Dập dềnh sóng vỗ xứ Cù Lao

09/07/2023 - 09:18

'Bước qua con sông, về cù lao nước xuôi đôi dòng/ Nhắn ai qua sông, lời quê hương buồn thương nhớ mong/ Chiều về cù lao nghe lòng thương, dáng ai khuất mờ sau màn sương/Tiếng bìm bịp kêu sau rặng me nức nở chiều hè'. Giữa biển khơi xanh biếc, cụm đảo Cù Lao Chàm với hơn 3000 dân số sinh sống hiện lên biệt lập với thế giới, tạo ra một khung cảnh thơ mộng thu hút nhiều khách du lịch ghé thăm.

Cù Lao Chàm hiện lên với vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng. (nguồn: Treveloka)

Lênh đênh giữa chốn bồng lai

Thành phố Hội An (Quảng Nam) là một đô thị cổ nổi tiếng ở Việt Nam. Nơi đây, thường gắn liền với hình ảnh những ánh đèn lồng không bao giờ tắt trong màn đêm đậm hơi thở xưa cũ. Đi khoảng 15km về phía Đông, xuôi theo con đường tràn ngập nắng và gió là đến Cửa Đại. Từ Cửa Đại vị mặn của biển đã thấm đẫm trong không khí miền Trung nóng nực.

Đến Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) không thể vội, không thể nhanh, mà sẽ phải đợi đến khi đủ người lên tàu mới xuất phát. Từ bến tàu đến Cù Lao Chàm mất khoảng ba mươi phút, vượt qua chặng đường hơn 15km mới có thể đến đích. Ngồi trên tàu, những con sóng lênh đênh, dập đềnh đập vào mạn thuyền. Du khách mới đi tàu ai không quen thì có thể say, nhưng đã quen rồi sẽ sớm “bắt nhịp” được với quang cảnh rộng lớn, mênh mông xanh biếc màu coban xung quanh.

Khung cảnh quanh Cù Lao Chàm bình yên, tĩnh lặng, nhưng vào khoảng thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ 17, nơi này từng gắn với sự phát triển đô thị, giao thương nhộn nhịp của thành phố Hội An với các thương nhân, lái buôn người nước ngoài thường xuyên đi qua đây. Họ gọi nơi này là Champello, còn dân bản địa đặt tên quần đảo này là Ngọa Long, vì địa thế có hình như một con rồng đang nằm ngủ.

Cù Lao Chàm có tổng diện tích hơn 15km2, trong đó có khoảng 90% là diện tích rừng, được tạo nên từ tám hòn đảo khác nhau, bao bọc lại thành một đường vòng cung rất đẹp. Hòn Lao, là hòn đảo lớn nhất, nơi duy nhất có người sinh sống tại quần đảo này. Người dân ở hòn Lao chủ yếu làm nghề chài lưới trong suốt hàng trăm năm nay. Chỉ đến vài chục năm trở lại đây, khi du lịch phát triển, đường sá thuận lợi, người dân mới mở thêm các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi để phục vụ khách hàng.

Khung cảnh ở Cù Lao Chàm tương đối hoang sơ, gắn liền với thiên nhiên non xanh, nước biếc hùng vĩ. Tuy nhiên, trên đảo có rất nhiều những di tích cổ với tuổi đời lên đến hàng trăm năm. Dân bản địa ở đây thường chỉ cho du khách tới chùa Hải Tạng khi bắt đầu chuyến đi. Chùa nằm phía Bắc đảo hòn Lao, được xây dựng từ thế kỷ thứ mười sáu vào thời vua Cảnh Hưng. Chùa Hải Tạng chịu ảnh hưởng từ cả kiến trúc Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo, nên được gọi là ngôi chùa “Tam giáo đồng nguyên”. Theo ông Lê Nhàn - người trông coi ngôi chùa cho biết: “Chùa hiện tại vẫn còn rất nhiều kinh sách cổ được chép từ các đời vua chúa xa xưa”.

Vẻ đẹp của Cù Lao Chàm thường khiến cho du khách mê mẩn, bởi vẻ thô sơ, mộc mạc, thuần khiết của cả thiên nhiên lẫn con người. Đi dọc những đường vòng cung quanh bờ biển, là nhà dân lưa thưa, nơi mọi người đang sinh hoạt, trong khung cảnh bình yên, xa lánh phố thị ồn ào. Nép mình ở một góc không xa, đó là Eo Gió, nơi mà bất cứ du khách nào đến để ngắm nhìn hoàng hôn và bình minh. Hồn gió cao gần 200m so với mực nước biển, là nơi đón gió, khung cảnh thơ mộng, lãng mạn. Eo Gió, đẹp nhất khi du khách đến vào buổi chiều, lúc mặt trời đang bắt đầu khuất bóng.

Đây là một địa điểm du lịch có rất nhiều di tích lịch sử. (nguồn: Internet)

Đây là một địa điểm du lịch có rất nhiều di tích lịch sử. (nguồn: Internet)

Sau khi ngắm cảnh trên Eo Gió, vào buổi trưa, mọi người sẽ ra những chiếc thuyền để đi lặn biển, ngắm san hô. Biển Cù Lao Chàm khác với những bãi tắm như Mỹ Khê (Đà Nẵng), Lăng Cô (Huế), nơi đây không chịu ảnh hưởng của nước sông, phù sa, cũng như tác động của con người, bãi biển nằm giữa đảo trong vắt, có thể nhìn đến tận đáy. Hoạt động trải nghiệm thú vị nhất khi tới đây, là được lặn biển ngắm san hô. Những dãy san hô đủ màu sắc, kích cỡ thu hút tất cả những du khách tò mò ngắm nhìn. Tuy nhiên, dù được lướt thân mình dọc theo bãi đá san hô, nhưng khách du lịch không được bẻ hay chạm vào.

Hoạt động ở dưới nước của du khách đến Cù Lao Chàm không chỉ là lặn biển, mà còn được câu cá giữa đảo. Chỉ cần thuê tàu, du khách có thể chuẩn bị đồ đạc để lênh đênh trên thuyền câu cá như một ngư dân. Tại đây, người câu cá vừa câu, vừa được dân bản địa hướng dẫn phân biệt các loài cá ở biển Cù Lao Chàm. Còn nếu muốn hiểu sâu hơn về động, thực vật ở trên đảo, cần phải đến khu bảo tồn, hiện đang lưu giữ hàng trăm tiêu bản của những loài thủy, hải sản tồn tại ở trên đảo, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm. Cũng chính vì sự đa dạng của các loài thủy hải sản, san hô, thực vật… ở trên đảo, mà Cù Lao Chàm, thuộc địa phận thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, là cụm đảo được UNESCO công nhận là khu du lịch dự trữ sinh quyển của thế giới năm 2009.

Hòn ngọc “xanh”

Không chỉ nổi tiếng nhờ khung cảnh nên thơ như tranh vẽ, Cù Lao Chàm còn được biết đến là địa điểm du lịch nói không với những rác thải khó phân hủy. Đặc biệt là túi ni lông, đến với Hòn Lao, du khách phải tự chuẩn bị những túi vải, túi giấy thân thiện với môi trường. Nếu như Ban quản lý phát hiện ra có người mang theo túi ni lông từ đất liền vào, thì họ sẽ lập tức bị phạt.

Điều này được khởi nguồn từ một phong trào hưởng ứng ngày “Nói không với túi ni lông” vào năm 2009, chính quyền xã đảo Tân Hiệp, Thành phố Hội An vào cuộc rất kiên trì và quyết liệt, từ phong trào mà được triển khai thành một chiến dịch và có sức lan tỏa ngày càng lớn, được người dân, du khách, doanh nghiệp hưởng ứng nhiệt tình.

Ngày nay, ngay cả những nhà hàng, quán ăn ở Cù Lao Chàm cũng không bao giờ sử dụng ống hút nhựa. Mà thay hoàn toàn thành các ống hút tre, ống hút giấy để đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp. Đến với hòn đảo xinh đẹp này, thật khó phát hiện ra một con đường bị tắc, hay những chiếc xe ô tô đi lại nhộn nhịp.

Trong vòng mười năm kể từ ngày được UNESCO công nhận, Cù Lao Chàm là một điểm sáng trong công tác bảo tồn biển, bảo vệ môi trường với những mô hình thành công đầu tiên của cả nước như: Tiểu khu đồng quản lý bảo tồn biển thôn Bãi Hương, mô hình phục hồi san hô, chuyển vị rùa biển... Hay đó là khu Bảo tồn Biển Cù Lao Chàm được thiết lập năm 2006 thuộc Hệ thống các khu bảo tồn cấp quốc gia; Rừng ngập mặn với đặc trưng là Hệ sinh thái rừng dừa nước tại vùng cửa sông Thu Bồn; Rừng đặc dụng trên đảo Cù Lao Chàm; Hệ thống rừng phòng hộ ven biển; Ngoài ra, còn các làng nghề truyền thống cùng với những giá trị nổi trội về văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với mảnh đất và con người Hội An qua bao thời kỳ lịch sử, cũng được gìn giữ, bảo tồn.

Cù Lao Chàm là một địa điểm gắn với phong trào “Nói không với túi ni lông”. (nguồn: Nano Travel)

Cù Lao Chàm là một địa điểm gắn với phong trào “Nói không với túi ni lông”. (nguồn: Nano Travel)

Không chỉ có san hô, rừng rùa biển và những loài thủy, hải sản được bảo vệ, mà ngay cả những cây cổ thụ, cũng được người dân chăm sóc cẩn thận. Hiện tại, trên đảo Cù Lao Chàm còn có bốn cây di sản đã được công nhận. Đó là ba cây ngô đồng đỏ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng; cây đa ở sườn Đông, hòn Lao; cây Kén, cây Nánh ở miếu tổ nghề yến, thôn Bãi Hương. Trong đó, cây đa 600 năm tuổi có một thân chính và sáu thân phụ bao quanh, vừa là trụ đỡ thân cây vừa tạo cho tán cây có vẻ đẹp cổ kính, đẹp mắt. Ba cây ngô đồng đỏ có hoa màu đỏ rất đẹp và có tuổi từ 150 - 250 năm, còn cây Kén và cây Nánh có tuổi chừng 200 năm cho hoa màu tím như bằng lăng.

Ngoài phong trào “Nói không với túi ni lông và ống hút nhựa”, Ban Quản Lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm còn thực hiện hình thức giám sát rác thải nhựa theo phương pháp mới, các cơ sở dữ liệu thu thập từ mặt cắt dưới biển và sáu vùng rạn đang nuôi cấy san hô, các loại rác thải nhựa sẽ được phát hiện, thu gom triệt để. Phương pháp này có khả năng cung cấp những dữ liệu tổng thể về hiện trạng rạn san hô, môi trường sống của các loài thủy sinh, sự tác động của rác thải nhựa, ảnh hưởng tới biển và các sinh vật dưới nước. Từ đó, giúp Ban quản lý đánh giá tổng thể, đề xuất biện pháp quản lý.

Nhờ giữ được phong cảnh thiên nhiên trong lành, môi trường sạch đẹp mà Cù Lao Chàm đã thu hút du lịch trong những năm trở lại đây. Hòn đảo thơ mộng này, cũng có sự thay đổi vượt bậc, trong đó, sự phát triển kinh tế gắn liền với ngành du lịch - dịch vụ. Khi đến Cù Lao Chàm sẽ không có nhiều cửa hàng, quán ăn hay khách sạn hạng sang, mà chủ yếu là nhà trọ, homestay để du khách có thể ở lại từ một đến vài ngày.

Theo ANH NHI (Báo Pháp Luật)