Thay vì chỉ đàm phán về đoàn biểu diễn nghệ thuật tham gia Olympic mùa Đông PyeongChang sẽ diễn ra tại Hàn Quốc vào tháng tới, Triều Tiên đã chủ động đề nghị tổ chức đàm phán cấp chuyên viên với phía Hàn Quốc cả về việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội.
Quan chức Hàn-Triều trong cuộc đàm phán ngày 15-1. Ảnh: Yonhap.
Chi tiết của cuộc đàm phán mang tính ngoại giao được giới chuyên gia đánh giá là khá phức tạp này vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, trong một tuyên bố mới nhất, Bộ Thống nhất Hàn Quốc nêu rõ phía Triều Tiên đã đề nghị hai bên tiếp tục gặp nhau để thảo luận chi tiết các vấn đề vào ngày 17-1 tới tại một địa điểm ở phía Nam làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở biên giới hai miền.
Phía Triều Tiên sẽ cử phái đoàn gồm 3 người do ông Jon Jong-su, Phó Chủ tịch cơ quan phụ trách các vấn đề liên Triều dẫn đầu, tham dự cuộc đàm phán này.
Số lượng người tham gia, tuyến đường sang Hàn Quốc và lịch trình hoạt động... đều là những vấn đề nan giải trong vòng đàm phán sắp tới giữa hai bên do có liên quan chặt chẽ đến những biện pháp trừng phạt của quốc tế đối với Triều Tiên sau các vụ thử tên lửa của nước này.
Chính phủ Hàn Quốc đang xem xét cách thức để vận chuyển và cung cấp chỗ ăn ở cho phái đoàn Triều Tiên để làm sao không vi phạm các biện pháp đa tầng mà Triều Tiên đang phải hứng chịu. Theo các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, Hàn Quốc không thể hỗ trợ ăn ở cho phái đoàn Triều Tiên trực tiếp bằng tiền mặt.
Cách thức đi lại cũng là một trong những vấn đề nan giải. Việc đi lại bằng đường biển sẽ vi phạm lệnh trừng phạt đơn phương mà Hàn Quốc đang áp đặt với Triều Tiên, theo đó cấm Triều Tiên vào Hàn Quốc bằng tàu thuyền.
Do đó, nhiều khả năng, phái đoàn Triều Tiên sẽ tới Hàn Quốc bằng đường bộ. Danh sách phái đoàn cấp cao Triều Tiên tham dự Thế vận hội có trong danh sách đen trừng phạt cũng là một vấn đề cần được xem xét.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, trong bối cảnh Triều Tiên đang phải chịu nhiều biện pháp trừng phạt quốc tế, việc Triều Tiên tham dự Thế vận hội có thể là một cách tốt để cải thiện hình ảnh của nước này sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Bên cạnh đó, đây cũng được xem là những tín hiệu đáng mừng đối với đàm phán liên Triều. Ngày 12-1 vừa qua, phía Hàn Quốc đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về việc Triều Tiên tham gia Olympic mùa Đông, song phía Triều Tiên chỉ đề xuất đàm phán về đoàn biểu diễn nghệ thuật.
Theo kế hoạch, tuần tới, cả Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp Ủy ban Olympics quốc tế tại Thụy Sỹ để thảo luận chi tiết về sự tham gia của Triều Tiên. Triều Tiên từng từ chối tham dự Thế vận hội mùa Hè 1988 tại thủ đô Seoul. Do đó, Olympic mùa Đông PyeongChang sẽ là kỳ Olympic đầu tiên tại Hàn Quốc có sự góp mặt của Triều Tiên.
Những tín hiệu tích cực từ đàm phán liên Triều luôn là điều mà cộng đồng thế giới kỳ vọng. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo chiều 15/1 đã nói rằng, Nga sẵn sàng ủng hộ các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Triều Tiên và Hàn Quốc liên quan những vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ đối thoại song phương giữa Hàn Quốc và Triều Tiên trong khuôn khổ đàm phán sau bên về Triều Tiên. Chúng tôi sẽ tích cực hỗ trợ trực tiếp các cuộc tiếp xúc giữa các bên liên quan”, ông Lavrov nói.
Về phía Trung Quốc, trong một tuyên bố mới đây, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu nói rằng căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á nên được giảm thiểu dựa trên nền tảng các sáng kiến hòa bình các bên cùng thúc đẩy.
Sau thiện chí đối thoại mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đưa ra trong thông điệp Năm mới 2018, ngày 9/1 vừa qua, hai miền Triều Tiên đã tiến hành cuộc đàm phán cấp cao lần đầu tiên sau 2 năm.
Kết thúc đàm phán, phía Triều Tiên nhất trí sẽ cử đoàn Ủy ban Olympic quốc gia, các vận động viên, đội cổ vũ, đội biểu diễn nghệ thuật, cổ động viên, một đội trình diễn Taekwondo và phóng viên tham dự Olympic mùa Đông PyeongChang tại Hàn Quốc.
Phía Hàn Quốc sẽ cung cấp những cơ sở và tiện nghi cần thiết cho đoàn Triều Tiên. Nếu việc này diễn ra đúng kế hoạch, Olympic mùa Đông PyeongChang từ ngày 9 đến 25-2 tới sẽ là kỳ Olympic đầu tiên tại Hàn Quốc có sự góp mặt của Triều Tiên.
Theo HỒNG NHUNG (VOV)