Đẩy mạnh thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ

11/10/2022 - 07:08

 - Thời gian qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đưa vào chương trình, nghị quyết, hành động cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ học tập, lao động, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, góp phần nâng cao vị thế người phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực và mọi mặt của đời sống xã hội.

Hoạt động “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại huyện An Phú. Ảnh: GIA KHÁNH

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) An Giang Châu Văn Ly, thời gian qua, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh An Giang đã lãnh, chỉ đạo bằng việc ban hành các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh.

Sở LĐ-TB&XH là cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tỉnh An Giang, đã cùng các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương chủ động phối hợp xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch... thực hiện công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới tại đơn vị, địa phương. Đến nay, toàn tỉnh đã nhân rộng được 675 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 597 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và duy trì tốt 392 địa chỉ tin cậy cộng đồng.

Các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình ở huyện, thị xã, thành phố đang được duy trì, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng theo quy định, số người tham dự sinh hoạt từ 25-35 người/câu lạc bộ. Công tác tư vấn, hòa giải hôn nhân và gia đình được triển khai thực hiện có hiệu quả thông qua hoạt động của Trung tâm Tư vấn, hỗ trợ hôn nhân và gia đình.

Tỉnh đã thực hiện mô hình “Sức khỏe của bạn” năm 2021 tại 2 doanh nghiệp có đông lao động nữ; triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến và vận động nhân dân vùng dân tộc, tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng... thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và của tỉnh liên quan đến bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ. Duy trì mô hình “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của của bạo lực trên cơ sở giới” tại các huyện: Chợ Mới, An Phú, Tri Tôn và Tịnh Biên nhằm hạn chế tình trạng bạo lực, giúp mọi người nâng cao ý thức về bình đẳng giới, cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ và bình đẳng.

Năm 2022, tỉnh đã nhân rộng thêm 9 địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh ở các xã nông thôn mới theo lộ trình tại các huyện: An Phú, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới và TX. Tân Châu. Đến nay, đã có 79 mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ bảo trợ trẻ em tỉnh An Giang đã kết nối Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111, đường dây nóng 18008077, thực hiện mô hình cung cấp dịch vụ bình đẳng giới, thực hiện nhiệm vụ bình đẳng giới, mua bán phụ nữ và phòng, chống bạo lực gia đình.

Qua đó, đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi nhằm thực hiện bình đẳng giới, giảm khoảng cách giới, từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực, ngành, vùng, địa phương có bất bình đẳng giới hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, giảm dần số vụ bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ và thực hiện bình đẳng giới được thể hiện rõ nét trong việc thực hiện và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, giáo dục, y tế... Theo đó, công tác cán bộ nữ được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, ngành chú trọng hơn từ khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến khâu bố trí, đề bạt cán bộ nữ, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số. Tỷ lệ phụ nữ An Giang tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo ngày càng tăng, góp phần từng bước giảm dần khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Hiện nay, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có 8/49 người là nữ (chiếm 16,3%), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có 2/9 người là nữ (chiếm 22,22%), HĐND cấp tỉnh có 11/61 người là nữ (chiếm 18,03%), HĐND cấp huyện có 94/373 người là nữ (chiếm 25,2%)...

Tại buổi làm việc tại An Giang, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Hà đã biểu dương và đánh giá cao những kết quả tỉnh đã đạt được trong triển khai công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới thời gian qua. Thứ trưởng đề nghị thời gian tới, An Giang cần chủ động thực hiện các nghị định, quyết định, chương trình, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới của Trung ương. Chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương, các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới, đặc biệt là vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội.

Tiếp tục duy trì và nâng chất các mô hình về bình đẳng giới, phụ nữ khởi nghiệp; đào tạo nghề cho phụ nữ vùng biên, vùng dân tộc thiểu số… nhằm hỗ trợ thúc đẩy phụ nữ phát triển trong các lĩnh vực. Xây dựng các giải pháp mang tính chiến lược đối với công tác cán bộ nữ phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Cần chú trọng hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển và sử dụng cán bộ nữ. Đồng thời, tiếp tục quan tâm thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

TRỌNG TÍN