Ảnh minh họa: Sputnik
Đường kính của tiểu hành tinh 2022 SE37 mà hai đài quan sát theo dõi được hôm 1/10 là 0,5 km. Tiểu hành tinh này quay quanh Mặt trời theo chu kỳ 3,44 năm.
Viện Toán học Ứng dụng Keldysh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho biết trong tương lai gần, tiểu hành tinh mới trên không gây nguy hiểm cho Trái đất. Viện này cũng công bố kèm theo hình ảnh của 2022 SE37, do kính thiên văn ở làng Kochevanchik và kính thiên văn của Đại học bang Kuban chụp.
Phát hiện trên được công bố sau khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Mỹ (NASA) vừa tiến hành sứ mệnh thử nghiệm đâm tàu vũ trụ vào một tiểu hành tinh, để thay đổi đường bay của nó.
Những hình ảnh do kính viễn vọng không gian Hubble và James Webb ghi lại cho thấy cảnh tượng ngọn lửa đã lóe lên sau khi tàu vũ trụ DART va chạm với tiểu hành tinh Dimorphos ở tốc độ cao hôm 26/9.
Sứ mệnh DART nhằm kiểm tra tính khả thi của kế hoạch làm chệch hướng một tiểu hành tinh hoặc sao chổi lớn đang trong hành trình va chạm với Trái đất.
Trong khi hầu hết các vật thể vũ trụ có quỹ đạo di chuyển không quá gần Trái đất, một số ít lại có khả năng gây nguy hiểm cho hành tinh của chúng ta. Chúng có kích thước lớn hơn 140 m và có quỹ đạo bay trong phạm vi 7,5 triệu km giữa Trái đất và Mặt trời. Các tiểu hành tinh và sao chổi có quỹ đạo bay trong phạm vi 48,3 triệu km so với Trái đất được gọi là các vật thể gần Trái đất (NEO). Theo đó, NASA và các tổ chức không gian khác trên toàn thế giới đang nghiên cứu các mối đe dọa mà NEO có thể gây ra.
Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)