương. Nhà thơ Hữu Thỉnh đắc cử chức vụ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhiệm kỳ 2015-2020. Ông đã được bầu là Tổng thư ký hội nhiệm kỳ 2000-2005 và giữ chức vụ chủ tịch từ 2005-2015. Như vậy, Hữu Thỉnh đã chèo lái "con thuyền văn chương" nước nhà suốt 20 năm.

Phát biểu tại Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam ngày 24-11, ông khẳng định suốt những năm qua, văn học đã đồng hành cùng dân tộc, có nhiều tác phẩm có giá trị cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời hiện đại, khi vị thế đất nước ngày càng được nâng cao và sự hội nhập quốc tế ngày càng trỗi lên mạnh mẽ.

“Tư duy văn học, đề tài, phương pháp sáng tác luôn được đổi mới, đem đến một diện mạo văn học phong phú, đa dạng. Dòng chủ lưu của văn học nước ta hiện nay là lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, sự hội nhập và đạo đức xã hội,” ông nhấn mạnh.

Dai hoi Hoi Nha van Viet Nam: Ky vong van hoc Viet se khoi sac hinh anh 1

Gần 600 hội viên cả nước tham dự Đại hội Hội Nhà văn ngày 24-11. (Ảnh: Minh Thu-Vietnam+)

Hội đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế đến biên giới, hải đảo, đã tổ chức 15 trại sáng tác với sự tham gia của hàng trăm cây bút nhiều độ tuổi.

Đáng chú ý là hoạt động văn học dịch trong 5 năm qua có nhiều khởi sắc, đặc biệt là có nhiều công trình dịch thuật văn học Hán-Nôm. Số lượng sách của các nhà văn Việt Nam được dịch và xuất bản ở nước ngoài cũng tăng lên rõ rệt. Nhiều tác giả nhận được giải thưởng văn học của Thụy Điển, Ý, Hàn Quốc,… Hội Nhà văn Việt Nam cũng tiếp tục duy trì hợp tác với Hội Nhà văn Á-Phi-Mỹ Latinh và tích cực duy trì vị trí sáng lập giải thưởng Văn học Mekong.

Tuy nhiên, ông Hữu Thỉnh cũng thẳng thắn nhìn nhận nhiều hạn chế do tài năng, vốn sống và tầm tư tưởng của một số nhà văn chưa tương xứng với đòi hỏi của thời đại và bạn đọc. Thêm vào đó, số lượng thành viên Ban chấp hành còn quá ít so với số lượng hội viên nên Ban chấp hành chưa nắm được hết tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn của hội viên.

Năm năm mới có một lần, đại hội là dịp để các tác giả trong nước gặp gỡ, trao đổi, tâm sự về nghề nghiệp. Bên cạnh những cái bắt tay hồ hởi, những cuốn thơ trao tặng nhau, là những trăn trở, nỗi niềm để hội thực sự phát huy vai trò của mình, đưa văn học Việt ngày càng khởi sắc.

Kỳ vọng nhiều tác phẩm chạm đến những vấn đề gai góc trong xã hội

Gần ở tuổi bát thập, nhà văn Võ Khắc Nghiêm (Giải thưởng Hồ Chí Minh 2016) trăn trở về sự thiếu vắng những sáng tác xứng tầm thời đại. Để đạt được điều đó, mỗi nhà văn phải tự nâng tầm, nhưng cũng cần có sự chung tay của Hội, của những cơ quan ban ngành liên quan. Ví dụ, để sáng tác hay về đề tài nông thôn, đề tài tham nhũng, thì cần có sự vào cuộc của các ban ngành liên quan mới có những tác phẩm chất lượng, sâu sát với đời sống.

Dai hoi Hoi Nha van Viet Nam: Ky vong van hoc Viet se khoi sac hinh anh 2

Nhà văn Vũ Khắc Nghiêm chia sẻ với phóng viên bên lề Đại hội. (Ảnh: Minh Thu-Vietnam+)

“Tôi rất quan tâm tới đổi mới nông nghiệp Việt Nam, bởi chúng ta không vô cớ mà xuất khẩu gạo tới 6 triệu tấn, trong khi nhiều nơi trên thế giới đang thiếu lương thực, tôi cho đó là niềm tự hào,” ông chia sẻ. 

“Nông dân Việt Nam phải đương đầu với khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long, người nông dân phải làm đủ cách để tồn tại, thế nhưng các nhà văn chưa làm được việc khắc hoạ người nông dân Việt Nam trong thời kỳ 4.0, do vậy cần phải có nhiều hơn những tác phẩm về công cuộc đổi mới.”

Chúng ta đã chống tham nhũng rất thành công nhưng những tiêu cực trong xã hội còn rất nhiều nhưng nhiều nhà văn, kể cả tôi cũng chưa có nhiều tác phẩm ở lĩnh vực này. Tôi nghĩ đã đến lúc các nhà văn nên dũng cảm sáng tác, đứng về phía lợi ích của nhân dân," ông nói thêm.

Chia sẻ với VietnamPlus, nhà văn Bình Nguyên Trang cho rằng sáng tác là công việc độc lập của nhà văn, có tác phẩm lớn hay chạm tới được những vấn đề nóng của xã hội hay không là nỗ lực của bản thân nhà văn, nhưng để tác phẩm thực sự lan tỏa thông điệp và phát huy tầm ảnh hưởng thì Hội Nhà văn cần hỗ trợ các tác giả nhiều hơn.

Dai hoi Hoi Nha van Viet Nam: Ky vong van hoc Viet se khoi sac hinh anh 3

Nhà văn Bình Nguyên Trang (Nguồn: CTV)

“Hiện nay, trung bình các tác phẩm văn học có số lượng in 1.000-3.000 bản, so với dân số nước ta là 95 triệu dân thì như vậy là quá ít. Do đó, ảnh hưởng và sức lan tỏa của tác phẩm văn học đối với độc giả chưa sâu rộng. Nếu hội có kênh nào đó để giúp nhà văn truyền thông một cách chuyên nghiệp hơn cho tác phẩm của mình thì công chúng sẽ được tiếp cận văn chương nhiều hơn,” nhà văn Bình Nguyên Trang cho hay.

Trong ngày 24-11, Đại hội đã tiến hành bầu Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 dựa trên 11 đề cử của Ban chấp hành nhiệm kỳ 2015-2020 và 4 đề cử thêm tại đại hội. 

Theo công bố của Ban tổ chức, Đại hội đã thu về 535 phiếu trên tổng số phiếu phát ra là 580, trong đó có 533 phiếu hợp lệ và 2 phiếu không hợp lệ.

Kết quả kiểm phiếu cuối ngày, 11-15 đề cử đã được bầu chọn cho Ban chấp hành mới (thứ tự theo tỷ lệ bầu chọn) gồm: Nhà văn Nguyễn Bình Phương: 88%; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: 85%; Nhà thơ Trần Đăng Khoa: 79%; Nhà văn Nguyễn Thu Huệ: 73%; Nhà thơ Lương Ngọc An 71%; Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: 65%; Nhà văn Vũ Hồng: 65%, Nhà thơ Trần Hữu Việt, 63%; Nhà thơ Trần Hùng: 62%, Nhà thơ Phan Hoàng: 54% và nhà văn Bích Ngân: 54%.

Trong tối 24-11, BCH Khóa X gồm 11 thành viên sẽ tiến hành bầu chọn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ban kiểm soát... 

Theo MINH THU (Vietnam+)

 

Liên kết hữu ích