Đối tượng áp dụng là cơ quan nhà nước; tổ chức chính trị; tổ chức chính trị, xã hội; tổ chức chính trị xã hội-nghề nghiệp; tổ chức xã hội-nghề nghiệp; các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có yếu tố nước ngoài), các tổ chức, cá nhân có liên quan; trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc (sau đây gọi là phổ cập giáo dục mẫu giáo). Phấn đấu 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục mẫu giáo vào năm 2030.
|
Giờ học của cô và trò Trường Mầm non Sao Mai, Trung đoàn 726, Binh đoàn 16. Ảnh: qdnd.vn |
Để hỗ trợ thực hiện phổ cập giáo dục mẫu giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất các chính sách sau:
1. Chính sách đối với trẻ em mẫu giáo:
a) Bổ sung đối tượng trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em hợp pháp là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định được hỗ trợ chi phí học tập.
b) Nâng mức hỗ trợ tiền ăn trưa so với quy định hiện hành cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.
2. Chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên:
a) Trợ cấp thu hút tuyển dụng giáo viên mẫu giáo từ năm học 2025-2026 vào làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo;
b) Hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài) thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo;
c) Ưu tiêu, đầu tư và thu hút nguồn lực phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp học mầm non; bảo đảm đủ số lượng giáo viên mầm non theo định mức quy định bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục mẫu giáo.
3. Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non:
Ưu tiên đầu tư, thu hút nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ Phổ cập giáo dục mẫu giáo.
Về nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất:
- Ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành: Nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án được phê duyệt hoặc chuẩn bị phê duyệt được cấp có thẩm quyền giao trong kế hoạch hằng năm của các bộ, ngành, địa phương theo phân cấp quản lý hiện hành. Ngân sách Trung ương hỗ trợ các địa phương chưa cân đối được ngân sách để thực hiện các chính sách tại Nghị quyết này.
- Nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định hiện hành.
|
Ban Phụ nữ Quân đội trao số tiền 10 triệu đồng động viên cán bộ, giáo viên và các cháu Trường Mầm non Hoa Sim, Trung đoàn 720, Binh đoàn 16. Ảnh: qdnd.vn |
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhu cầu kinh phí bao gồm 3 phần chính:
Kinh phí thực hiện chính sách đối với trẻ em mẫu giáo: 1.062 tỷ đồng/năm, gồm:
- Hỗ trợ chi phí học tập: 86.581 trẻ x 150.000 × 9 tháng = 116,9 tỷ đồng/năm.
- Hỗ trợ tiền ăn trưa: 525.036 trẻ x 200.000 x 9 tháng= 945,1 tỷ đồng/năm (tăng mức hỗ trợ từ 10% lên 15% mức lương cơ sở (tức tăng lên 200.000 đồng/tháng so với mức cũ 160.000 đồng/tháng do mức lương cơ sở hiện nay tăng lên 2.340.000 đồng).
Kinh phí thu hút, ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên mầm non thực hiện nhiệm vụ phổ cập:
- Kinh phí hỗ trợ tuyển dụng giáo viên mẫu giáo: Số kinh phí cần Nhà nước hỗ trợ để thu hút giáo viên là: 47.949 giáo viên x 58,97 triệu đồng = 2.827,6 tỷ đồng.
- Kinh phí hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện nhiệm vụ phổ cập: 381.575 người x 960.000 đồng x 9 tháng = 3.296,8 tỷ đồng/năm.
Kinh phí chi đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng, đồ chơi: 75.072,5 tỷ đồng, gồm:
- Kiên cố hóa trường, lớp học: Xây dựng 24.228 phòng học cấp mầm non, thay thế các phòng học tạm thời (bao gồm: Phòng học tranh tre, nứa lá, phòng học xây dựng tạm bằng các loại vật liệu khác); phòng học tạm, cấp 4 xuống cấp đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, cần xây dựng lại; phòng học nhờ, mượn, thuê; với nhu cầu vốn khoảng 26.651 tỷ đồng.
- Xây dựng bổ sung số phòng học và số học sinh mỗi lớp không vượt quá quy định của từng cấp học: Xây dựng 25.412 phòng học cấp học mầm non; với nhu cầu vốn khoảng 27.953 tỷ đồng;
- Xây dựng bổ sung 1.432 phòng học chức năng (giáo dục nghệ thuật, thể chất) bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục; với nhu cầu vốn khoảng 873 tỷ đồng;
- Xây dựng bổ sung thư viện: 11.149 phòng thư viện; với nhu cầu vốn khoảng 6.800 tỷ đồng;
- Bảo đảm điều kiện tối thiểu về trang thiết bị dạy học đáp ứng nhu cầu tối thiểu của chương trình giáo dục các cấp, nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh: Bổ sung 48.805 bộ thiết bị dạy học tối thiểu; với nhu cầu vốn khoảng 12.795,5 tỷ đồng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết thêm, theo số liệu thống kê còn 300.000 trẻ em mẫu giáo chưa được đến trường, căn cứ vào tiêu chuẩn cơ sở vật chất và danh mục thiết bị tối thiểu của cấp học mầm non, để đáp ứng nhu cầu huy động số lượng trẻ em (nêu trên) đến trường để đạt mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2020-2030, tổng kinh phí cần 16.800 tỷ đồng, gồm:
- Bổ sung khoảng 12.000 phòng/lớp học, với nhu cầu kinh phí khoảng 13.200 tỷ đồng;
- Bổ sung thiết bị dạy học tối thiểu; với nhu cầu kinh phí khoảng 3.600 tỷ đồng.
Như vậy tổng kinh phí cần để thực hiện phổ cập cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi về lĩnh vực cơ sở vật chất để đảm bảo điều kiện tối thiểu theo quy định (chuẩn tối thiểu) là: 91.872,5 tỷ đồng (thời gian thực hiện 2026-2035).
Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Dự thảo Nghị quyết này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua vào kỳ họp tháng 10-2025 của Quốc hội khóa XV và thông qua theo quy trình một kỳ họp.