Đề xuất áp thuế 15.000 đồng/bao thuốc lá

13/08/2024 - 19:20

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt 15.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2030 sẽ góp phần giảm khoảng 696.000 người hút thuốc so với năm 2020 và thu thêm 29.300 tỷ đồng/năm từ thuế thuốc lá.

Tại Hội thảo "Cung cấp thông tin về tác hại của thuốc lá và vai trò của chính sách thuế trong phòng chống tác hại của thuốc lá", do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 13/8, bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) dẫn số liệu nghiên cứu của Hội Kinh tế y tế cho thấy, năm 2022, chi phí y tế (trực tiếp và gián tiếp) do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP.

Trong khi đó, tổng nguồn thu thuế từ thuốc lá đạt 17.600 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 của chi phí y tế...

“Cứ nói thu thuế để đảm bảo không thất thu, cần phải hài hòa lợi ích, phát triển doanh nghiệp, nhưng cộng dồn lại từng gia đình sẽ thấy con số khổng lồ người dân phải bỏ ra cho chi phí khám bệnh”, bà Đinh Thị Thu Thủy phân tích.

Ba Thuy.jpg

Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế. Ảnh: Bình Minh

Từ năm 2008 đến 2019, Việt Nam đã 3 lần tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, nhưng mức tăng thuế mỗi lần thấp. Khoảng cách giữa các lần tăng thuế khá dài: Năm 2008 tăng mức thuế suất từ 55% lên 65%; 8 năm sau, năm 2016 tăng từ 65% lên 70%; 3 năm sau nữa, năm 2019 tăng từ 70% lên 75%. 

Mặc dù mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 75%, nhưng tổng thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm 38,8%. Việt Nam vẫn đang thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn mặt bằng chung của các nước ASEAN (giá thuốc lá ở Việt Nam bằng một nửa ở Thái Lan, chỉ cao hơn Lào, Campuchia).

"Giá một bao thuốc lá phổ biến nhất tại Việt Nam hiện chưa đến 1 USD, bằng 1/2 giá trung bình trong nhóm quốc gia có giá thuốc lá thấp nhất khu vực Tây Thái Bình Dương”, bà Thủy thông tin.

Cũng theo bà Thủy, thuế và giá thuốc lá ở Việt Nam hiện rất thấp, dẫn đến người dân và trẻ em vẫn dễ dàng tiếp cận, mua thuốc lá. 

“Kết quả điều tra giá bán lẻ thuốc lá ở Hà Nội và TPHCM năm 2023 cho hay, trên thị trường có khoảng 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá dưới 10.000 đồng/bao. Trong khi các phụ huynh cho con tiền ăn sáng cũng phải 20.000-30.000 đồng. Trẻ có thể dành 10.000 đồng mua xôi, còn lại mua thuốc lá”, bà Thủy nói.

Tăng thuế và giá thuốc lá được đánh giá là giải pháp quan trọng, đóng góp khoảng 60% hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá.

Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án điều chỉnh thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá theo hướng giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn 2026-2030.

Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên, đạt mức tăng 10.000 đồng/bao vào năm 2030. Phương án 2 tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026, tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp, đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Trong khi đó, Hiệp hội Thuốc lá chỉ đề xuất mức tăng 1.000 đồng/bao năm 2025, tới năm 2030 cũng chỉ tăng mức 3.000 đồng/bao.

“Tăng 1.000 đồng/bao thuốc lá không bù nổi trượt giá hiện nay. Một số nhãn hiệu phổ biến có giá 10.000 đồng/bao, nếu bổ sung thuế tuyệt đối 1.000 đồng/bao thì giá bán lẻ cũng chỉ 11.000 đồng/bao. Mức tăng này không đáng kể, không có tác dụng thay đổi nhu cầu sử dụng thuốc lá”, lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) nhận định.

TS. Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, lưu ý, đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính là bước đi đúng hướng nhưng chưa đủ. Để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc, WHO khuyến nghị phương án cao hơn: Mức thuế tiêu thụ đặc biệt tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao, lên 15.000 đồng/bao đến năm 2030, cộng với mức thuế sản phẩm bằng 75% giá xuất xưởng hiện tại. 

Kết quả kỳ vọng: Tỷ lệ hút thuốc giảm tương đối 13%, ước tính giảm khoảng 696.000 người hút thuốc lá vào năm 2030 so với năm 2020; thu thêm 29.300 tỷ đồng mỗi năm từ thuế từ thuốc lá so với năm 2020.  

“Bộ Y tế đề xuất mức thuế tuyệt đối phải đạt 15.000 đồng/bao (20 điếu) vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ 75%. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO, giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới xuống 36% vào năm 2030”, bà Thủy nhấn mạnh.

Theo WHO, Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, đứng thứ 3 khu vực ASEAN. Ước tính mỗi năm, có 40.000-70.000 ca tử vong sớm/năm do sử dụng thuốc lá.

Theo Vietnamnet