Đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT

10/04/2025 - 07:18

 - Giáo dục là động lực cốt lõi của tiến trình phát triển kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia. Đối với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của sự nghiệp giáo dục: “Nhiệm vụ của giáo dục là rất quan trọng và vẻ vang. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hóa”.

Theo PGS.TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, việc chăm lo cho giáo dục, nhất là định hướng nghề nghiệp cho thế hệ trẻ, chính là nhiệm vụ cấp bách cần đến sự hợp lực từ gia đình, nhà trường và xã hội. Không có sự kết nối chặt chẽ này thì không một nền giáo dục nào có thể phát triển bền vững. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, ngành giáo dục Việt Nam không chỉ đối mặt với thách thức về cạnh tranh quốc tế, mà còn đón nhận những cơ hội mới. Việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học và đào tạo nghề đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, tầm nhìn chiến lược, phương thức tổ chức hiệu quả và tinh thần hội nhập quốc tế. Hơn thế, mỗi quyết định của gia đình và người học liên quan đến lựa chọn ngành nghề, trường học, hay lộ trình phát triển, đều cần dựa trên cơ sở khoa học, không thể chỉ theo cảm tính. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng tại tỉnh An Giang và vùng Tây Nam Bộ, nơi mà việc đầu tư cho giáo dục và định hướng nghề nghiệp cấp THPT giữ vai trò then chốt, quyết định chất lượng nguồn nhân lực phát triển của vùng trong tương lai…

PGS.TS Võ Văn Thắng (Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tặng quà đại biểu tham dự hội thảo

Vừa qua, 2 trường đại học thành viên của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là Trường Đại học An Giang và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp cùng nhóm nghiên cứu thuộc đề án “Đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT của các hộ gia đình vùng Tây Nam Bộ - Trường hợp tỉnh An Giang”, mã số ĐA2024-18b-01 (của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT của các hộ gia đình vùng Tây Nam Bộ - Trường hợp tỉnh An Giang”.

Theo TS. Phan Anh Tú (Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), đầu tư giáo dục của mỗi hộ gia đình là yếu tố cốt lõi. Gia đình thường là nơi tư vấn, đưa ra quyết định đầu tiên sau khi học sinh tốt nghiệp THPT. Nếu các quyết định này thiếu sự hỗ trợ về thông tin khoa học, thiếu hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động, chắc chắn chúng ta sẽ lãng phí nguồn lực không nhỏ, ảnh hưởng đáng kể đến tương lai con em và làm chậm nhịp phát triển chung của địa phương. Qua hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về đầu tư giáo dục, xu hướng, đặc trưng định hướng nghề nghiệp mà các gia đình tại An Giang và vùng Tây Nam Bộ đang quan tâm. Làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về giáo dục gia đình, đầu tư giáo dục, định hướng nghề nghiệp ở miền Tây Nam Bộ. Đánh giá thực trạng, xu hướng phát triển việc đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT tại tỉnh An Giang và vùng lân cận, đặt trong mối quan hệ với nhà trường - ngành giáo dục - tổ chức xã hội. Thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp, đặc biệt là vai trò của Trường Đại học An Giang với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, ngành giáo dục và chính quyền địa phương…

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu, sinh viên, học sinh đã được nghe và nghiên cứu tham luận của PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng (giảng viên cao cấp Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) về “Đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp của phụ huynh dành cho con em đang học THPT ở tỉnh An Giang hiện nay”; TS. Lê Quang Vinh (Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng) tham luận “Một số vấn đề cần quan tâm nhằm thúc đẩy định hướng nghề nghiệp học sinh THPT trong các hộ gia đình ở vùng Tây Nam Bộ qua nghiên cứu thực trạng tỉnh An Giang”; ThS. Đặng Thị Kim Phượng (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu) tham luận “Định hướng nghề nghiệp cho học sinh Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu”…

Theo TS. Phan Anh Tú (Trưởng khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), giáo dục luôn là yếu tố then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội mỗi địa phương, nhất là ở khu vực Tây Nam Bộ - nơi có nhiều tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số mạnh mẽ, việc đầu tư cho giáo dục không chỉ ở cơ sở vật chất, mà cần tập trung định hướng nghề nghiệp đúng đắn cho thế hệ trẻ…

Nội dung hội thảo tập trung vào xác lập cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích yếu tố tác động vào đầu tư giáo dục và định hướng nghề nghiệp; xem xét thực trạng nhận thức của phụ huynh, chất lượng tư vấn nghề nghiệp, xu hướng đầu tư giáo dục trong bối cảnh hiện nay và tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm tìm giải pháp phù hợp…

 HỮU HUYNH