Đánh nhau vì giành hốt hụi

21/04/2021 - 03:34

 - Chơi hụi (hội) được xem như là một hình thức góp vốn với nhiều cách thức để người làm chủ đầu hụi và chơi hụi hưởng hoa hồng, lời lỗ. Tuy nhiên, không phải bất kỳ người nào tham gia chơi hụi cũng được êm xuôi, nếu không rõ ràng, minh bạch sẽ phát sinh mâu thuẫn dẫn đến đánh nhau, gây thương tích. Điển hình như vụ việc xảy ra tại thị trấn Cái Dầu (Châu Phú, An Giang) giữa Đ.T.C.N (sinh năm 1983, chủ hụi) và L.T.K.C (sinh năm 1983, hụi viên) cũng vì giành hốt hụi.

Từ kết quả điều tra, nội dung bản án sơ thẩm cùng các lời khai diễn biến tại phiên tòa, K.C cùng một số người khác tham gia chơi hụi tháng 3 triệu đồng do N. làm chủ. Đến thời điểm tháng 10-2019, dây hụi còn 5 phần của 3 hụi viên là K.C (1 phần), H.T.T.H (sinh năm 1984, ngụ xã Bình Long) 2 phần và N.T.M.H (sinh năm 1983, ngụ thị trấn Cái Dầu) 2 phần là "hụi sống".

Ngày 18-10-2019, K.C và M.H nhờ H.V.T (sinh năm 1952) viết phao hụi 10.000 đồng và 1.000 đồng (trong đó, 10.000 đồng là của K.C, 1.000 đồng là của M.H) đem đến cho N. để bỏ hụi. Riêng H., điện thoại cho N. bỏ 30.000 đồng nhưng khi T. đem phao hụi đến đưa thì N. không cho biết ai là người bỏ hụi cao nhất.

Chiều cùng ngày, K.C. điện thoại báo cho N. biết mình là người hốt hụi (vì K.C cho rằng, không có phao hụi của H., nên H. không bỏ hụi) và yêu cầu N. giao tiền. Tuy nhiên, N. cho biết, H. dù không ghi phao hụi nhưng đã điện thoại trước báo là bỏ 30.000 đồng và là số tiền cao nhất để được hốt hụi. Không đồng ý, K.C và N. cự cãi nhau.

Bản án sơ thẩm được giữ nguyên

Sau khi cự cãi qua điện thoại, K.C cùng L.T.Nh (sinh năm 1994, người làm thuê của K.C) cùng nhau đi đến tiệm Spa “T.N” của N. tại ấp Bình Hòa (thị trấn Cái Dầu) để tiếp tục nói chuyện. Tại đây, 2 bên tiếp tục cự cãi, dẫn đến xô xát, K.C nắm cổ áo N. và cầm mũ bảo hiểm đưa lên định đánh thì N. chụp tay K.C đẩy ra. Lập tức, K.C cào vào người N. thì bị N. lùi lại lấy cây kéo cắt mi đâm nhiều nhát vào người K.C, gây thương tích.

Thấy 2 bên đánh nhau, Nh. chạy vào can ngăn thì bị N. cầm kéo cắt mi đâm trả gây thương tích ở cẳng tay phải. Sau đó, Đ.T.C.H (sinh năm 1988, em ruột N.) chạy vào can ngăn thì tiếp tục dẫn đến xô xát với K.C và bị thương tích. Không dừng lại, K.C tiếp tục dùng mũ bảo hiểm ném trúng tay chị em N. và giật lấy ca nhựa của H. ném trúng vào tủ mỹ phẩm làm nứt kính. Quá trình xảy ra xô xát giữa 2 bên làm hư hỏng một số tài sản của N., như: máy mát-xa xông hơi, máy mát-xa cầm tay…

Sau khi vụ việc xảy ra, tất cả 4 người đều bị thương tích và làm đơn yêu cầu xử lý hình sự. Qua kết quả giám định, tỷ lệ thương tật của K.C là 8%, tỷ lệ thương tật của N., H. và Nh. cùng là 2%. Riêng tổng tài sản bị thiệt hại trên 1,3 triệu đồng.

Qua quá trình điều tra, đến ngày 21-7-2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Châu Phú ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với N. về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Kết thúc điều tra, N. bị Tòa án nhân dân huyện Châu Phú đưa ra xét xử sơ thẩm, lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai bị hại và những người làm chứng.

Do mâu thuẫn phát sinh từ việc giành hốt hụi nên bị hại và bị cáo dẫn đến cự cãi, xô xát. Trong lúc đánh nhau, bị cáo đã dùng kéo cắt mi là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho bị hại và Nh. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm, xem thường pháp luật, trực tiếp xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của công dân và làm mất an ninh trật tự địa phương.

Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, xét thấy bị cáo không có tình tiết tăng nặng nhưng có tình tiết giảm nhẹ nên Tòa án nhân dân huyện Châu Phú quyết định xử phạt bị cáo N. 9 tháng tù treo, thời gian thử thách là 18 tháng và giao bị cáo cho UBND thị trấn Cái Dầu để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, K.C đã kháng cáo. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh đã mở phiên tòa phúc thẩm để xem xét nội dung vụ án. Tại phiên tòa, do K.C không đưa ra được những tình tiết nào mới nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG