Đảm bảo an toàn thực phẩm bếp ăn bán trú

15/12/2022 - 07:14

 - Thời gian gần đây, thông tin học sinh một số trường học trong cả nước bị ngộ độc thức ăn đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Do vậy, vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho các bé mầm non, tiểu học được phụ huynh quan tâm hơn lúc nào hết. Ngành giáo dục, ban giám hiệu các trường nỗ lực hơn, nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng bữa ăn học sinh.

Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng Nguyễn Thị Bảo Ngọc (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) cho biết: “Từ lúc trường dời về trụ sở mới và tổ chức cho trẻ học bán trú năm 2019, trường luôn quan tâm đến việc tổ chức bữa ăn cho trẻ. Đầu năm học, trường khảo sát, đánh giá và ký hợp đồng với đơn vị cung ứng thực phẩm đảm bảo chất lượng và uy tín, có chứng từ rõ ràng. Trường đảm bảo nhân sự đầy đủ gồm 2 nhân viên sơ chế, 1 bếp chính, 2 nhân viên vệ sinh. Tất cả đều được tập huấn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu tiếp nhận, sơ chế, bảo quản trong ngày, chế biến đến thành món, lưu trữ mẫu thực phẩm trong 24 giờ. Bên cạnh đó, ban giám hiệu cử người đồng hành sát sao, thường xuyên kiểm tra hực phẩm trước khi cho các bé ăn”.

Trường Mầm non Hoa Phượng có 11 lớp học, trong đó 2 lớp nhóm trẻ dưới 3 tuổi, 9 lớp mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi. Do vậy, trong khâu lên thực đơn và chế biến món ăn, nhà trường luôn lựa chọn thực phẩm tươi sống, an toàn và cách chế biến phù hợp với lứa tuổi. Các em nhỏ được tổ chức 4 buổi ăn/ngày (ăn sáng, ăn trưa, ăn dặm và ăn xế). Nhà trường luôn thay đổi thực đơn mỗi tuần để các em tăng hứng thú khi ăn và đảm bảo đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng (đạm, vitamin, bột đường, chất béo) cho cơ thể phát triển. Các nhóm trẻ sẽ được ăn cháo, cơm mềm, các em lớn được ăn đa dạng nhiều món (cơm, mì, bún, phở, bánh mì sandwich…).

Bữa ăn của các bé tại Trường Mầm non Hoa Phượng

Trong cách chế biến, ngoài việc đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh, các nhân viên còn hạn chế nêm nếm quá nhiều gia vị, giữ được được hương vị tự nhiên và nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm cho các trẻ. “Cơ thể trẻ em chưa phát triển ổn định, hệ miễn dịch còn non yếu. Do vậy, nhà trường luôn cố gắng đảm bảo an toàn cho các bé, để các em có được nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho cơ thể phát triển. Với trẻ suy dinh dưỡng do biếng ăn, ban giám hiệu sẽ cử giáo viên kèm hỗ trợ các bé ăn đủ lượng. Còn với bé thừa cân so với lứa tuổi, giáo viên sẽ điều chỉnh, khuyến khích ăn rau nhiều hơn thịt cá. Đặc biệt, trong tình hình nhiều loại dịch bệnh xuất hiện ở trẻ em hiện nay, nhà trường còn tăng cường nước ép trái cây, rau củ theo mùa để các em tăng cường sức đề kháng, hạn chế mắc bệnh” - cô Bảo Ngọc chia sẻ.

Tương tự, các trường mầm non, tiểu học khác trên địa bàn TP. Long Xuyên cũng luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn bán trú. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên Dương Kiếm Anh cho biết: “Toàn thành phố có 29 trường mầm non, nhà trẻ, mẫu giáo (26 trường mầm non tổ chức bán trú, tỷ lệ 89,6%); tiểu học có 26 trường công lập (trong đó 3 trường tổ chức bán trú, tỷ lệ 11,5%). Hiện nay, việc tổ chức cho trẻ học bán trú tại trường là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cần thiết và hữu ích trong trường mầm non, tiểu học; góp phần vào việc huy động, duy trì sĩ số học sinh ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, đáp ứng nhu cầu cần thiết của phụ huynh trong điều kiện kinh tế phát triển. Đội ngũ giáo viên, nhân viên, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ năng lực chuyên môn, yêu nghề, có khả năng quản lý lớp, cơ sở vật chất trường, lớp được đầu tư xây dựng dần đáp ứng tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục học sinh tại trường bán trú trong thành phố”.

Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Long Xuyên tiếp tục tham mưu, tập trung ưu tiên nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng đạt chuẩn quốc gia, trong đó đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị đảm bảo bán trú. Xây dựng kế hoạch tổ chức bán trú giai đoạn 5 năm cho trường mầm non, mẫu giáo thực hiện. Cùng với đó, các trường cần đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh thấy được lợi ích và tạo điều kiện cho con học bán trú (ăn, ngủ trưa) tại trường. Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường gương mẫu, có kinh nghiệm, có khả năng giao tiếp với phụ huynh và đảm bảo đầy đủ giáo viên để tổ chức bán trú. Phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác bán trú, hỗ trợ nhân lực nấu ăn cho trường, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên về đạo đức nghề nghiệp, thái độ, hành vi ứng xử, nghiệp vụ chăm sóc, nuôi dưỡng và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ.

Đặc biệt, phối hợp với Phòng Y tế thành phố bồi dưỡng tập huấn, tư vấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nấu ăn được hợp đồng về cách chọn thực phẩm, cách sơ chế, chế biến thực phẩm, lưu mẫu thức ăn, cách quản lý giữ gìn thực phẩm, vệ sinh dụng cụ nhà bếp... Hướng dẫn xây dựng thực đơn đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày hợp lý, phù hợp với định mức, điều kiện kinh tế tại trường mầm non, tiểu học, thực hiện nghiêm túc việc công khai chế độ ăn của trẻ dưới nhiều hình thức (niêm yết tại khu vực bếp, thông báo qua các cuộc họp phụ huynh…).

NGỌC GIANG