Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước - Quốc hội khóa VI là một sự kiện lịch sử rất quan trọng thời bấy giờ. Quốc hội đã quyết định những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thời kỳ phát triển mới của dân tộc; quyết định về đường lối, chính sách của Nhà nước Việt Nam thống nhất; quyết định xây dựng Hiến pháp, về cơ cấu lãnh đạo của Nhà nước khi chưa có Hiến pháp mới, bầu các cơ quan đó để điều hành công việc chung của cả nước.
Trong 2 ngày (5 và 6-11-1975), Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ cùng đại diện các nhân sĩ, trí thức yêu nước, dân chủ đã mở hội nghị liên tịch (mở rộng) tại Sài Gòn. Hội nghị tiến hành thỏa thuận và nhất trí về sự cần thiết sớm hoàn thành thống nhất đất nước, trước hết về mặt nhà nước. Hội nghị đã đề xuất những nguyên tắc và biện pháp tiến hành hiệp thương giữa 2 miền Nam - Bắc, cử đoàn đại biểu miền Nam tham dự hội nghị hiệp thương với đoàn đại biểu miền Bắc.
Từ ngày 15 đến 21-11-1975, Hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn, nhất trí hoàn toàn mọi vấn đề thuộc về chủ trương, bước đi, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Từ tháng 2-1976, công tác tuyên truyền, vận động tiến tới tổng tuyển cử được triển khai.
Ông Ba Thành xem lại hình ảnh đoàn đại biểu Quốc hội An Giang gặp gỡ Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong một lần ra họp Quốc hội
Sau quá trình chuẩn bị, có tổng cộng 605 người ứng cử đại biểu Quốc hội trên cả nước trong cuộc bầu cử này. Đó là những người có nhiều thành tích trong chiến đấu, công tác và sản xuất, bao gồm các nhà hoạt động cách mạng lâu năm, các đại biểu công nhân, nông dân, quân nhân cách mạng, trí thức, văn nghệ sĩ, sinh viên, học sinh, đại biểu dân tộc thiểu số, các tôn giáo. Cuộc tổng tuyển cử phải đối mặt với nhiều khó khăn, khi đất nước vừa phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, để lại những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống của người dân.
Ở miền Nam, những tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, vẫn còn những hoạt động phá hoại của các thế lực phản động dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức vũ trang. Vậy mà, đến ngày bầu cử (25-4-1976), tỷ lệ cử tri bỏ phiếu hơn 23 triệu người (đạt 98,77% tổng số cử tri). Qua đó, có 491 đại biểu được bầu. An Giang có 12 vị đại biểu trúng cử.
Chúng tôi đến thăm cán bộ lão thành cách mạng Huỳnh Văn Điều (sinh năm 1933, bí danh Ba Thành, ngụ xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên). Ông là đại biểu Quốc hội của tỉnh An Giang khóa VI, người duy nhất còn sống trong tổng số 12 vị đại biểu của tỉnh. Lúc trở thành đại biểu Quốc hội, ông Ba Thành giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn.
Hiện giờ, dù bước sang tuổi 89, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng ông vẫn nhớ rõ từng chi tiết về nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội của mình. Không nhớ rõ sao được, khi rất nhiều vấn đề quan trọng đã được chính ông và các vị đại biểu bàn bạc, thống nhất biểu quyết tại nghị trường. Quốc hội đã thông qua nghị quyết về tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca...
Quốc hội quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; quyết định khóa Quốc hội được bầu trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 25-4-1976 là Quốc hội khóa VI nước Cộng hoà XHCN Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn-Gia Định là TP. Hồ Chí Minh. Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI (họp từ ngày 24-6 đến 3-7-1976 tại Hà Nội) đã bầu: Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Hữu Thọ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm 21 thành viên chính thức và 2 thành viên dự khuyết; Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh; Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng. Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa VI đã thông qua Hiến pháp năm 1980.
“Trước ngày bầu cử, ai nấy bàn tán xôn xao, nhất là về nhân sự ứng cử. Mọi người phấn khởi vô cùng, theo dõi diễn tiến cuộc bầu cử rất sát sao, dù không có điều kiện tiếp cận thông tin tuyên truyền mạnh mẽ như hiện giờ. Dân tin chính quyền, chính quyền dựa vào dân. Chính mỗi đại biểu Quốc hội trở thành chỗ dựa đáng tin cậy, với trọng trách vô cùng quan trọng. Bản thân tôi khi trúng cử đại biểu Quốc hội, cảm thấy rất mừng, phấn khởi, bởi điều đó minh chứng đất nước thống nhất, Việt Nam độc lập, chính mình được góp phần xây dựng đất nước sau giải phóng. Niềm tin về độc lập dân tộc càng vững chắc, không ai có thể lay chuyển được” - ông Ba Thành bày tỏ.
Vị đại biểu ấy từng vào sinh ra tử, chiến đấu ngoan cường trong chiến tranh, nhưng rất bỡ ngỡ khi ra Hà Nội lần đầu. Sau đó, ông nhanh chóng bắt nhịp với quá trình sinh hoạt, công tác mỗi khi được triệu tập về họp. Mỗi kỳ họp Quốc hội khoảng 17-18 ngày, với nhiều quyết sách được thông qua, đòi hỏi phát huy trí tuệ và trách nhiệm đến mức cao nhất.
Ông Ba Thành nhớ lại: “Những điều đã được biểu quyết đều là tâm nguyện chung của đất nước, của Nhân dân, vì vậy đại biểu rất phấn khởi, cảm nhận rõ nét thế nào là “đất nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Điều tôi không thể quên là đại biểu đại diện cho miền Nam được bầu làm Chủ tịch nước, đó là Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Khi ấy, cảm xúc của đoàn đại biểu Quốc hội An Giang như vỡ òa. Vinh dự, tự hào vô cùng, chẳng thể nào phôi phai...”.
Những cảm xúc ấy được ông gửi gắm lại cho chúng tôi, kỳ vọng được tái hiện vào ngày bầu cử 23-5.
GIA KHÁNH