Triều cường gây ngập Quốc lộ 91
Từ năm 2016-2019 đã xảy ra 190 vụ sạt lở bờ sông. Nghiêm trọng nhất là sạt lở sông Hậu trên Quốc lộ 91 (xã Bình Mỹ, Châu Phú), sạt lở sông Hậu (xã Vĩnh Hội Đông, An Phú), xã An Thạnh Trung (Chợ Mới). Riêng năm 2020, tính đến ngày 15-10 xảy ra 54 điểm sạt lở, sụt lún, răn nứt đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài 3.628m, ảnh hưởng đến 119 căn nhà, thiệt hại về đất khoảng 6,72 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tô Hoàng Môn cho biết, triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17-11-2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, tỉnh An Giang ban hành kế hoạch triển khai thực hiện tại Quyết định số 3110/QĐ-UBND ngày 25-12-2019, đề ra mục tiêu từng giai đoạn đến 2030, 2050 và 2100.
Ngoài ra, trong kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm đều có gắn kết các chỉ tiêu thích ứng với BĐKH. Cụ thể về đầu tư công: chương trình ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 có 4 dự án, với tổng vốn phê duyệt 1.061 tỷ đồng, trong đó 1 dự án hoàn thành năm 2016, sẽ nghiệm thu hoàn thành 3 dự án còn lại trong năm nay. Về thu hút đầu tư giai đoạn 2016-2020, có 89 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, môi trường, với tổng vốn đăng ký 19.082 tỷ đồng.
Triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi, các hồ chứa đa mục tiêu, hệ thống cấp nước thích ứng BĐKH. Phối hợp tỉnh Kiên Giang vận hành hệ thống thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên, đặc biệt các cống vùng ven biển tỉnh Kiên Giang phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt cho vùng (An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ). Triển khai xây dựng hệ thống thủy lợi vùng cao nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp cho đồng bào vùng Bảy Núi với 5 hồ chứa, tổng kinh phí giai đoạn 1 là 367 tỷ đồng; tiếp tục lập danh mục nhu cầu vốn để đầu tư giai đoạn 2. Đang kiến nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng hồ trữ lũ, cấp ngọt Trà sư (Tịnh Biên).
Đẩy mạnh công tác xây dựng cải tạo các tuyến kè, xây dựng các cụm, tuyến dân cư. Xây dựng, cải tạo 6 tuyến kè bảo vệ bờ sông, dài 6.430m. Nâng cấp 153km tuyến đê, kênh kiểm soát lũ, đầu tư xây dựng 247 cụm, tuyến dân cư. Rà soát, bổ sung quy hoạch không gian phát triển đô thị, dân cư nông thôn, từng bước di dời nhà ở ven sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao với tổng số hộ cần phải di dời là 8.965 hộ.
Đã lập đồ án quy hoạch thoát nước TP. Long Xuyên đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; thí điểm mô hình thoát nước bền vững... Thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật “Phát triển đô thị thích ứng và bền vững” do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tài trợ. Phối hợp các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện hoàn thành các dự án do Trung ương đầu tư trên địa bàn, trong đó có dự án kiên cố hóa sạt lở Quốc lộ 91 đoạn qua xã Bình Mỹ (Châu Phú).
Về chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng BĐKH: thực hiện chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn ít sử dụng nước ở các khu vực nguồn nước không đảm bảo trồng lúa, sử dụng nước tiết kiệm (từ năm 2017 đến nay đã thực hiện chuyển đổi 22.554ha). Bên cạnh đó, việc ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp cũng được người dân quan tâm ứng dụng, đến nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.000ha ứng dụng tưới tiết kiệm (tưới phun, nhỏ giọt) trên rau màu và cây ăn trái (rau màu khoảng 800ha), tập trung chủ yếu ở các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới...
Về xử lý rác thải và nước thải: toàn tỉnh phát sinh chất thải rắn sinh hoạt khoảng 1.128 tấn/ngày, thu gom khoảng 754 tấn/ngày (đạt 66,8%). Rác thải sau khi thu gom được xử lý bằng hình thức chôn hợp vệ sinh (khoảng 480,06 tấn/ngày) tại các bãi rác tập trung của huyện. Tỉnh đang thực hiện 6 dự án đầu tư lò đốt rác thải sinh hoạt với tổng công suất khoảng 815 tấn/ngày, dự kiến đến năm 2021 vận hành. Đối với rác thải nguy hại và rác thải y tế, tỉnh có 1 lò đốt rác thải nguy hại công suất 15 tấn/ngày và đang vận hành 14 lò đốt chất thải y tế tại các bệnh viện tuyến tỉnh và huyện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cùng lãnh đạo các sở, ngành vừa có buổi làm việc với Văn phòng Kinh tế thương mại (Đại sứ quán Đan Mạch) về lĩnh vực môi trường và ứng phó BĐKH. Tỉnh An Giang đề xuất phối hợp xây dựng chương trình đào tạo, nâng cao năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức và thực hiện mô hình thí điểm về quản lý sử dụng nước trong bối cảnh BĐKH, gồm: đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ cấp tỉnh, huyện về xây dựng chương trình kế hoạch quản lý, sử dụng nguồn nước trong bối cảnh BĐKH; công tác quan trắc môi trường và quản lý chất thải (ưu tiên quản lý chất thải rắn sinh hoạt). Nghiên cứu, đánh giá các mô hình kinh tế tuần hoàn chất thải tiềm năng cho tỉnh.
Tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ Đan Mạch hỗ trợ không hoàn lại các dự án: hệ thống thoát nước xà xử lý nước thải các đô thị loại IV ở các huyện: Tịnh Biên, Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới và TX. Tân Châu. Hỗ trợ thực hiện các dự án tìm kiếm nguồn nước dưới đất, mở rộng, nâng công suất các trạm cấp nước sinh hoạt phục vụ nước sinh hoạt cho 6.551 hộ dân thuộc huyện Tri Tôn, Tịnh Biên.
Đồng thời, đề xuất Đan Mạch chia sẻ kinh nghiệm và thực hiện thí điểm mô hình hoàn chỉnh thu gom xử lý rác (từ khâu phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý) từ các tổ chức trong và ngoài nước. Hỗ trợ xử lý 24 đoạn sông, kênh, rạch đang bị ô nhiễm, suy thoái; hỗ trợ mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư vượt lũ…
HỮU HUYNH