
Các loại mìn chưa nổ và thiết bị nổ khác được đội rà phá bom mìn Ukraine tìm thấy ở một cánh đồng không xa thị trấn Brovary, phía Đông Bắc Kiev vào tháng 4/2022. Ảnh: AFP/Getty Images
Báo The Kyiv Independent của Ukraine ngày 2/7 cho biết HALO Trust – tổ chức phi chính phủ rà phá bom mìn lớn nhất thế giới – đã hoạt động tại nước này từ năm 2015 và mở rộng quy mô đáng kể sau khi Liên bang Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Tính từ thời điểm cuộc xung đột Nga – Ukraine bắt đầu bùng nổ (24/2/2022), HALO Trust đã rà phá gần 7,9 triệu mét vuông đất và phát hiện hơn 41.000 vật liệu nổ chưa phát nổ. Tổ chức này đã phát triển từ một nhóm nhỏ 400 người ở thành phố tiền tuyến Kramatorsk (tỉnh Donetsk) thành lực lượng 1.500 người hoạt động tại tám khu vực trên khắp Ukraine.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine có thể đã biến Ukraine thành bãi mìn lớn nhất thế giới. Tính đến tháng 3/2025, diện tích đất bị ảnh hưởng bởi mìn ở Ukraine ước tính lên tới 139.000 km² - tương đương 23% lãnh thổ đất nước - bao phủ diện tích lớn hơn toàn bộ Hy Lạp, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với dân thường và các nỗ lực tái thiết.
Theo ông James Cowan, Giám đốc điều hành của HALO Trust, đây là thách thức bom mìn lớn nhất kể từ Thế chiến II. Nếu không được xử lý nhanh chóng, công việc này có thể kéo dài hàng trăm năm. Ví dụ gần nhất là bãi mìn giữa Triều Tiên và Hàn Quốc – dài 178 km. Trong khi đó, tuyến tiền phương ở Ukraine dài tới 1.000 km, và đó chưa phải là toàn bộ khu vực ô nhiễm. Có bom mìn nằm sâu bên trong lãnh thổ Ukraine tự do, cũng như bên trong các khu vực do Liên bang Nga kiểm soát.
Ông Cowan cho rằng Ukraine không nên trở thành một “Afghanistan thứ hai”, nơi mà HALO Trust đã hoạt động từ năm 1988 đến nay, nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Ukraine cần hành động, vì đất nước đang bị bao phủ bởi bom mìn. Nếu không hành động, Ukraine không thể mở đường giao thông, xuất khẩu ngũ cốc, hoặc đưa người dân trở về.
Trong bối cảnh Ukraine và Liên bang Nga đang thúc đẩy đàm phán ngừng bắn, theo ông Cowan, việc đạt được một lệnh ngừng bắn sẽ tạo ra bước ngoặt. Bởi đó là lúc mà mọi nỗ lực chuyển từ chiến tranh sang thế phòng thủ. Quân đội Ukraine vẫn sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền quốc gia, nhưng nỗ lực dân sự sẽ chuyển sang tái thiết thay vì chiến đấu.
Lúc đó, ưu tiên của Ukraine là khởi động lại nền kinh tế, đưa những vùng đất bị bỏ hoang 3 - 4 năm qua quay lại canh tác, và cho phép cộng đồng trở về quê hương. Không chỉ là nông nghiệp quy mô lớn, mà còn là nông nghiệp quy mô nhỏ tại địa phương. Nhiều người dân không thể trồng rau, nuôi dê, cừu, hoặc sử dụng bò và lừa. Họ cần được tiếp cận đất đai của mình. Cũng cần mở lại đường sá, trường học, cửa hàng, nhà máy. Nhưng để làm được những điều đó, giúp nền kinh tế có thể vận hành trở lại thì hoạt động rà phá mìn phải đi trước. Có nhiều sự chú ý đến các thỏa thuận khai khoáng, nhưng cũng không thể khai thác khoáng sản nếu không rà phá bom mìn trước.
Để tạo ra cuộc cách mạng trong rà phá bom mìn ở Ukraine, ông Cowan cho rằng việc kết hợp trí tuệ nhân tạo với hình ảnh là một bước đột phá then chốt. Về mặt phát hiện, có nhiều công nghệ rất triển vọng, như radar khẩu độ tổng hợp (synthetic aperture radar), radar xuyên đất (ground-penetrating radar), và cộng hưởng từ (magnetic resonance), đặc biệt là các phương pháp cộng hưởng từ được phát triển tại Australia để phát hiện các nguyên tố đất hiếm như vàng, và cũng có thể áp dụng cho việc phát hiện bom mìn.
Ngoài ra còn có các công nghệ tiên tiến của ngành hạt nhân, như hình ảnh hạt neutron kết hợp (neutron-associated particle imaging – NAPI), có thể thay đổi cục diện. Tuy nhiên, vấn đề là các công nghệ này rất giỏi trong việc phát hiện mìn, nhưng cũng dễ phát hiện nhầm, nghĩa là đưa ra cảnh báo giả, làm chậm tiến trình. Vì vậy, công nghệ cần được cải thiện để chỉ phát hiện mìn thật, không phát hiện nhầm.
Theo TTXVN