Dấu ấn hội thi Múa không chuyên toàn quốc

07/06/2022 - 00:48

 - Trong không khí vui tươi, phấn khởi của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đang tích cực thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 190 năm thành lập tỉnh An Giang (1832-2022), UBND tỉnh phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022. Đây là sự kiện văn hóa - nghệ thuật quy mô toàn quốc với không gian nghệ thuật đặc sắc, giá trị tiêu biểu..

Hội thi Múa không chuyên toàn quốc được tổ chức theo định kỳ 3 năm một lần, với các chủ đề khác nhau và do các địa phương luân phiên đăng cai tổ chức. Hội thi năm nay với sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ, nhạc công, kỹ thuật viên, cộng tác viên các đoàn nghệ thuật thuộc Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh và Triển lãm của 27 tỉnh, thành phố: An Giang, Bắc Giang, Bến Tre, Bình Phước, TP. Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Gia Lai, Hà Nam, TP. Hà Nội, TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Khánh Hòa, Lai Châu, Long An, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sơn La, Tây Ninh, Thanh Hóa, Tiền Giang, Trà Vinh, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc.

Mỗi tiết mục mang đến những dấu ấn riêng biệt, đặc trưng văn hóa nghệ thuật của mỗi dân tộc, vùng miền. Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban Tổ chức thường trực hội thi) cho biết: “Từ hội thi này xuất hiện những bức tranh tuyệt đẹp được vẽ lên bởi đường cong cơ thể đầy quyến rũ của các vũ công đến từ các đoàn. Ẩn chứa trong đó tình yêu vô bờ với quê hương, đất nước, nhằm ca ngợi tinh thần lao động, chống ngoại xâm, phòng, chống thiên tai, bão lũ, xây dựng quê hương giàu đẹp… để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân An Giang nói riêng và khán giả truyền hình nói chung”.

An Giang là tỉnh có nhiều tôn giáo, sinh hoạt tín ngưỡng trong nhân dân rất đa dạng, phong phú. Nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều di tích lịch sử - văn hóa có sức hút mạnh mẽ. An Giang còn là vùng đất sở hữu những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc của 4 dân tộc cùng sinh sống là Kinh - Hoa - Khmer - Chăm. An Giang còn là quê hương của nhiều thế hệ nghệ sĩ, nghệ nhân đã và đang kế thừa, có những đóng góp thiết thực cho nền nghệ thuật nước nhà.

Cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội, An Giang luôn quan tâm triển khai công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, song song với tổ chức đa dạng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật, phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, nâng cao đời sống tinh thần nhân dân. Các liên hoan văn hóa - nghệ thuật quần chúng được tổ chức thường xuyên, thu hút đông đảo các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên và nhân dân tham gia.

Khen thưởng các tiết mục đạt huy chương vàng. Ảnh: H.H

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp cho rằng, lịch sử hình thành và phát triển của mỗi dân tộc, địa phương luôn có sự song hành của những nét văn hóa truyền thống độc đáo thể hiện thông qua các loại hình nghệ thuật, trong đó những đặc trưng, đặc điểm tiêu biểu của từng dân tộc thể hiện qua các điệu múa chính là một phần tạo nên bản sắc dân tộc trong văn hóa Việt Nam. Theo thời gian, những điệu múa dần trở thành một phần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, như: Phong tục, tập quán, đời sống văn hóa tâm linh và lễ hội...

Thời gian qua, nghệ thuật múa đã được các nghệ sĩ ở An Giang dàn dựng với nhiều tiết mục đặc sắc, chuyển tải các thông điệp ca ngợi vẻ đẹp của quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng của nhân dân... góp phần làm phong phú, nâng cao chất lượng cho nhiều chương trình biểu diễn. Hàng năm, tỉnh An Giang đều tổ chức liên hoan các nhóm múa nhằm phát huy giá trị của loại hình múa trong hoạt động nghệ thuật quần chúng từ tỉnh đến cơ sở.

“Đăng cai tổ chức Hội thi múa không chuyên toàn quốc năm 2022 là dịp để nhân dân và người yêu nghệ thuật ở An Giang được thưởng thức các tiết mục múa đặc sắc, tiêu biểu của các vùng miền trên cả nước. Đồng thời, cũng là dịp để An Giang quảng bá tiềm năng, thế mạnh về kinh tế, xã hội, văn hóa, lịch sử về vùng đất và con người An Giang đến bạn bè khắp mọi miền đất nước” - ông Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ.

Kể từ khi nghệ thuật múa ở Việt Nam hình thành và phát triển đến nay luôn hướng tới khắc họa sinh động đời sống văn hóa tinh thần, phong tục, tập quán, tín ngưỡng của cộng đồng ở từng vùng, miền. Các tiết mục tham gia hội thi lần này đã tôn vinh nét đẹp trong sự đa dạng, phong phú của nghệ thuật múa dân gian đặc sắc tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; qua đó, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian đặc sắc tiêu biểu của các dân tộc, vùng miền trên cả nước.

Điển hình là phần thi diễn của đoàn An Giang (do Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang dự thi các tiết mục múa: “Sắc màu phù sa”, “Linh thiêng hội Kỳ Yên”, “Giữ lửa hồn quê”, “Cung tơ vàng”); đoàn Thanh Hóa (do Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa dự thi các tiết mục múa: “Nét quê”, “Tình ca hòn Trống Mái”, “Nguồn cội”) và đoàn Gia Lai (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam Sam dự thi các tiết mục múa: “Tỏ tình đêm trăng”, “Vũ khúc H’ Pia”, “Khát vọng chồi sinh”, “Mừng nhà Rông mới”). Hình ảnh sinh hoạt đời thường, văn hóa vùng miền đi vào nghệ thuật múa đã được cách điệu, nghệ thuật hóa thông qua tài năng, sự sáng tạo của người nghệ sĩ… mang đậm dấu ấn đặc sắc, tiêu biểu.

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Nguyễn Công Trung cho rằng, hội thi nhằm tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc anh em trên khắp mọi miền đất nước thông qua nghệ thuật múa. Hội thi lần này hy vọng về nền nghệ thuật múa nước nhà phát triển rực rỡ, được xuất phát từ cơ sở thực tiễn đầy tiềm năng, bởi Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, mỗi dân tộc lại có những điệu múa dân gian đặc trưng mang đậm bản sắc riêng.

Đây còn là cơ hội để các nghệ sĩ, biên đạo múa được học hỏi, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, nhằm nâng cao trình độ, năng lực sáng tạo, dàn dựng và biểu diễn của các hạt nhân cơ sở; định hướng sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam trong phong trào văn hóa - văn nghệ, từng bước đưa nghệ thuật múa phát triển, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của nhân dân.

“Với sự chuẩn bị tích cực, chu đáo về cơ sở vật chất, trang thiết bị, cùng với sự nỗ lực của các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên không chuyên mang đến thành công cho hội thi, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả và bạn bè cả nước” - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Khánh Hiệp chia sẻ

 

 

HỮU HUYNH