Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp với đất và người Điện Biên

05/05/2024 - 08:55

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng dưới sự chỉ huy tài giỏi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trôi qua được 70 năm nhưng những dấu ấn và tình cảm của Đại tướng vẫn vẹn nguyên với mảnh đất và con người nơi đây.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Chiến dịch Điện Biên Phủ

Cách đây hơn 70 năm, trong khi ta đang tích cực chuẩn bị theo kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 - 1954 thì ngày 15/10/1953, quân Pháp mở cuộc hành quân Castor (Hải Âu), đánh ra khu vực phía Tây Nam tỉnh Ninh Bình. Trước tình thế đó, Đảng ta vừa chỉ đạo lực lượng vũ trang tổ chức chiến dịch tiến công đập tan cuộc hành quân “Hải Âu” của địch, đồng thời tích cực triển khai kế hoạch tác chiến đã định, đưa bộ đội chủ lực tiến quân lên Tây Bắc và sang Trung Lào, phối hợp chiến đấu với quân dân Lào, nhằm buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó.

Phát hiện thấy ta di chuyển lực lượng chủ lực lên Tây Bắc, Tổng Chỉ huy quân đội Pháp Henri Navarre lúc bấy giờ đã quyết định điều lực lượng cơ động sang Trung Lào và tăng cường phòng giữ Điện Biên Phủ. Ngày 20/11/1953, Pháp mở cuộc hành quân Castor, cho quân nhảy dù xuống đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ, năm 1954 (Ảnh Bảo tàng Quân sự Việt Nam)

Trước những diễn biến mới của tình hình, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp khẩn cấp để nghe Tổng Quân ủy báo cáo, đã quyết định mở chiến dịch nhằm đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị tin tưởng giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ với mật danh “Chiến dịch Trần Đình”.

Trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hỏi: “Chú đi xa như vậy, chỉ đạo chiến trường có gì trở ngại?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Thưa Bác! Chỉ trở ngại là ở xa, khi có vấn đề quan trọng khó xin ý kiến Bác và Bộ Chính trị”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền quyết định rồi báo cáo sau”. Khi chia tay, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Đại tướng: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”[1] …

Đó là lần đầu tiên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Điện Biên, cùng với hơn 40 nghìn cán bộ, chỉ huy, chiến sỹ, dân công và làm nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ với “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!” làm nên chiến thắng “Lẫy lùng năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải đi đến ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương, đồng thời mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đấu tranh giành độc lập dân tộc cho các nước thuộc địa trên toàn thế giới.

Đúng 16 giờ 20 phút ngày 7/5/1954, bộ đội Việt Nam đã chiếm được hầm chỉ huy, bắt sống Thiếu tướng Christian de Castries, Chỉ huy quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giành chiến thắng kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử (ảnh: TTXVN)

Dấu ấn lần đầu tiên ấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đến với Điện Biên chính là không chỉ đánh thắng một đội quân hùng mạnh của một đế quốc thực dân đầu sỏ hàng đầu thế giới lúc bấy giờ, mà còn giải phóng nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên nói riêng, cả vùng Tây Bắc nói chung khỏi ách lầm than dưới sự đô hộ, chiếm đóng của thực dân Pháp.

Lần đầu tiên ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn đến với Điện Biên bằng tình thương, trách nhiệm trước sinh mạng của hàng vạn cán bộ, chiến sỹ và hàng triệu người dân khi quyết định tạm dừng ngày mở màn chiến dịch, cho kéo pháo ra để chuẩn bị lại và kỹ hơn trận địa, đồng thời chuyển từ chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” nhằm giảm tổn thất, hy sinh xương, máu của bộ đội. Vì thế không chỉ giành chiến thắng tuyệt đối trước quân xâm lược Pháp, làm cho quân Pháp thua tâm phục, khẩu phục, mà còn giữ nguyên được các đơn vị bộ đội chủ lực vừa mới thành lập 10 năm trước đó (1944 - 1954), là vốn liếng rất ít ỏi, nhưng vô cùng quý giá của Quân đội nhân dân Việt Nam còn non trẻ lúc bấy giờ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp với công cuộc tái thiết, xây dựng Điện Biên sau chiến tranh

Sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ giành chiến thắng, quét tan hơn 15 nghìn tên lính xâm lược Pháp ra khỏi đất Điện Biên và vùng Tây Bắc rộng lớn, Đảng, Nhà nước và Quân đội ta đã bắt tay ngay vào công cuộc tái thiết, xây dựng tỉnh Điện Biên. Thời kỳ này, với tư cách là Tổng Tư lệnh Quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ban hành nhiều mệnh lệnh và chỉ thị cho nhiều đơn vị quân đội ở lại rà phá bom, mìn, thu nhặt vũ khí do chiến tranh để lại. Không chỉ làm sạch toàn bộ cách đồng Mường Thanh mà còn làm sạch nhiều diện tích đất đai khác để đưa vào canh tác nông nghiệp, phục vụ đời sống, giúp xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào nơi đây.

Nghe theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong từ dưới xuôi sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở lại sinh sống, lao động trên mảnh đất Điện Biên. Không chỉ có vậy, hàng trăm nghìn người dân các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng đã xung phong lên Điện Biên để cùng với đồng bào các dân tộc nơi đây khai hoang vùng kinh tế mới và ở lại sinh sống, lập nghiệp cho đến tận ngày nay.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở về thăm tỉnh Điện Biên trong vòng tay chào đón của nhân dân các dân tộc nơi đây (ảnh: Bảo tàng Điện Biên)

Nhờ nhãn quan quân sự, kết hợp với nhãn quan chính trị, khoa học, nhân văn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với Bác Hồ và Bộ Chính trị ra sức hồi sinh mảnh đất Điện Biên, để thêm màu xanh lúa mới, đem cơ giới hóa nông nghiệp đến với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, xây dựng các nông trường rộng lớn, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Từ những chủ trương đúng đắn như vậy nên đã ra đời Nông trường Điện Biên (là nông trường quốc doanh đầu tiên của cả nước), rồi Đại thủy nông Nậm Rốm cũng đã được xây dựng có quy mô chỉ đứng sau Đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Đặc biệt, cánh đồng Mường Thanh, nơi diễn ra trận quyết chiến cuối cùng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày nào đã trở thành cánh đồng mẫu lớn đứng đầu trong câu nói quen thuộc của người dân Tây Bắc: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” để mô tả về 4 vựa lúa lớn nhất khu vực, đó là cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên), Mường Lò (Yên Bái), Mường Than (Lai Châu), Mường Tấc (Sơn La).

Sau này, với tư cách là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước và khi là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ)… Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn luôn quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư cho tỉnh Điện Biên.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những lần trở lại Điện Biên Phủ

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều lần thăm lại Điện Biên, nhưng đáng nhớ nhất, để lại nhiều cảm xúc nhất là 2 lần Đại tướng lên mảnh đất này nhân kỷ niệm 40 năm và 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng ông Lò Văn Bóng một chiếu đài cassette (ảnh: Bảo tàng Điện Biên)

Năm 1994, lúc này đã 83 tuổi nhưng Đại tướng Võ Nguyên Giáp vẫn còn sức khỏe lên dự Lễ Kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 1994). Có nhiều câu chuyện xúc động, nhưng đáng nhớ nhất là câu chuyện khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Mường Phăng (nơi đóng quân của Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa), gặp lại ông Lò Văn Bóng. Ông Lò Văn Bóng nguyên là Xã đội trưởng xã Mường Phăng, huyện Điện Biên (nay là TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên). Từ tháng 1/1954, ông làm nhiệm vụ “bảo vệ rừng Mường Phăng - Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vì trong đó có… bí mật!”. Thế rồi sau đó hàng chục năm, dù không được nhận lương, nhưng ông Bóng vẫn vẹn nguyên tinh thần trách nhiệm tham gia bảo vệ khu di tích lịch sử Mường Phăng mà không hề đòi hỏi gì thêm cho bản thân…

Cảm kích trước tấm lòng của ông Lò Văn Bóng, Đại tướng mời ông về Hà Nội an dưỡng và có riêng một đại úy bảo vệ. Đại tướng còn dặn đồng chí đại úy bảo vệ đưa ông Bóng đi bất cứ nơi đâu, mua bất cứ thứ gì ông thích, nhưng cuối cùng ông Lò Văn Bóng chỉ xin 1 cái xoong quân dụng để về nấu rượu sắn…

Đến năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954 - 2004), lúc này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã 93 tuổi, sức khỏe yếu. Nhưng thể theo nguyện vọng của Đại tướng nên từ ngày 17/4 đến ngày 20/4/2004, Đảng, Nhà nước, Quân đội đã bố trí đưa Đại tướng lên thăm lại chiến trường xưa, nơi diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Tuy sức khỏe yếu, nhưng Đại tướng vẫn cùng Phu nhân tới thăm gần hết các địa điểm mà cách đó 50 năm Đại tướng đã gắn bó trong những ngày chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ như: Nghĩa trang A1, Đài tưởng niệm đồi Độc lập, Sở Chỉ huy Mường Phăng…

Đại tướng Võ Nguyên Giáp viếng Nghĩa trang liệt sỹ đồi A1 trong lần thăm tỉnh Điện Biên năm 2004 (ảnh: Bảo tàng Điện Biên)

Rất nhiều nhân chứng trong buổi gặp mặt của Đại tướng với các cựu chiến binh Điện Biên đều nhớ như in những lời gan ruột của Đại tướng “Hôm nay, chúng ta gặp nhau đây là quý lắm rồi! Sau 50 năm, gặp nhau đây là quý lắm rồi!”. Chỉ nghe mấy câu nói ấy của Đại tướng, rất nhiều cựu chiến binh đưa bàn tay già nua run run chùi lên khóe mắt.

Lần này, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, người dân Điện Biên đã không còn được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên thăm. Đại tướng đã đi xa nhưng hình ảnh vẫn luôn trong tâm trí của người Điện Biên. Rất nhiều gia đình ở Điện Biên đã treo ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên bàn thờ, bên cạnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh để bày tỏ lòng thành kính và biết ơn.

Không phải ngẫu nhiên mà Đại tướng đặt tên con trai trưởng của mình là Võ Điện Biên và cũng không phải ngẫu nhiên mà con đường đẹp nhất thành phố Điện Biên Phủ được mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đó chính là mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa "Vị tướng huyền thoại" với nhân dân và mảnh đất Điện Biên lịch sử, anh hùng./.

[1] Theo “Hồi ký: Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nxb. QĐND, năm 1995.

Theo Đảng Cộng Sản