Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi có nguy cơ bị viêm màng não hay không? Triệu chứng đặc trưng của căn bệnh này là gì? (Nguyễn Minh Ly, 32 tuổi, TP.HCM)
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), viêm màng não là bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương, diễn biến nặng, có thể tử vong hoặc để lại di chứng. Tỷ lệ di chứng khoảng 30% nếu trẻ điều trị muộn.
Nguyên nhân phổ biến của viêm màng não ở trẻ là vi khuẩn HiB, phế cầu, não mô cầu… Ngoài ra, virus, ký sinh trùng, nấm cũng có thể gây bệnh.
Bệnh viêm màng não xuất hiện quanh năm nhưng thường tăng cao hơn vào mùa đông, dịp cận Tết. Giữa tháng 12, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM đã ghi nhận gần 20 trẻ nhập viện vì bệnh lý này. Trong đó, có nhiều trẻ mới 3 tháng tuổi, cũng có trường hợp đã 12 tuổi.
Khuẩn phế cầu, một trong những nguyên nhân gây viêm màng não. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Quy cho biết, triệu chứng của viêm màng não đôi khi gây nhầm lẫn với viêm họng, hô hấp, do trẻ than đau họng, sốt. Vì thế, phụ huynh cần nhận biết các dấu hiệu quan trọng để đưa trẻ đến viện kịp thời.
Cụ thể, ở trẻ lớn, nếu các em bị sốt, đau họng, than nhức đầu, buồn nôn hay nôn ói… cha mẹ cần nghĩ đến viêm màng não và đi khám ngay để xác định nguyên nhân.
Ở trẻ nhỏ, ngoài sốt, sổ mũi, cha mẹ cần để ý triệu chứng như li bì, khó đánh thức, nôn ói mà không phải do ho, trẻ bú kém, quấy khóc nhiều. Đặc biệt, nếu quan sát thấy thóp của trẻ sưng lên, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đây là dấu hiệu gợi ý của viêm màng não.
Viêm màng não là cấp cứu nội khoa, cần điều trị bằng kháng sinh kịp thời. Trẻ có thể bị di chứng vận động, yếu chân yếu tay, mất tri giác nếu nhập viện muộn.
Hiện nay, một số tác nhân gây viêm màng não đã có vắc xin phòng ngừa như HiB (có trong vắc xin 6 trong 1, 5 trong 1), vắc xin phế cầu, vắc xin não mô cầu… Bên cạnh tiêm chủng, cha mẹ cần tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát, cho trẻ ăn chín uống sôi và giữ vệ sinh tay chân.
Theo Vietnamnet