Nơi đây không chỉ có bờ biển dài mở ra ở phía Đông, cửa ngõ nối liền vùng trọng điểm kinh tế Đông Nam bộ - Tây Nguyên, mà còn là địa bàn nằm giữa tam giác du lịch Phan Thiết – Nha Trang – Đà Lạt, nên có nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển kinh tế du lịch, trong đó có tiềm năng kinh tế biển.
Vùng biển Ninh Thuận giàu tiềm năng du lịch bởi nhiều dãy núi đá chồm mình vươn ra phía biển kiến tạo những vịnh, vũng, cồn đậm chất thiên nhiên kết nối nhiều bãi tắm tuyệt đẹp bên dải cát trắng mịn màng, nước biển trong vắt có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chữ.
Ba điểm đến trong hành trình du lịch biển ở Ninh Thuận cuốn hút du khách là vịnh Vĩnh Hy, biển Bình Tiên - Hang Rái ở xã Vĩnh Hải và bãi biển Ninh Chữ ở xã Khánh Hải – huyện Ninh Hải.
Vịnh Vĩnh Hy – một trong những địa điểm hấp dẫn du khách ở Ninh Thuận .
Với bờ cát trắng uốn lượn vòng cung 10km, Ninh Chữ được coi là một trong những bãi biển đẹp nhất nước, trong đó vịnh Vĩnh Hy là bức tranh cực đẹp bởi thiên nhiên tạo tạc nơi này một cảnh quan độc đáo với quần thể hài hòa từ những bãi tắm sạch đẹp đến dãy núi đá chất chồng lên nhau và những hang động, núi rừng hoang sơ nối tiếp Vườn quốc gia Núi Chúa…
Để biến tiềm năng thành lợi thế, Đảng bộ và chính quyền Ninh Thuận đã xác định phát triển kinh tế biển và vùng ven biển là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của địa phương.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Tạ Duy Ánh – Chánh Văn phòng Sở VH-TTDL Ninh Thuận cho biết, nếu như năm 2016 địa phương này có 1,7 triệu lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tổng doanh thu đạt được 752 tỷ đồng thì năm 2017 con số du khách tham quan, nghỉ dưỡng đã tăng lên 1,9 triệu lượt người, đạt 101,5% so với kế hoạch, tăng 17,73% so với cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu ước tính 883 tỷ đồng.
Những năm gần đây Ninh Thuận đã thu hút gần 50 dự án đăng ký đầu tư du lịch dịch vụ với số vốn gần 20.000 tỷ đồng, trong có hơn 20 dự án đã hoạt động.
Đề cập đến kinh tế biển, ông Đặng Văn Tín – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết: “Nếu như năm 1992 địa phương này chỉ có 1.022 tàu cá với tổng công suất 15.900 CV thì đến cuối năm 2017 Ninh Thuận đã có 2.773 tàu cá với tổng công suất 350.442 CV, trong đó tàu cá có đủ năng lực vươn khơi đánh bắt xa bờ có 1.037 chiếc với tổng công suất 307.831 CV. Sản lượng khai thác hải sản tăng nhanh, năm 2017 lên tới 98.500 tấn, đạt 115,79% kế hoạch năm 2017 và bằng 117,90% so với cùng kỳ năm trước".
Bên cạnh khai thác, hoạt động nuôi trồng thủy sản ở Ninh Thuận cũng được chú trọng phát triển từ tôm thương phẩm, tôm hùm đến cá mú, cá bớp, ốc hương, hàu, ghẹ…
Hệ thống kết cấu hạ tầng bến cá và dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển mạnh, tỉnh Ninh Thuận lần lượt đầu tư gần 103 tỷ đồng xây dựng 3 cảng cá Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân đảm bảo phục vụ nhu cầu hoạt động của hơn 21.000 lượt tàu cá cập cảng…
Những con số nêu trên là kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, tiềm năng kinh tế du lịch và thủy sản ở Ninh Thuận chưa được khai thác hết hiệu quả, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa đầu tư đúng mức, nhiều dự án “đắp chiếu”, bỏ dở hoặc triển khai quá chậm, số lượng du khách và tổng doanh thu còn thấp, các hoạt động dịch vụ du lịch còn đơn điệu, nguồn nhân lực phát triển du lịch chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…
Năm 2018 Ninh Thuận nỗ lực khắc phục tồn tại, triển khai đồng bộ nhiều biện pháp thu hút đầu tư bền vững để vươn ra biển, đổi mới và phát triển kinh tế từ biển.
Theo PHAN VĂN LƯƠNG (Công An Nhân Dân)