Dấu ấn miếu Bằng Lăng

10/04/2023 - 07:14

 - Nằm lẩn khuất dưới những tán cây đại thụ, miếu Bằng Lăng là công trình kiến trúc độc đáo, mang đậm tín ngưỡng tâm linh của người dân thị trấn Chợ Vàm (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Ngoài giá trị tâm linh, khuôn viên miếu còn có 3 cây bằng lăng cổ thụ, với tuổi đời ngót nghét 300 năm và được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.

Huyền thoại linh thiêng

Theo hướng dẫn của người dân địa phương, tôi đến miếu Bằng Lăng trong buổi trưa hè oi ả. Dù trời nắng gắt nhưng khuôn viên miếu lại khá dễ chịu, bởi bóng mát của những tán cổ thụ già nua vẫn còn xanh tốt với thời gian. Về diện tích, miếu Bằng Lăng không quá lớn nhưng vẫn giữ được nét trang nghiêm. Bước vào trong, nội thất ngôi miếu khá đẹp mắt, với cột gỗ đen bóng loáng, những bao lam rồng phượng sơn son thiếp vàng và gian thờ chánh điện luôn nghi ngút khói hương.

Tôi gặp được ông Cao Thanh Hùng, Phó Ban Quản lý miếu Bằng Lăng, để tìm hiểu về lịch sử của điểm thờ tự linh thiêng này. Ông Hùng chậm rãi: “Nghe ông bà xưa kể lại, khi thuở vùng này còn hoang sơ thì gánh họ Phan từ miền Trung vào đây lập nghiệp. Trong đó, có 4 bậc kỳ lão mang theo tấm lụa rất đẹp, trên đó có vẽ 7 vị tiên nương tuyệt sắc.

Đặc biệt, vị ở giữa to lớn, xinh đẹp hơn hết chính là bà Thiên Y Tiên Nương. Những kỳ lão nói rằng đây là đất địa linh, có thể lập miếu thờ các vị tiên nương. Con cháu trong gánh họ lập miếu thờ, với tên gọi Miếu Bà Thiên Y vào năm 1859 bằng tre lá đơn sơ. Đến năm 1926, miếu được xây dựng với diện mạo như hiện nay, các lần trùng tu sau đó chủ yếu là tôn tạo, chứ không mở rộng diện tích thêm”.

Miếu Bằng Lăng là nơi tín ngưỡng linh thiêng của người dân thị trấn Chợ Vàm

Cũng theo ông Hùng, không chỉ con cháu gánh họ Phan, mà người dân địa phương cũng rất tin tưởng vào sự phù hộ của Thiên Y Tiên Nương đối với cuộc sống của họ. Hàng năm, Ban Quản lý miếu và người dân địa phương tổ chức lễ cúng Bà rất long trọng vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Khi đó, người dân khắp nơi nô nức đến thắp hương, cầu nguyện các vị tiên nương sẽ phù hộ cho quốc thới dân an, mùa màng tươi tốt.

“Miếu Bà đã tồn tại cùng nhiều thế hệ người dân Chợ Vàm hàng trăm năm qua. Dù không phải dịp cúng lệ, bà con cũng đến đây hàng ngày để gặp gỡ, chuyện trò và thắp hương các vị tiên nương. Như tôi, cũng đã theo giữ gìn khói hương tại miếu Bà gần 20 năm. Nhiều vị khách phương xa cũng đến đây để cầu nguyện những điều tốt lành trong cuộc sống” - ông Hùng cho hay.

Trong không gian tĩnh lặng buổi ban trưa, câu chuyện giữa chúng tôi càng thêm cởi mở. Thi thoảng, có người dân địa phương đến thắp hương. Họ vui vẻ chào tôi như người quen, dù chỉ mới gặp lần đầu. Lẩn khuất trong những tán lá trên cao, những con chim chíu chít hót làm cho không gian bình yên đến lạ. Mấy chùm hoa bằng lăng bung nở, điểm xuyết sắc tím vào màu xanh của lá. Vì khuôn viên miếu có 3 cây bằng lăng nên người ta quen gọi đây là miếu Bằng Lăng và cái tên dân gian này đã phổ biến hơn trăm năm qua.

Bằng lăng cổ thụ

Bên cạnh sự linh thiêng trong tín ngưỡng dân gian, miếu Bằng Lăng còn thu hút sự tò mò của du khách với 3 gốc bằng lăng hơn 300 tuổi vẫn đang tươi tốt. Theo ông Cao Thanh Hùng, nếu tính từ thời thủy tổ họ Phan đến đây lập nghiệp đã qua 9 đời thì 3 cây bằng lăng này có trước đó rất lâu.

“Bà nội tôi là con cháu họ Phan kể lại, ông bà xưa khi mới đến đây đã thấy cây bằng lăng cao lớn, sừng sững lắm rồi! Điều lạ là không biết có ai trồng hay không, mà 3 cây thẳng hàng nhau, dù cách đây 300 năm vùng này vốn hoang sơ, không dấu chân người. Tới bây giờ, mấy “ổng” vẫn tươi tốt để con cháu đời sau biết đến và đặt niềm tín ngưỡng” - ông Hùng kể tiếp.

Để chứng minh sự trường tồn của cây, ông Hùng chỉ những cây bằng lăng nhỏ đang vào mùa trổ bông tím rịm. Chúng là các thệ “hậu sinh” của 3 cây bằng lăng đại thụ, mà tuổi đời cũng khoảng 40 - 50 năm. Thời điểm cây trổ bông thì khu vực miếu Bằng Lăng rất đẹp. Khi đến gần, tôi nhận thấy bộ rễ cây phát triển mạnh với diện tích khá lớn. Trên thân, những mấu cây già nua lồi lõm dấu thời gian vẫn cứ trơ gan cùng mưa nắng. Đứng dưới những cây đại thụ này, mới thấy con người nhỏ bé, hữu hạn với thiên nhiên.

Những cây bằng lăng đại thụ tại miếu Bằng Lăng

Ông Trần Văn Quạnh, người dân địa phương, tranh thủ buổi trưa ra ngồi dưới bóng mát của cây. Ông cho biết đây là thói quen hàng ngày của mình. Bởi lẽ, khung cảnh không gian yên tĩnh, giúp ông thấy thoải mái và an nhàn. Hơn nữa, được ngồi dưới những cây cổ thụ giúp ông thấy cuộc sống mình thú vị hơn, vì cái tuổi 70 của mình chẳng thể so sánh được với mấy “ổng”.   

Năm 2018, 3 cây bằng lăng cổ thụ được công nhận là “Cây di sản Việt Nam” trong niềm tự hào của người dân địa phương. Với du khách, được trông thấy những cây đại thụ có tuổi đời hàng trăm năm cũng là điều thú vị khi đến miếu Bằng Lăng. Quả thực, cây bằng lăng rất dễ tìm thấy, nhưng một cây di sản có tuổi đời 300 năm thì hiếm có. Ngoài ra, xung quanh miếu Bằng Lăng còn có những loài cây khác cũng rất to lớn, khiến cho không gian lúc nào cũng mát mẻ, tạo cảm giác dễ chịu cho bất cứ ai ghé thăm.

Hiện nay, Ban Quản lý miếu Bằng Lăng đang cố gắng giữ gìn, bảo quản 3 cây di sản này để lưu truyền cho con cháu đời sau, như minh chứng cho công lao của tiền nhân từ thời khai khẩn. Hơn nữa, người dân, du khách mỗi dịp đến đây sẽ được biết đến những cây cổ thụ đặc biệt và miếu Bằng Lăng như một phần tín ngưỡng tâm linh của vùng đất Chợ Vàm - Phú Tân hàng mấy trăm năm.

THANH TIẾN