Danh tướng Nguyễn Tri Phương qua nét vẽ của người Pháp ẢNH: TƯ LIỆU CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU TRẦN ĐÌNH BA
Tác phẩm Nguyễn Tri Phương - công trình khảo cứu đầy tâm huyết của nhà nghiên cứu Đào Đăng Vỹ, được thực hiện trong 28 năm (1945 - 1973), đã phản ánh gần như đầy đủ chân dung một vị danh tướng nhà Nguyễn, qua những câu chuyện tưởng như huyền thoại...
Tác phẩm vừa được NXB Tổng hợp TP.HCM tái bản có chỉnh sửa, bổ sung so với lần xuất bản đầu tiên năm 1974, qua đó cuộc đời người anh hùng đất Phong Điền Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873) hiện lên sống động, từ đời binh nghiệp cho đến riêng tư và nhất là công lớn của ông đối với vùng đất phương Nam, điều mà các tác phẩm của Quốc sử quán nhà Nguyễn và tài liệu của Pháp trước đó chưa làm rõ.
Vị kinh lược có công lập 100 làng ở Nam kỳ
“Khí thiêng liêng un đúc bởi sơn xuyên/Tính cứng cỏi đua chen cùng tòng bá/Trổ tài văn võ hùng anh/Giúp nước xương minh rạng rỡ”. Lâu nay, nhân vật lịch sử Nguyễn Tri Phương được đồng liêu đương thời ngợi ca qua thơ dân gian và được biết đến là một vị tướng xông pha trận mạc. Nhưng tìm hiểu kỹ đời cụ, Đào Đăng Vỹ cho hay “trong sự nghiệp của Nguyễn Tri Phương có một công trình vĩ đại mà ít khi được nhắc đến, đó là công lao khai hoang lập ấp ở Nam kỳ”.
Được biết, sau khi từ huyện vào làm quan ở kinh, đến năm 1850, ông được vua cải tên từ Nguyễn Văn Chương thành Nguyễn Tri Phương với ý nghĩa dũng mãnh mà còn lắm mưu chước, rồi được sung làm Khâm sai Tổng thống Quân vụ Đại thần ở Nam kỳ, sau bổ làm Kinh lược Đại sứ Nam kỳ.
Vào Nam kỳ, Nguyễn Tri Phương tìm hiểu, nhận thức rõ nguồn lợi nông nghiệp dồi dào nơi đây, thấy dân tình nay hợp mai tan kiểu du mục, đời sống không ổn định. Ông dâng sớ xin vua cho khẩn đất lập đồn điền để mưu lợi cho dân, tổ chức việc canh phòng làng xóm cho dân được yên ổn làm ăn, lại xin tạm tha thuế chợ, thuế đò. Vị khâm sai còn chiêu mộ dân, lập đồn điền khai khẩn đất hoang làm nông nghiệp, nhờ đó “thêm gạo lúa chẳng những đủ dùng mà còn dư bán ra ngoài, chở ra các tỉnh miền Trung”. Dân khẩn đất, được làm chủ ruộng, yên ổn làm ăn, đời sống thêm no ấm. Kết quả là lập được 21 cơ đồn điền, tạo lập 100 làng liền nhau an cư lạc nghiệp.
Để quốc sách đồn điền được thực hiện quy củ, lâu dài và an dân, Nguyễn Tri Phương đề xuất và được vua đồng ý khi quy chức trách cho quan lại lục tỉnh từ tổng đốc đến tri huyện phải quan tâm, thường xuyên kinh lý đốc thúc dân khẩn hoang, lo cày cấy, trị trộm cướp; kẻ nào làm tốt thì thưởng, bê trễ thì nghiêm trị. Bản thân ông thường xuyên đi thực tế, tìm hiểu dân tình.
Với những biện pháp ấy, đến năm 1857, công việc có những thành tựu bước đầu như lời tâu của ông với vua: “Hiện nay sáu tỉnh đều được mùa gạo ăn đầy đủ. Nếu được mùa luôn như thế thì việc đồn điền sẽ được thành tựu”. Sự nghiệp an dân của Nguyễn Tri Phương đã được tác phẩm khẳng định rõ như thế.
Chẳng những vậy, Nguyễn Tri Phương còn có tầm nhìn xa khi đề xuất lập kho trữ lúa gạo phòng lúc mất mùa; phân trữ lúa gạo từ Nam kỳ mỗi tỉnh một ít để dùng cho việc quân khi cần...
Chuyện tuẫn tiết ở thành Hà Nội
Trong đời binh nghiệp, tướng Nguyễn Tri Phương trải qua cả trăm trận từ khi trai trẻ đến khi râu tóc bạc phơ. Lúc đánh Chân Lạp, Xiêm La, lúc bình giặc Cờ Đen, khi dẹp các cuộc phiến loạn khắp Nam kỳ và Bắc kỳ, lại làm cho quân Pháp khốn đốn mấy trận đầu...
Điểm đặc biệt là khi chỉ huy quân sĩ nơi sa trường, ông là vị tướng thông hiểu chiến trường, nhận định rõ thế địch, ta và luôn tiên phong trước ba quân. Vua Minh Mạng đã khen ông “đích thân tiến trước quân lính mà lên thành, đã mạnh lại có mưu”. Vua Thiệu Trị cũng công nhận: “Vì lòng dũng cảm như thế, ông đã lôi cuốn quân sĩ hăng hái xông pha, nên đã thắng”. Sự dũng cảm ấy đến kẻ địch như J.Dupuis trong cuốn Le Tonkin cũng phải thán phục.
Sách của Đào Đăng Vỹ cũng cho biết về cái chết oanh liệt, bi tráng của người anh hùng. Khi quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất năm 1873, quân ta thất thủ. Thành mất, Nguyễn Tri Phương rơi vào tay giặc, nhưng khí khái của kẻ “xem cái chết nhẹ tựa hồng mao” thì không gì khuất phục nổi. Đến người Pháp cũng phải kinh ngạc như L’Empire d’Annam ghi ông “từ khước sự săn sóc của các bác sĩ Pháp, và tự ông rứt bỏ đồ băng bó trên vết thương”. Gia phả họ Nguyễn còn lưu lại rõ câu chuyện này qua một bản lưu giữ của tác giả: “Cụ cùng con là phò mã Nguyễn Lâm đốc suất quân ra phía cửa Đông Nam vượt lên thành chống giặc. Phò mã bị một phát đạn vào đầu chết ngay. Cụ cũng bị thương, binh sĩ khiêng vào dinh. Người Pháp đem thuốc vào buộc, cụ đều rứt ra, đưa đồ ăn vào cụ đều phun nhổ, không nuốt, nói rằng: Nếu ta chỉ gắng lây lất mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”.
Nhà nghiên cứu Đào Đăng Vỹ nhận xét: “Sự tuẫn tiết của ông còn có một điểm vô cùng đặc biệt là ông chấp nhận cái chết trong sáng suốt, trong chờ đợi đau đớn ngót một tháng trường [...] Khẳng khái thay và oanh liệt thay!”.
Một điểm đáng lưu ý nữa mà ít ai biết, ấy là cái chết của Nguyễn Tri Phương và F.Garnier, kẻ chỉ huy việc đánh thành Hà Nội cách nhau một ngày. Số là quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc một thời khuấy đảo biên giới phía bắc, sau bị tướng Nguyễn Tri Phương đánh cho tan tác và theo về triều đình. Khi thành Hà Nội rơi vào tay quân Pháp ngày 20-11-1873, Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết ngày 20-12-1873. Chỉ một ngày sau, F.Garnier chết dưới tay quân Cờ Đen. Ấy là quân Cờ Đen đã báo thù cho cái chết của Nguyễn Tri Phương.
Nguyễn Tri Phương (1800 - 1873), quê làng Đường Long, nay thuộc H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế. Xuất thân trong gia đình bình dân, nhưng Nguyễn Tri Phương rất thông minh khi học ba thầy mà thầy nào cũng “hết chữ”. Ông ham đọc sách và học võ, nghiên cứu binh thư.
Làm quan văn trong nội các nhà Nguyễn, nhưng khi đất nước có giặc, ông chuyển sang quan võ và lập nhiều chiến công. Trong cuộc đánh Pháp xâm lược, ông cùng em trai Nguyễn Duy, con trai là phò mã Đô úy Nguyễn Lâm đều hy sinh cho nước.
Theo LÊ CÔNG SƠN (Thanh Niên)