Đề nghị truy tố 54 bị can trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

05/04/2023 - 09:07

Kết thúc điều tra vụ án 'chuyến bay giải cứu', đề nghị truy tố 54 bị can; Khám xét 3 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Tổ chức OPEC+ nhất trí theo đuổi các mục tiêu về sản lượng… là những tin tức đáng chú ý trong ngày 4/4.

Vụ án Bộ Ngoại giao: Đề nghị truy tố nguyên 2 Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và 52 bị can

Thông tin từ Bộ Công an ngày 4/4 cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết thúc, kết luận điều tra vụ án "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ 1) đề nghị truy tố 54 bị can trước pháp luật.

Trong đó, 21 bị can bị truy tố cùng về tội “Nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Quang Linh, nguyên Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Thanh Hải, Vụ trưởng; Nguyễn Tiến Thân, chuyên viên; Nguyễn Mai Anh, chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế (cùng thuộc Văn phòng Chính phủ).

Một chuyến bay giải cứu. Ảnh: TL.

Các bị can tại Bộ Ngoại giao bị truy tố gồm: Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Thị Hương Lan, Cục trưởng; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng; Lê Tuấn Anh, Chánh Văn phòng; Lưu Tuấn Dũng, Phó Phòng bảo hộ công dân Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản; Nguyễn Hồng Hà, nguyên Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Vũ Ngọc Minh, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Angola.

Ngoài ra, các bị can khác cùng bị truy tố về tội "Nhận hối lộ", gồm: Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Bộ Y tế; Ngô Quang Tuấn, chuyên viên Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Giao thông vận tải; Vũ Hồng Quang, Phó Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam; Trần Văn Dự, Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường (là ba nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an); Trần Văn Tân, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Chử Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

4 bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, gồm: Trần Việt Thái, nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia; Nguyễn Lê Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Linh, Đặng Minh Phương, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng truy tố 23 bị can về tội “Đưa hối lộ”; Truy tố 4 bị can về tội “Môi giới hối lộ”; Truy tố 1 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Đưa hối lộ”; Truy tố 1 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 bùng phát. Các bị can đã lợi dụng tình hình dịch COVID-19, vì mục đích lợi nhuận, vụ lợi cá nhân, bất chấp các quy định của pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân; ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; làm giảm sút lòng tin của nhân dân...

Lâm Đồng: Khám xét 3 Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới

Ngày 4/4, Công an tỉnh Lâm Đồng xác nhận đang khám xét 3 đơn vị đăng kiểm thuộc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng (trực thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng) để điều tra các sai phạm liên quan đến việc kiểm định xe.

Đó là: Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tỉnh Lâm Đồng ở thành phố Đà Lạt, Chi nhánh Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 4903S ở huyện Đức Trọng và Chi nhánh Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 4902S ở thành phố Bảo Lộc. Động thái này được thực hiện sau một thời gian điều tra, xác minh những dấu hiệu sai phạm tại các trung tâm nói trên.

Lực lượng chức năng khám xét tại Trung tâm đăng kiểm tỉnh Lâm Đồng tại thành phố Đà Lạt. Ảnh: TTXVN.

Ngay từ sáng sớm, tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Lâm Đồng ở thành phố Đà Lạt, lực lượng Công an đã có mặt để thực hiện việc khám xét; làm việc với những người liên quan; đồng thời khám xét, thu giữ các tài liệu liên quan để phục vụ công tác điều tra.

Cũng trong thời gian trên, lực lượng chức năng đã tiến hành phong tỏa, khám xét nơi làm việc của Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 4903S ở thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 4902S ở thành phố Bảo Lộc.

Hoạt động khám xét các trung tâm này nhằm điều tra, làm rõ những sai phạm liên quan tới lĩnh vực đăng kiểm các loại xe cơ giới.

Tổ chức OPEC+ nhất trí theo đuổi các mục tiêu về sản lượng

Tuyên bố Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác nêu rõ OPEC+ sẽ tiếp tục xem xét các động lực của thị trường dầu mỏ và sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 4/6 tới.

Một cơ sở khai thác dầu của Iran ở đảo Khark. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp trực tuyến ngày 3/4 (giờ địa phương), Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, đã nhất trí theo đuổi các mục tiêu sản lượng sau khi một số thành viên của nhóm này tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày trong một động thái bất ngờ trước cuộc họp.

Liên minh gồm 23 nhà sản xuất dầu mỏ, tái khẳng định cam kết với Tuyên bố Hợp tác (DoC), được quyết định tại Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 33 của OPEC+ diễn ra vào ngày 5/10/2022, đồng thời kêu gọi tất cả các nước tham gia tuân thủ đầy đủ cơ chế này.

Tuyên bố cho hay OPEC+ sẽ tiếp tục xem xét các động lực của thị trường và sẽ tổ chức cuộc họp vào ngày 4/6 tới.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi một số thành viên OPEC+ là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Iraq, Kuwait, Oman và Algeria tối 2/4 thông báo họ sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu thô 1,16 triệu thùng/ngày trong thời gian từ tháng 5-12/2023.

Các nước này khẳng định đây là biện pháp phòng ngừa nhằm hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.

Theo đánh giá của giới giao dịch, quyết định mới nhất của OPEC+ là "tin xấu" đối với những người mua dầu và OPEC đang tìm cách "bảo vệ lợi nhuận của họ" trước những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Theo Đảng Cộng Sản