Những ngày đầu Xuân, ở Bắc Ninh rộn ràng lễ hội. Đặc biệt, người yêu Quan họ có thể cảm nhận đầy đủ các hình thức diễn xướng của loại hình nghệ thuật này trong các lễ hội như hát hội, hát thuyền, hát cửa đình, cửa chùa. Đặc biệt, du khách có thể tìm đến không gian riêng để nghe các canh Quan họ, thưởng thức những nét độc đáo và tinh túy nhất.
AA
Các liền anh, liền chị Quan họ hát thuyền tại hội Lim.
Độc đáo những canh hát cổ
Năm nào cũng vậy, cứ vào lễ hội Lim đầu tháng Giêng, anh hai, chị hai Quan họ lại cùng nhau tụ họp tại ngôi nhà của nghệ nhân Đỗ Văn Chiến (thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, huyện Tiên Du) để cùng say sưa những lời ca, tiếng hát, hòa mình vào lối chơi Quan họ truyền thống qua các buổi hát canh. Tại đây, canh hát quan họ cổ được phục dựng lại với đầy đủ lề lối. Giữa chiếu là những cơi trầu têm cánh phượng và chén trà thơm. Bằng lời ca, tiếng hát, họ trao cho nhau tâm tình và nỗi nhớ sau bao ngày dài không gặp.
Nghệ nhân Đỗ Văn Chiến đã tổ chức các canh hát Quan họ cổ hàng chục năm nay. Để tổ chức canh hát Quan họ (thường vào những dịp đặc biệt), ông sẽ mời các liền anh, liền chị ở các câu lạc bộ Quan họ kết bạn và những làng Quan họ cổ như Bồ Sơn, Thị Cầu, Đào Xá (thành phố Bắc Ninh) cùng những người bạn có niềm đam mê. Bởi vậy, ông luôn chuẩn bị chu đáo. Qua mỗi canh hát, những nghệ nhân gạo cội, người am tường các làn điệu, nhất là các làn điệu cổ sẽ truyền lại cho thế hệ sau. Đồng thời, các liền anh, liền chị có cơ hội giao lưu, học hỏi, thể hiện vốn Quan họ của mình.
Nghệ nhân Nhân dân Tạ Thị Hình (Câu lạc bộ Quan họ Bồ Sơn, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh) dù đã ngoài 80 tuổi nhưng giọng ca vẫn vang, rền, nền, nảy. Với vốn hàng trăm làn điệu cùng nhiều làn điệu cổ, bà với vai trò hạt nhân trong buổi hát canh đã giúp canh hát càng thêm cổ. Nghệ nhân Nhân dân Tại Thị Hình chia sẻ, từ nhỏ, bà đã biết đến các làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm. Ngày đó, các cụ dù ở nhà, ra đồng, đi chơi, đi hội đều ca Quan họ. Ngày đi làm, đến đêm những người yêu Quan họ lại cùng nhau hát giao lưu, “chơi” Quan họ với các làng khác.
Ấn tượng nhất vẫn là các canh hát Quan họ. Theo truyền thống, hát canh được tổ chức vào ban đêm, từ 19 - 21 giờ là canh một; 21 - 23 giờ là canh hai; 23 - 1 giờ là canh ba; 1 - 3 giờ là canh tư; 3 giờ - 5 giờ là canh năm. Nét đặc trưng của hát canh Quan họ Bắc Ninh là các liền anh, liền chị ngồi xuống chiếu hát đối đáp theo cặp nam-nam, nữ- nữ. Người hát không cần loa, không nhạc nhưng giọng hát chậm rãi, vang, rền, nền, nảy làm xao động lòng người. Mỗi buổi hát canh bắt buộc phải ca đủ ba chặng. Chặng thứ nhất, các liền anh, liền chị ca giọng lề lối năm trên, năm dưới; chặng thứ 2 là ca các giọng vặt giọng lẻ, hát giao duyên; chặng cuối diễn ra khi trời đã về sáng, có tên gọi là “giọng giã bạn” gồm các câu hát dùng dằng chẳng muốn rời xa và mong được ngày tái ngộ...
Theo nghệ nhân Nhân dân Tạ Thị Hình, trong mỗi buổi hát canh, liền anh, liền chị không chỉ ca lời ca, tiếng hát mà duy trì lối “chơi” Quan họ thông qua trang phục, lời ăn tiếng nói, cư xử văn hóa… Người Quan họ thường “ăn nửa miếng, nói nửa lời”, xưng hô với nhau là anh hai, chị hai, anh ba, chị ba, luôn khiêm tốn, nhã nhặn…
Lưu giữ cho muôn đời sau
Liền anh, liền chị hát theo cặp, đối đáp với nhau trong buổi hát canh tổ chức tại nhà anh hai Đỗ Văn Chiến, làng Lũng Giang, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. VN
Ngày nay, tục hát canh Quan họ không còn được diễn ra hằng ngày hay thường xuyên trong các buổi sinh hoạt Quan họ mà chỉ tổ chức trong một số buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ, hội hè, đình đám, giao lưu giữa các câu lạc bộ, liền anh, liền chị. Tuy nhiên tục hát canh nhưng vẫn giữ được yếu tố truyền thống, nét độc đáo riêng.
Liền anh Nguyễn Hữu Viêm (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Quan họ làng Lũng Giang, thị trấn Lim, huyện Tiên Du) cho biết, là làng quan họ gốc nên các thành viên trong câu lạc bộ đã quen với lối sinh hoạt văn hóa Quan họ của cha ông. Bởi vậy, văn hóa Quan họ như mạch nguồn ăn sâu, bám rễ vào những thành viên nơi đây. Đến nay, mỗi người đều có vốn hàng trăm bài Quan họ, biết ca đủ lối, đủ câu vừa tinh tường nghề chơi vừa hiểu biết sâu sắc mọi phong tục và sự cầu kỳ trong phép tắc ứng xử, giao tiếp.
Đến nay, câu lạc bộ với hàng chục thành viên ở các lứa tuổi từ thiếu nhi đến những người trung niên, cao tuổi, mỗi tháng sinh hoạt đều đặn 2 lần; trong đó có tổ chức các canh hát tại nhà chứa Quan họ. Ngày xưa hát canh để thỏa nỗi nhớ nhung, giãi bày tình cảm của người Quan họ với nhau. Ngày nay, hát canh còn là thực hành, trình diễn canh hát cổ, góp phần lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau về nét đặc sắc của dân ca Quan họ Bắc Ninh. Các liền anh, liền chị cần hội đủ 8 chữ “vang, rền, nền, nảy” trong cách ca, và “lời, ăn, nết, ở” của người Quan họ. Lời ca mộc mạc, không nhạc đệm nhưng gửi gắm bao tâm tình. Đó là cách người Quan họ trò chuyện với nhau. Càng về khuya, câu hát càng thêm da diết, như lưu luyến, bịn rịn chẳng muốn ra về để rồi câu Quan họ cứ vang mãi, hẹn đến mùa hội sau.
Ông Đỗ Duy Cường (du khách đến từ Hà Nội) cho biết, năm nào vào mùa lễ hội, ông cũng về Bắc Ninh để thưởng thức canh hát Quan họ cổ. Không ồn ào như hát hội, hát thuyền, khi nghe hát canh, ông mới thấm được hết nét tinh túy của dân ca Quan họ. Ông không chỉ nghe lời bài hát mà còn được xem lối cư xử, trang phục, lời ăn tiếng nói của người Quan họ; đặc biệt là những làn điệu cổ với ý nghĩa thâm sâu. Qua đó, góp phần làm giàu thêm văn hóa Việt. Ông mong muốn, những buổi hát canh sẽ được tổ chức nhiều hơn để không chỉ liền anh, liền chị có thêm sân chơi mà cũng là phương pháp hữu hiệu trong bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: