Tuy nhiên, "đảo băng" Greenland đang trở nên tối hơn và ấm hơn do một hình thái thời tiết đang khiến lượng tuyết rơi sụt giảm tại khu vực này.
Băng trôi trên vùng biển phía đông Greenland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong một nghiên cứu được công bố ngày 17-5, sự sụt giảm lượng tuyết mới có màu trắng sáng đã khiến lớp tuyết cũ và sẫm màu hơn lộ ra trên bề những tảng băng. Màu tối hơn của băng làm giảm lượng ánh sáng Mặt Trời mà nó phản chiếu trở lại vào không gian, khiến băng hấp thụ nhiệt nhiều hơn và tan chảy nhanh hơn.
Ông Erich Osterberg, Phó Giáo sư khoa học Trái Đất thuộc Đại học Dartmouth và cũng là đồng tác giả nghiên cứu, nhận định khi lớp tuyết cũ "già" đi trong vài giờ đồng hồ hoặc một vài ngày, lượng ánh sáng Mặt Trời mà băng phản chiếu lại vào không gian cũng giảm theo. Đấy là lý do vì sao lượng tuyết mới có vai trò rất quan trọng.
Ông Osterberg và các đồng nghiệp cho rằng lượng tuyết rơi giảm là do tác động của hiện tượng các dãy áp suất cao liên tục "lơ lửng" phía trên đảo băng trong nhiều tuần trong cùng một thời điểm. Hình thái này đã trở nên phổ biến trong khu vực kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, khiến nhiệt độ ấm hơn ở vùng phía Tây Greenland, làm giảm mật độ che phủ của các đám mây cản sáng và "xua" các trận bão tuyết về phía Bắc. Hậu quả là băng ở Greenland ngày càng tan chảy nhanh hơn.
Một số nghiên cứu đã liên hệ hình thái thời tiết trên với hiện tượng biến đổi khí hậu chủ yếu do hoạt động của con người. Tuy nhiên, ông Osterberg lưu ý cần có thêm những nghiên cứu về sự xuất hiện các dãy áp suất cao. Theo vị Phó Giáo sư này, việc nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng, giúp các nhà khoa học có thể nâng cao khả năng dự đoán về mực nước biển dâng trong tương lai.
Trong khi đó, ông Gabriel Lewis, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định vấn đề không chỉ nằm ở sự sụt giảm lượng tuyết rơi khiến nhiệt độ Greenland ấm lên. Ông lưu ý sự xuất hiện một loại bông tuyết có hình dáng khác trên bề mặt băng ở Greenland. Khi những bông tuyết tan chảy hoặc bay hơi, chúng trở nên tròn hơn và giảm khả năng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời so với những bông tuyết hình pha lê và mới hơn. Điều này làm cho bề mặt băng trở nên sẫm màu hơn. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, 1% thay đổi trong hệ số phản xạ trên lớp băng của Greenland có thể làm "bốc hơi" thêm 25 gigaton băng trong 3 năm.
Tình trạng biến đổi khí hậu đang tác động nghiêm trọng đến các sông băng trên thế giới, đặt ra mối đe dọa đối với hàng chục triệu người. Kết quả một nghiên cứu hồi năm ngoái của Đại học Lincoln (Anh) cho thấy lượng băng tan ở Greenland sẽ làm mực nước biển dâng thêm từ 10-12 cm trong thời gian từ nay đến năm 2100. Trong khi đó, trong báo cáo công bố năm 2013, Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) thuộc Liên hợp quốc cảnh báo mực nước biển có thể sẽ dâng thêm 60 cm vào cuối thế kỷ này.
Đảo Greenland có diện tích 2 triệu km2, gần gấp 4 lần diện tích nước Pháp, với 85% bề mặt bao phủ là băng. Lớp băng ở Greenland - hiện chứa lượng nước đủ để khiến mực nước biển toàn cầu dâng thêm 6 m, đang tan chảy với tốc độ nhanh nhất từ trước đến nay. Riêng trong năm 2019, lớp băng này đã mất đi hơn 560 tỷ tấn nước. Hiện tốc độ tan băng ở nhiều khu vực ở Greenland và Nam cực ước tính nhanh gấp 6 lần so với thời điểm năm 1990.
Theo PHƯƠNG OANH (Báo Tin Tức)