Đề xuất quản lý chặt hơn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

08/05/2024 - 06:10

 - Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được ban hành năm 2017. Qua 5 năm triển khai, luật góp phần quan trọng vào bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, một số bất cập, hạn chế, vướng mắc cũng xuất hiện.

5 năm qua, toàn quốc vận động Nhân dân giao nộp gần 100.000 khẩu súng các loại; 17.860 bom, mìn, lựu đạn; 423.390 viên đạn; 3,7 triệu kg thuốc nổ; 25.056 công cụ hỗ trợ; 98.895 vũ khí thô sơ; 6.802 linh kiện lắp ráp vũ khí. Lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Qua đó, phát hiện 31.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng vi phạm có liên quan (chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, chiếm đoạt, trộm cắp, sử dụng trái phép vũ khí). Tang vật thu giữ, gồm: Gần 5.000 khẩu súng; 706.169 viên đạn; 27.166kg thuốc nổ; 106.564 kíp nổ; 15.249 công cụ hỗ trợ; 28.023 vũ khí thô sơ.

Tuy nhiên, khái niệm về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bộ Công an cho biết, tỷ lệ tội phạm sử dụng các loại dao để gây án rất cao: 16.841 vụ (chiếm 58,6% vụ), 26.472 đối tượng (54% đối tượng). Tuy nhiên, cơ quan chức năng không xử lý đối tượng về hành vi “Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí” được, vì luật hiện hành không quy định dao là vũ khí. Trong khi đó, các loại dao luôn có sẵn, phục vụ lao động, sản xuất, sinh hoạt của đời sống hàng ngày. Khi phát sinh mâu thuẫn, chúng trở thành công cụ để đối tượng tấn công, “trút giận”.

Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng trái phép súng tự chế chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều so với sử dụng trái phép súng quân dụng (1.783/330 vụ; 2.589/546 đối tượng). Đối tượng sử dụng trái phép vũ khí thô sơ cũng rất phức tạp, gồm 8.537 vụ (chiếm gần 30%), 17.632 đối tượng (chiếm 36%). Luật hiện hành cũng không quy định súng tự chế, vũ khí thô sơ thuộc danh mục vũ khí quân dụng. Vì vậy, cần thiết phải bổ sung quy định súng tự chế vào nhóm vũ khí quân dụng; dao có tính sát thương cao là vũ khí thô sơ; vũ khí thô sơ bị đối tượng sử dụng với mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật thì xác định là vũ khí quân dụng.

Nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài có nhu cầu cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cơ quan, tổ chức trong nước. Tuy nhiên, luật hiện hành nghiêm cấm điều này. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy định cho phép tiếp nhận, để tận dụng nguồn lực từ nước ngoài… Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Trong đó, dự thảo luật thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; khắc phục bất cập, hạn chế, khó khăn trong quá trình thi hành luật năm 2017. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm giấy tờ không cần thiết, đảm bảo phù hợp thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) gồm 8 chương, 74 điều. Trong đó, sửa đổi 54 điều, bổ sung 1 điều, bỏ 3 điều so luật hiện hành. Một số nội dung sửa đổi, bổ sung mới rất quan trọng, cần thiết. Điển hình như bổ sung súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng nén khí, súng nén hơi và đạn (sử dụng cho các loại súng này) vào nhóm vũ khí quân dụng. Trước đây, một số loại nằm trong nhóm súng săn (súng kíp, súng hơi), vũ khí thể thao (súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay). Quy định này không bao quát đầy đủ chủng loại súng. Trong 2.113 vụ đối tượng sử dụng trái phép súng gây án, chỉ 330 vụ sử dụng súng quân dụng, còn lại (84,4%) sử dụng súng tự chế (súng bắn đạn ghém, súng nén khí, nén hơi…), làm chết nhiều người.

Dự thảo luật bổ sung quy định khái niệm linh kiện lắp ráp súng quân dụng là vũ khí quân dụng. Hiện nay, lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các đối tượng tháo rời súng thành bộ phận riêng lẻ, rồi mua bán, vận chuyển trái phép. Khi mua đủ bộ phận, chúng lắp ráp thành súng, đem đi gây án. Các lực lượng chức năng phát hiện 743 vụ, bắt giữ 745 đối tượng, thu trên 600.000 linh kiện vũ khí. Nhưng việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, nhất là xử lý hình sự. Qua nghiên cứu, tham khảo luật, một số nước (Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Australia…) đều quy định vũ khí bao gồm linh kiện lắp ráp.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí cao với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, vì được xây dựng trên cơ sở kế thừa nội dung của luật hiện hành. Những chính sách đề nghị xây dựng trong lần sửa đổi này cơ bản đã được quy định trước đó, nhưng ở “phiên bản” hoàn thiện hơn.

Đại tá Lâm Phước Nguyên, Giám đốc Công an tỉnh vừa đề nghị các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền nội dung dự án luật, nhất là sự cần thiết ban hành, chính sách mới, để khi trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) nhận được sự đồng thuận cao. Cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền sâu rộng, góp phần đưa dự án luật đến gần đời sống xã hội.

AN KHANG