Đánh thức giá trị kinh tế di sản Tràng An

12/03/2025 - 07:47

Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) là một di sản có sự đa dạng sinh học và di sản khảo cổ đáng chú ý; là minh chứng cho bản sắc lịch sử, văn hóa của Việt Nam và mối quan hệ hài hòa với thiên nhiên.

Tuy nhiên, giống như nhiều di sản thế giới khác, Tràng An phải đối mặt với thách thức trong bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu nhưng vẫn tận dụng được toàn bộ tiềm năng kinh tế của di sản, vì lợi ích lâu dài của cộng đồng và các thế hệ tương lai. Đánh giá kinh tế di sản chính là chìa khóa để trả lời câu hỏi này. Vì vậy, kết quả Đề án "Lượng giá giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An” được công bố tạo cơ sở khoa học để Ninh Bình thiết lập chiến lược hành động phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch và kinh tế sáng tạo làm động lực quan trọng.

Đánh thức giá trị kinh tế di sản Tràng An

     Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) với vẻ đẹp độc đáo, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. 

Định giá 213 tỷ USD

Hội tụ đầy đủ tiêu chí về văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ, địa chất với những giá trị nổi bật toàn cầu, năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, trở thành di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á được UNESCO công nhận.

Nếu ví Quần thể danh thắng Tràng An như một bức tranh thì đó là bức tranh hoàn mỹ do thiên nhiên kỳ công vẽ nên qua hàng triệu năm. Những dãy núi đá vôi sừng sững như thành lũy thiên nhiên bảo vệ cố đô, những dòng sông uốn lượn như dải lụa mềm vắt ngang thung lũng xanh tươi và những hang động huyền bí như cánh cửa nối liền hiện tại với quá khứ xa xăm. Không chỉ đẹp về cảnh sắc, Tràng An còn mang đậm chất lịch sử của một cố đô xưa. Với vẻ đẹp tự nhiên, giá trị lịch sử và tiềm năng kinh tế to lớn, nơi đây không chỉ là viên ngọc sáng giữa trời Nam mà còn mang trong mình giá trị vô giá về lịch sử, văn hóa và cả kinh tế.

Ninh Bình là một trong những tỉnh tiên phong trong việc hiện thực hóa kinh tế di sản. Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc khẳng định: Trong tương lai, Ninh Bình không chỉ được thụ hưởng những lợi ích từ di sản mà còn nỗ lực nghiên cứu, nhận diện sâu sắc hơn chuỗi giá trị toàn vẹn của di sản. Việc thực hiện Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An” hướng đến mục tiêu xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc nghiên cứu giá trị kinh tế, thương hiệu của các khu di sản thế giới ở Việt Nam; từng bước xác lập cơ sở khoa học và thực tiễn cho vấn đề nghiên cứu giá trị kinh tế, thương hiệu của các khu di sản thế giới.

Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An” được công bố tháng 10-2024, được tiến hành bởi các chuyên gia Việt Nam (tại Đại học Quốc gia Hà Nội), đồng hành với các chuyên gia quốc tế (UNESCO, Santagata Foundation, IOER Leitbild) để bảo đảm tính khoa học và chính xác tầm quốc tế. Mới đây, trước sự chứng kiến và xác nhận của đại diện chính quyền địa phương, UNESCO, các tổ chức nghiên cứu quốc tế, thông cáo chung về kết quả nghiên cứu của Đề án "Lượng giá giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An" đã được công bố. Theo đó, tổng giá trị kinh tế và thương hiệu của Tràng An trong giai đoạn đánh giá 2024-2025 được xác định ở mức 213 tỷ USD. Con số này được đo lường dựa trên nền tảng của 10 nhóm giá trị cốt lõi bao gồm: Giá trị giải trí; giá trị hệ thống cảnh quan karst; giá trị đa dạng sinh học; giá trị khảo cổ; giá trị rừng đặc dụng Tràng An; giá trị văn hóa đình, đền, chùa; giá trị văn hóa lễ hội; giá trị văn hóa nghệ thuật biểu diễn dân gian; giá trị đất ở có tác động mạnh mẽ từ di sản trong khu vực vùng lõi di sản và giá trị đất ở có tác động từ di sản trong khu vực vùng đệm di sản.

Cân bằng tinh tế giữa bảo tồn và phát triển

Việc lượng giá giá trị kinh tế của một di sản không chỉ dừng lại ở các con số và cũng không chỉ đơn thuần là một công cụ để đánh giá giá trị kinh tế mà quan trọng hơn là cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp đưa ra những định hướng, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội bền vững, giải quyết vấn đề dân sinh, dân kế, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. Đặc biệt cần thiết lập chiến lược hành động phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch và kinh tế sáng tạo làm động lực quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TP Hoa Lư trở thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo trong tương lai của tỉnh Ninh Bình. Ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, Đề án “Lượng giá giá trị kinh tế của Quần thể danh thắng Tràng An” không chỉ giúp đo lường chính xác giá trị kinh tế của Tràng An mà còn đóng góp vào cuộc thảo luận toàn cầu về việc tích hợp bảo tồn di sản với phát triển bền vững. “Con đường phía trước của Tràng An cũng như tất cả di sản đang tìm kiếm sự cân bằng tinh tế giữa bảo tồn và phát triển, phụ thuộc vào nghiên cứu bền vững, đổi mới chính sách bao trùm và cam kết chung của tất cả người làm việc hướng tới tương lai của di sản”, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh...

Theo Quân đội nhân dân