Đập tan luận điệu xuyên tạc thành quả Cách mạng Tháng Tám

19/08/2022 - 06:36

Thành quả của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ được Đảng, nhân dân ta nỗ lực phấn đấu để có được, mà còn được bạn bè và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Thế nhưng, đây đó vẫn có những luận điệu lạc lõng của một số kẻ xấu, cơ hội chính trị với ý đồ xuyên tạc sự thật lịch sử.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của nhân dân ta từ khi có Đảng lãnh đạo, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền CNXH.

Tuy nhiên, dịp kỷ niệm hoặc các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, cũng là lúc các thế lực xấu, thù địch, phần tử cơ hội chính trị điên cuồng chống phá. Chúng xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Tám. Các thế lực thù địch tung lên internet, mạng xã hội nhiều bài viết với giọng điệu: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là sai lầm lịch sử”, “không có gì thay đổi chế độ xã hội ở Việt Nam, chẳng qua chỉ là thay từ chế độ “vua trị” sang chế độ “đảng trị””(!)...

Chúng còn cho rằng những thắng lợi mà Đảng ta, nhân dân ta đã đổ xương máu để giành được “đó là sự ăn may, vì Nhật thua trong Chiến tranh thế giới thứ hai, chứ Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng có tài cán gì”. Một số lại cho rằng, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “là nguyên nhân dẫn đến 2 cuộc chiến tranh đẫm máu ở Việt Nam”; “nếu không có Cách mạng Tháng Tám, nước ta đã giàu mạnh từ lâu và không mất dân chủ như bây giờ”...

Từ cách nhìn ấu trĩ, chúng đưa ra lập luận: Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công không phải là do sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, không phải là kết tinh sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, mà thành công đó là một sự “may mắn” do điều kiện lịch sử tạo ra… Đó chính là những luận điệu sai trái, phi thực tế, phản khoa học, hoàn toàn bịa đặt, nhằm hạ thấp ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, để Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi trong mùa thu lịch sử năm 1945, bằng trí thông minh, tinh thần cách mạng triệt để, nghệ thuật lãnh đạo và phương pháp cách mạng khoa học, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân trải qua 3 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc vô cùng gian khổ, khốc liệt, với 3 cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh; Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1939-1945). Trong thời khắc quyết định của lịch sử dân tộc, Bác đã ra lời kêu gọi tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta...”.

Để giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, ngay từ năm 1939, Đảng đã trực tiếp chuẩn bị cả về đường lối, căn cứ địa và lực lượng cách mạng để tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Đảng ta xác định phải xây dựng căn cứ địa cách mạng vững chắc ở Bắc Sơn, Cao Bằng, với các tên gọi khác nhau. Đặc biệt, xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa hoàn chỉnh; là “hình ảnh thu nhỏ của nước Việt Nam”; trong đó, Tuyên Quang được xác định là “Thủ đô kháng chiến”. Việc xây dựng căn cứ địa vững chắc nhằm “tạo thế” quan trọng để tổng khởi nghĩa đi đến thắng lợi sau này.

Hoàn cảnh lịch sử thời điểm tháng 8/1945 đã tạo ra thời cơ vàng để cả dân tộc đứng lên làm cuộc cách mạng giành độc lập, tự do. Đây là thời điểm mà quân Nhật đã thất bại, tuyên bố đầu hàng ngày 15/8/1945. Thời khắc này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đây là một thời cơ quý và hiếm, nếu bỏ qua thì không bao giờ có nữa”.

Người kêu gọi: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Mặc dù là thời điểm khách quan chín muồi, khi quân Nhật hoảng loạn, quân Pháp chưa đủ sức quay lại, chính quyền tay sai hoang mang cực độ. Nhưng nếu không có sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam, triệu người như một, đồng lòng theo Đảng đứng lên bẻ gãy gông xiềng, tự giải phóng mình, thì làm sao có được cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khẳng định tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta, trước hết và chủ yếu là do đường lối chiến lược và sách lược của Đảng đúng đắn ngay từ đầu, bảo đảm thông suốt và quán triệt đường lối đó trong thực tiễn chuẩn bị khởi nghĩa và khởi nghĩa, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh và ăn sâu bám rễ trong quần chúng, gắn sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại theo lời kêu gọi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập, tự do”.

Thắng lợi này đã khơi nguồn để Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đời sống nhân dân được nâng lên, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng khẳng định trên trường quốc tế. Đặc biệt, qua 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 31 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử kết tinh sức sáng tạo của Đảng và nhân dân ta, khẳng định con đường đi lên CNXH của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu ấy đã bác bỏ sự vu cáo, bịa đặt hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cố phủ nhận những thành quả cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã đạt được.

M.T