Học sinh trường Trần Nguyên Hãn, huyện Long Điền được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 trước khi quay trở lại trường học trực tiếp. Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN
Bà Rịa-Vũng Tàu: Ngày 14/2, tất cả học sinh trở lại trường học trực tiếp
Ngày 9/2, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chủ trì cuộc họp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh về công tác chuẩn bị cho học sinh quay trở lại học sau Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, ngay sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, học sinh các lớp 9 và 12 trên địa bàn tỉnh đã quay trở lại học. Theo kế hoạch, đến ngày 14/2, tất cả học sinh các cấp từ Mầm non đến Cao đẳng, Đại học sẽ học trực tiếp nên công tác chuẩn bị đón học sinh quay trở lại trường đang được gấp rút hoàn thành.
Để đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở giáo dục đã tổ chức vệ sinh khử khuẩn trước khi hoạt động trở lại. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế, UBND các huyện, thị, thành phố tổ chức việc xét nghiệm nhanh cho tất cả giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh khi quay trở lại học trực tiếp, thực hiện trước ngày 14/2.
Sở Giáo dục và Đào tạo có dự thảo kế hoạch cho các cơ sở giáo dục Mầm non và Tiểu học hoạt động trở lại. Theo đó, các cơ sở mầm non đón trẻ học trực tiếp từ ngày 14/2 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh; cho trẻ ăn bán trú vào buổi trưa, không tổ chức cho trẻ ăn sáng tại trường. Học sinh cấp Tiểu học, từ ngày 14 - 25/2, học 1 buổi/ngày. Các trường tiểu học sau đó sẽ xem xét dạy 2 buổi và bắt đầu tổ chức bán trú.
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, ông Trần Văn Tuấn đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, các địa phương khẩn trương triển khai nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức dạy học trực tiếp an toàn, bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19; rà soát lại số lượng học sinh, cơ sở vật chất trường, lớp để có kế hoạch triển khai hiệu quả, hợp lý công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng đón học sinh quay lại trường học.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cần được triển khai đồng bộ, giúp phụ huynh yên tâm hơn khi đưa con quay trở lại trường học trực tiếp. Công tác phối hợp giữa nhà trường, địa phương và y tế cần thực hiện tốt để xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong thời gian học sinh quay trở lại trường học... Các cơ sở giáo dục, ở mỗi cấp học, cần tổ chức một phòng học trực tuyến để dành cho các trường hợp F0, F1 hoặc các học sinh chưa thể đến trường học trực tiếp tham gia học.
Ông Trần Văn Tuấn cũng đồng ý với kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo và ý kiến của các địa phương là cho học sinh mầm non học bán trú cả ngày; học sinh tiểu học chỉ học 1 buổi, không ăn bán trú, đến khi nào tình hình học ổn định mới tính toán đến phương án học 2 buổi, ăn bán trú. Các trường nội trú trên địa bàn tỉnh cho học sinh về với gia đình 2 tuần/1 lần.
Dịch COVID-19 bùng phát tại Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 28/6/2021 nên ngay từ đầu học kỳ 1 của năm học 2021-2022 đến nay, học sinh các cấp từ Mầm non đến Đại học phải học trực tuyến, từ lớp 9 đến lớp 12 đã quay trở lại lớp học trước Tết Nguyên đán.
Tính đến ngày 9/2, Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ còn xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc thuộc “vùng vàng”; có 81/82 xã, phường và huyện Côn Đảo đã trở thành “vùng xanh”.
Quảng Ninh: Từ ngày 14/2, học sinh các cấp, trẻ mầm non trở lại trường học
Sáng 9/2, bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh thông tin, học sinh các cấp và trẻ mầm non trong toàn tỉnh sẽ trở lại trường học từ ngày 14/2. Các đơn vị, trường học đang dọn dẹp, vệ sinh, đảm bảo cơ sở hạ tầng để đón các em trở lại trường.
Theo bà Nguyễn Thị Thúy từ ngày mùng 7 Tết Nguyên đán, các cán bộ, giáo viên của các cơ sở giáo dục đã đi làm trở lại, đồng thời tiến hành vệ sinh, lau dọn bàn ghế, lớp học, cơ sở vật chất để đón học sinh trở lại trường. Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai tổ chức dạy học trực tiếp, có kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên địa bàn; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, có phương án dạy học trực tuyến một cách hiệu quả cho những học sinh, học viên là F0, F1..
Đến nay, phần lớn các trường học đã huy động các thầy, cô giáo đến trường để tổng vệ sinh, dọn dẹp lớp học, chuẩn bị đón học sinh tới trường sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán. Đồng thời, các trường cũng chuẩn bị chu đáo các phương án phòng, chống dịch COVID-19, các vật dụng như khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt...
Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Hồng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hòn Gai (Hạ Long) cho biết, nhà trường hiện có trên 1.900 học sinh. Trước khi nghỉ Tết toàn trường đã tiến hành dọn vệ sinh sạch sẽ, khóa cửa các phòng, lớp học, do vậy khi học sinh trở lại trường chỉ tiến hành trực nhật là học tập bình thường. Hiện nhà trường đang tiến hành thông báo đến các phụ huynh, học sinh khai báo lịch trình di chuyển trong thời gian nghỉ Tết; học sinh sẽ test nhanh COVID-19 trước khi đến trường 1 ngày để báo cáo cho giáo viên chủ nhiệm nắm bắt. Nếu phát hiện có F0, người tiếp xúc gần với F0 sẽ thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.
Tại thành phố Cẩm Phả, trên tinh thần sớm đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp, địa phương đang tích cực rà soát số học sinh trên địa bàn dương tính với SASR-CoV-2 hay tiếp xúc với F0 để có phương án học trực tuyến đối với nhóm này, không để các em bị nhỡ nhịp, chậm chương trình học.
Ông Đinh Mạnh Chiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cẩm Phả thông tin, qua nắm bắt tình hình, cơ bản các phụ huynh, học sinh mong muốn được sớm trở lại trường học trực tiếp, đồng thời cũng mong muốn các cơ quan quản lý, nhà trường có phương án phòng, chống dịch phù hợp, an toàn để yên tâm khi các con tới trường.
Chị Hoàng Hải Yến, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Hồng Hải (Hạ Long) cho biết, việc học tập trực tiếp giúp các con có tinh thần học tập hăng say, hiệu quả hơn, được gặp gỡ bạn bè, thầy cô, trao đổi bài vở cũng thuận tiện. Do đó, chị rất mong các con sớm được trở lại trường, đồng thời hy vọng các con dưới 12 tuổi cũng sớm được tiêm để phụ huynh, học sinh yên tâm trước tình hình dịch bệnh hiện nay. Theo chị Yến, đối với trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 có nhiều nguy cơ nhiễm hơn khi tiếp xúc.
Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh, trong tuần học đầu tiên sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ sở giáo dục sẽ tăng tỷ lệ tầm soát COVID-19, khuyến khích cha mẹ học sinh thực hiện test nhanh cho con em mình tối thiểu 2 lần/tuần để phòng bệnh từ xa, từ sớm; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát, lây lan trong trường học./.
Quảng Trị: Tập trung triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn
Để chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức dạy học trực tuyến trở lại sau Tết, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị đang tập trung triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn theo đúng quy định phòng, chống dịch C0VID-19.
Thành phố Đông Hà là địa phương có thời gian dài cho học sinh học trực tuyến từ đầu năm học 2021-2022 đến nay do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hiện nay, các trường học trên địa bàn thành phố đang tổ chức cơ sở vật chất, phun khử khuẩn các lớp học, mua sắm trang thiết bị phòng dịch... Dự kiến, các trường mầm non và tiểu học sẽ tổ chức dạy học trực tiếp vào ngày 14/2, trường trung học cơ sở sẽ dạy học trực tiếp ngày 10/2.
Để học sinh đến trường được thuận lợi, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà đã có công văn yêu cầu các trường làm tốt công tác truyền thông tạo sự đồng thuận với phụ huynh; có phương án dạy học phù hợp với từng địa bàn, từng đối tượng cụ thể và xử lý khi có học sinh mắc COVID-19. Bên cạnh đó, các trường mầm non và tiểu học hoàn thành xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng test nhanh kháng nguyên cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trước ngày 14/2, trường trung học cơ sở hoàn thành trước ngày 10/2.
Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hàm Nghi, thành phố Đông Hà, cho biết: Trường hiện nằm ở vùng cam, thuộc cấp độ dịch cao, nên thực hiện phương án không dạy bán trú, chỉ dạy 1 buổi/lớp/ngày, với 5 tiết học đầy đủ các môn. Bên cạnh đó, trường không thực hiện kết hợp dạy trực tuyến mà chỉ dạy học trực tiếp. Để chuẩn bị đón học sinh đi học trực tiếp, trường đã có kế hoạch xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên; tổ chức tổng dọn vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp. Trường cũng đã có phương án dạy học phù hợp với tình hình thực tế; kế hoạch xử lý khi lớp có học sinh là F0; phân luồng đưa, đón học sinh ở các cổng và khung giờ khác nhau, hạn chế tập trung nơi đông người; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng khối và từng giáo viên trong việc vừa dạy kiến thức mới, vừa củng cố kiến thức học online, kèm cặp học sinh yếu... Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, trong quá trình dạy học trực tiếp, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên luôn đeo khẩu trang, thực hiện sát khuẩn, đo thân nhiệt thường xuyên và giữ khoảng cách an toàn.
Tại Trường Mầm non Sao Mai, thành phố Đông Hà, công tác chuẩn bị đón học sinh trở lại trường cũng tất bật, nhộn nhịp không kém. Trong những ngày đầu Xuân, niềm vui đầy ắp trong nụ cười của các cô giáo nơi đây. Những đồ dùng học tập, đồ chơi, bàn ghế, lớp học, khu vui chơi được lau dọn cẩn thận chờ đón học sinh trở lại trường.
Cô giáo Phạm Thị Lan Chi, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sao Mai cho biết: Nhận được công văn của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà, trường đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên triển khai kế hoạch dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường, lớp học. Đồng thời, trong ngày 9/2, toàn bộ cán bộ, nhân viên, giáo viên của trường xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Đông Hà trước khi tổ chức dạy học trở lại. Với tinh thần “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, mọi công tác chuẩn bị sẽ hoàn tất trước ngày 14/2 để đón các cháu.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị, trên địa bàn đang có 147.260 học sinh học trực tiếp, khoảng 27.000 học sinh các cấp Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở sẽ trở lại học trực tiếp từ ngày 14/2.
Thầy Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết: Để việc dạy và học đạt hiệu quả, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh, Sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thực hiện cụ thể công tác phòng dịch; tập trung dạy kiến thức trọng tâm, cốt lõi; các tình huống xử lý khi có F xảy ra... Ngoài ra, Sở chỉ đạo các trường căn cứ tình hình thực tế của địa phương theo 4 cấp độ: Xanh, vàng, da cam, đỏ, cũng như tình hình tiêm vaccine của giáo viên, học sinh, quy mô nhà trường để các trường tự chủ động lên kế hoạch dạy học phù hợp...
Theo TTXVN