Để học sinh phát triển toàn diện

07/01/2018 - 16:36

Đổi mới giáo dục đòi hỏi người thầy đổi mới phương pháp giảng dạy, giáo dục đạo đức học sinh cần thay đổi để phù hợp với xã hội và tâm lý học sinh. Để mỗi hình thức phạt đưa ra phát huy được tác dụng tích cực, giúp học sinh phát triển toàn diện là cả một bài toán không dễ giải đối với mỗi người thầy.

Phạt tích cực

Nhiều năm trước đây, một trong những hình thức kỷ luật hay còn gọi là phạt mà các thầy cô hay áp dụng đối với học trò đó là chép phạt. Viết xấu chép phạt, quên vở chép phạt, chưa làm bài đầy đủ chép phạt, chép bài thiếu, chữ xấu, làm sai và thậm chí mắc lỗi nói chuyện cũng chép phạt.

Tùy theo mỗi giáo viên mà việc chép phạt diễn ra nặng hay nhẹ. Có khi chép phạt 1-2 trang giấy có khi chép cả 5-10 trang giấy. Mục đích của hình thức phạt này giúp học sinh nhận ra lỗi sai và nhớ để lần sau không vi phạm.

Tới nay hình thức này không quá phổ biến trong quá trình giáo dục giúp học sinh tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều giáo viên áp dụng, thậm chí phổ biến ở một số trường học như một hình thức kỷ luật hữu ích.

Hễ mắc lỗi học sinh sẽ trở thành máy chép, lỗi nhẹ thì phạt nhẹ, lỗi nặng thì phạt nặng, phạt tiếp nếu học sinh chưa có sự tiến bộ.

Sự lạm dụng hình thức phạt đã và đang tỏ ra không thích hợp và đem lại hiệu quả trong quá trình giáo dục. Nhiều học sinh bậc THPT khi được hỏi đã nói từng chịu thực hiện hình thức kỷ luật này tuy nhiên các em cho rằng thầy cô biến mình thành máy chép phạt không thể giúp các em mau tiến bộ mà chỉ khiến mất thời gian học tập, vui chơi mà thôi.

Các em cũng nói rằng: Hình thức chép phạt với số lượng nhiều có khi còn phản tác dụng đến học sinh bởi nhiều bạn sẵn sàng đối phó với hình phạt ấy bằng cách đi nhờ hoặc thuê bạn chép hộ, nghỉ học một vài tiết để không phải hoàn thành kỷ luật.

Nhiều học sinh cho rằng các em ám ảnh với kiểu phạt đó. Một học sinh lớp10 kể: Lớp em cứ mỗi lần thiếu bài tập về nhà cô đều bắt làm bản kiểm điểm có chữ ký của phụ huynh.

Đôi khi chúng em vì không hiểu, không làm được chứ không phải vì lười mà không làm bài nên chịu phạt cũng ấm ức. Đáng nói, thời gian đầu bạn nào cũng lo ngại vì phải đưa bố mẹ ký nhưng nhiều bạn cùng mắc lỗi và mắc lỗi nhiều lần mà cô chỉ thu lại bản kiểm điểm, không kiểm tra kĩ nên các bạn biết và toàn nhờ nhau ký hộ thay phụ huynh.

Các bạn không còn quá lo lắng mỗi khi không làm bài vì có vi phạm thì cùng lắm là làm bản kiểm điểm rồi nhờ bạn khác ký.

Quả thực, đã là học sinh thì khó tránh được một vài lần không vi phạm một lỗi nào đó. Nếu bị đẩy vào hình phạt thiếu hợp lý, tạo ra áp lực nhất định chắc chắn học sinh sẽ nghĩ ra cách để đối phó, thậm chí nhiều em còn ao ước thày cô cho luôn điểm không để khỏi chép phạt, hoặc tiêu cực hơn các em sẵn sàng trốn học, bỏ tiết để khỏi phải đối diện với hình thức phạt.

Cứ mắc lỗi thì chép phạt, làm bản kiểm điểm nhiều lần, có chữ ký phụ huynh chẳng có tác dụng nhiều nếu như không nói chỉ gây tốn thời gian học tập trên lớp hoặc lao động ở nhà của học sinh.

Nói về hình thức phạt sao cho hợp lý và mang tính giáo dục hiệu quả nhiều thầy cô chia sẻ: giáo viên có thể bắt các em chép phạt lại một vài công thức toán để các em mau thuộc thì có thể được.

Còn vì thiếu bài, chữ xấu, mắc lỗi mà bắt chép phạt, chép trả nợ thì không cần thiết và phù hợp. Bắt chép phạt không đúng không những không có tác dụng mà còn ảnh hưởng xấu đến sự phát triển nhân cách của học sinh bởi những ám ảnh của hình phạt. Mặt khác, bắt học sinh chép phạt một cách vô lối và quá nhiều cũng như một hình thức bạo lực tinh thần...

Thực tế cũng cho thấy, chép phạt không phải là hình thức kỷ luật tích cực trong mọi trường hợp mà chỉ khiến học sinh khiếp sợ học tập hơn. Điều mỗi thầy cô giáo cần làm là giúp học sinh nhận ra lỗi lầm để rồi giúp các em có quyết tâm sửa chữa.

Phạt không đúng cách, không mang lại hiệu quả giáo dục chứng tỏ sự thất bại của người dạy đối với người học, hay nhìn nhận sâu hơn bởi giáo viên thiếu năng lực, phương pháp sư phạm nên áp dụng hình phạt một cách thiếu khoa học, hợp lý.

Giáo dục hiệu quả với kỷ luật tích cực

Với những nghiên cứu và điều tra cụ thể tại một số trường học cho thấy, dù ở đâu, kỷ luật áp đặt từ bên ngoài cũng chỉ tạo ra ở học sinh những hành vi nghiêm trọng hơn mà người lớn càng không thể chấp nhận được.

Ngay cả khi các quy tắc, những hình thức kỷ luật đạt được mục đích thì nó cũng không khác gì cơ chế kích thích - phản ứng; nghĩa là những thay đổi mà nó tạo ra được ở học sinh chỉ có tính chất cơ học và luôn luôn đòi hỏi kích thích củng cố, khi không được kích thích nữa hoặc kích thích yếu dần đi thì phản xạ tập nhiễm cũng mất đi.

Nếu áp đặt luật lệ với học sinh, ngay khi giáo viên lơ là các em sẽ không tự giác, thậm chí lặp lại chính những hành vi bị cấm đoán. Chỉ khi nào học sinh có được kỷ luật của riêng mình khi ấy các em mới trở thành những cá nhân độc lập và kiểm soát đựơc bản thân.

Khi học sinh được áp dụng phương pháp tự kỷ luật thì trung tâm chế ngự của các em sẽ trở nên hướng nội. Tự kỷ luật sẽ giống như cơ chế tự điểu chỉnh để các em tự thích nghi. Tự kỷ luật là cốt lõi giúp học sinh thực sự thay đổi hành vi và ứng xử hợp lý.

Mỗi hành vi hay thái độ không chuẩn mực của học sinh cần được hiểu bằng một thái độ tôn trọng, một cách khách quan, trung lập và công bằng, xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân và biểu hiện rồi mới đi đến quyết định xử lý.

Mỗi người thầy cũng cần tỉnh táo nhìn nhận rõ bản thân để không định kiến, chụp mũ từ đó có những biện pháp, hình thức kỷ luật phù hợp nhất giúp học sinh sửa chữa, tiến bộ thay vì chỉ để trừng phạt lỗi lầm nhất thời

Để phát triển tính tự kỷ luật hay tự quản của học sinh, nhà trường và thầy cô giáo cần trao cho các em vai trò chủ động, để các em cùng tham gia vào việc xây dựng quy tắc, nội quy, giám sát quá trình thực hiện luật lệ cũng như đưa ra hình thức chịu trách nhiệm nếu không thực hiện đúng những gì mình đã cùng thiết lập.

Các thầy cô giáo cần kiên trì và khoan dung trước những hành vi hoặc thái độ không chuẩn mực của học sinh. Mỗi khi vấn đề nảy sinh, điều quan trọng không phải là giải quyết nó ngay lập tức mà là nên tìm hiểu xem vì sao, do sự thiếu hụt nào mà học sinh xử sự như vậy, tìm hiểu nguyên nhân đứng ngầm ẩn đằng sau hành vi của học sinh.

Cần hiểu rằng, mỗi khi học sinh làm điều gì đó không thích hợp, điều đó có nghĩa các em chưa được thoả mãn về mặt nào đó. Hãy thấu cảm và kiên nhẫn để tìm ra phương pháp kỷ luật phù hợp nhất với từng lỗi lầm của học sinh. Hãy giúp các em tự kỷ luật để bản thân chủ động tiến bộ thay vì trừng phạt lỗi lầm.

Phạt bằng cách nào là cả một nghệ thuật đòi hỏi có sự đầu tư suy nghĩ của người thầy. Mỗi cách phạt như một bài giảng, một phương pháp giáo dục cần phát huy tính tích cực thay vì phản tác dụng. Phạt không đúng cách, không thể giúp học sinh hiểu bài hay ngoan hơn mà còn đẩy các em đến sự chán ghét môn học, chán ghét người dạy.


Theo NGỌC HÀ (Giáo dục & Thời đại)