Để môn Lịch sử hấp dẫn và thiết thực

06/05/2022 - 08:48

Theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, từ năm học 2022 - 2023, bắt đầu từ khối lớp 10, Lịch sử sẽ là môn học tự chọn giống các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ… Ðiều này tạo ra những phản ứng khác nhau trong xã hội, và là chủ đề được nhiều bậc phụ huynh hết sức quan tâm.

Cô Nguyễn Thị Huyền Thảo giáo viên Trường trung học phổ thông chuyên Trần Ðại Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với học sinh trong giờ học môn Lịch sử. (Ảnh TTXVN)

Trong các môn học ở bậc phổ thông, Lịch sử luôn là môn học được coi trọng trong tâm thức cộng đồng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về vấn đề này rất dễ hiểu và thiết thực: "Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam". Trên thế giới, ở bình diện chung, lịch sử cũng luôn được coi là một trong những kiến thức quan trọng mà mỗi cá nhân cần trang bị cho mình; thậm chí trong bài thi cấp quyền công dân, quốc tịch cho các cá nhân đến sinh sống ở một số quốc gia thì lịch sử luôn là môn kiểm tra bắt buộc cùng với ngôn ngữ và văn hóa của quốc gia ấy.

Quay lại vấn đề Lịch sử trở thành môn học tự chọn trong khối phổ thông trung học đang làm "nóng" dư luận và hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Có thể thấy đông đảo nhất là quan điểm phản đối đưa môn Lịch sử thành môn tự chọn vì lo ngại rằng, làm như vậy học sinh sẽ càng xa rời môn học, các em sẽ lựa chọn môn học khác và môn Lịch sử sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu trong sự lựa chọn thông thường.

Những ý kiến khác thì cho rằng Lịch sử là một môn khoa học đơn thuần giống như các môn học khác và sự lựa chọn này tùy theo khả năng và sở trường của học sinh. Bình tĩnh và khách quan thì thấy lúc này môn Lịch sử được xếp ngang hàng và bình đẳng với các môn như Vật lý, Sinh học, Hóa học, Công nghệ,… những môn học cũng hết sức thiết thực với cuộc sống hằng ngày và có ý nghĩa trong định hướng nghề nghiệp của học sinh. Nếu Lịch sử không phải là môn tự chọn cùng các môn khác như đã nêu ở trên, thì môn nào sẽ phải thế vào vị trí đó, trong khi chúng ta đang kỳ vọng vào việc giảm tải chương trình và tiến tới mục tiêu học theo năng lực, sở trường và định hướng nghề nghiệp?

Tất nhiên sự lo ngại của dư luận xã hội là chính đáng và có cơ sở. Thẳng thắn nhìn nhận rằng môn Lịch sử đã không được kỳ vọng như tâm thức cộng đồng, cũng như chưa được quan tâm nhiều của chính các em học sinh. Môn Lịch sử không phải là sự lựa chọn số một của nhiều học sinh. Lý do đầu tiên liên quan đến vấn đề thi cử và nghề nghiệp. Môn Lịch sử nằm trong tổ hợp các môn xã hội nhưng ở thời điểm hiện tại, không nhiều trường đại học, cao đẳng có các ngành học chấp nhận tuyển sinh thí sinh thi tổ hợp các môn có tích hợp Lịch sử, nếu so sánh với các môn như Toán, Văn hay Ngoại ngữ.

Vấn đề thứ hai cần được đề cập đó là môn Lịch sử trong trường phổ thông đã thật sự hấp dẫn và thiết thực chưa? Nếu giở cuốn sách giáo khoa lịch sử đang được giảng dạy mấy chục năm qua thì dễ thấy rằng chúng cơ bản còn khô khan và cứng nhắc; chủ yếu là các sự kiện và con số; các câu hỏi hướng dẫn học ít tính gợi mở hoặc tạo ra các khả năng thảo luận. Một môn học, để thu hút được học sinh thì ngoài tính thực dụng của nó (phục vụ cho thi cử, nghề nghiệp) thì cần hấp dẫn ở chính nội tại của mình. Một giáo trình khô cứng, thiếu sự tương tác và gợi mở thì khó lòng hấp dẫn được người học.

Vấn đề quan trọng tiếp theo là ở phía người dạy. Thực tế những môn học dù trừu tượng và khó hiểu như triết học nhưng nếu được các thầy cô giàu kinh nghiệm, có kiến thức, tâm huyết và cách truyền đạt sinh động thì luôn thu hút được học sinh. Môn Lịch sử thực ra có những điều kiện thuận lợi để biến nó sinh động dễ dàng hơn các môn học khác nhưng vấn đề cách giảng dạy hiện nay đã làm được điều đó hay chưa là điều rất cần phải suy nghĩ.

Mặt khác, về mặt quản lý hành chính, việc quy định khung chương trình của Bộ Giáo dục và Ðào tạo căn cứ trên các quan điểm đã được Ðảng và Nhà nước đặt ra cho ngành giáo dục, như Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã nêu rõ rằng: "Xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn". Như vậy, việc "tinh gọn, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn" là chủ trương của Nhà nước và là xu hướng tất yếu.

Hiện tại những môn học bắt buộc theo khung chương trình mới của Bộ Giáo dục và Ðào tạo là 7 môn bao gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, Giáo dục địa phương và 5 môn tự chọn theo tổ hợp là các môn còn lại. Theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 thì môn Lịch sử đã được học bắt buộc từ năm lớp 1 cho đến lớp 9 theo kiểu tích hợp hoặc độc lập. Càng ở các cấp học cao hơn, các em học sinh càng không thể học quá nhiều môn và dàn trải và "nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương", "chương trình môn Lịch sử và Ðịa lý không thay đổi về thời lượng so với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006" và "ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện" (thông cáo báo chí của Bộ Giáo dục và Ðào tạo ngày 23/4/2022 gửi các cơ quan báo chí về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới). Trong bối cảnh này chúng ta đều biết ngành giáo dục cũng như toàn xã hội đều yêu cầu giảm tải, giảm gánh nặng chương trình cho học sinh và biến việc học tập có ý nghĩa thực tế hơn, học tập là công việc suốt đời.

Thêm một văn bản nữa để chúng ta tham khảo ngành giáo dục đã có kế hoạch như thế nào với những thay đổi này, đó là Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDÐT ngày 26/12/2018 nêu rõ: "Chương trình giáo dục phổ thông bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục với những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại; hài hòa đức, trí, thể, mỹ; chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống; tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh, các phương pháp đánh giá phù hợp với mục tiêu giáo dục và phương pháp giáo dục để đạt được mục tiêu đó".

Trong khung chương trình này, môn Lịch sử được đưa ra các đặc điểm sau: "Lịch sử là môn học thuộc nhóm Khoa học xã hội, được lựa chọn theo định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học phổ thông. Môn Lịch sử có sứ mệnh giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực lịch sử, thành phần của năng lực khoa học đồng thời góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất chủ yếu và năng lực chung được xác định trong Chương trình tổng thể. Môn Lịch sử giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, truyền thống lịch sử và văn hóa dân tộc, giúp học sinh nhận thức và vận dụng được các bài học lịch sử giải quyết những vấn đề của thực tế cuộc sống, phát triển tầm nhìn, củng cố các giá trị nhân văn, tinh thần cộng đồng, lòng khoan dung, nhân ái; góp phần hình thành, phát triển những phẩm chất của công dân Việt Nam, công dân toàn cầu trong xu thế phát triển của thời đại. Môn Lịch sử hình thành, phát triển cho học sinh tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại".

Trong định hướng mục tiêu này, ngoài những thành tố kinh điển đương nhiên của giáo dục, còn chú trọng việc giúp cho học sinh "hình thành, phát triển cho học sinh tư duy lịch sử, tư duy hệ thống, tư duy phản biện, kỹ năng khai thác và sử dụng các nguồn sử liệu, nhận thức và trình bày lịch sử trong logic lịch đại và đồng đại, kết nối quá khứ với hiện tại". Với triết lý giáo dục này, nếu làm tốt sẽ khiến môn Lịch sử thật sự trở nên hấp dẫn hơn; học sinh học lịch sử không phải hoàn toàn do ép buộc mà các em sẽ thu được những lợi ích thiết thực qua môn học để dùng cho việc giải quyết những vấn đề trong cuộc sống, công việc, cũng như xứng đáng là con dân của nước Việt, có hiểu biết và kiến thức cơ bản về lịch sử dân tộc.

Tôi đã tham khảo một số giáo viên đang dạy môn Lịch sử ở các trường phổ thông và họ đều đánh giá rằng chương trình sách giáo khoa lịch sử mới có nhiều điểm hấp dẫn, thiết thực và cởi mở hơn so với bộ sách cũ. Ðó là những điều kiện để việc giảng dạy và học tập môn Lịch sử hiệu quả hơn. Việc đưa môn Lịch sử là môn tự chọn chắc chắn là điều khó khăn cũng như chịu áp lực của các luồng đánh giá khác nhau. Nếu có một chính sách khuyến khích thực tế để môn Lịch sử được nhiều trường đại học, cao đẳng, dạy nghề chọn làm môn cơ sở tuyển sinh, đồng thời có những bộ sách giáo khoa tốt và những người thầy tâm huyết, say mê thì tự nhiên môn học sẽ được yêu thích và được lựa chọn ■

Theo UÔNG TRIỀU (Nhân Dân)