2025 là năm đầu tiên học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tham gia thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, số môn thi, phương án và cách thức tổ chức thi đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của học sinh, giáo viên cả nước.
Trong số 3 phương án thi tốt nghiệp THPT 2025 được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ mới đây, GS.TS Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng Đại học Thái Nguyên ủng hộ phương án thi 2+2 (thi hai môn bắt buộc Toán, Văn cùng hai môn tự chọn).
Ông cho rằng, không nên quan niệm đâu là môn chính, môn phụ, tất cả các môn đều có giá trị như nhau bởi kiến tạo năng lực cơ bản cho người học sau trung học. Việc lựa chọn bắt buộc thi Toán, Văn vì đây là môn nền tảng gốc của Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội cho tất cả học sinh sau THPT. Đúng tinh thần phổ thông là học vấn cơ bản, nền tảng.
Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT. (Ảnh minh hoạ: N.N)
Sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh sẽ phân ra hai nhánh, một nhánh đi làm, một nhánh tiếp tục học lên. Nhóm đi làm, dựa trên việc hoàn thành hai môn Toán, Văn và 2 môn tự chọn phù hợp, với giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT, học sinh có thể đi làm, đồng thời vẫn có cơ hội quay lại việc học tiếp sau phổ thông nếu muốn.
Ở nhóm vào cao đẳng, đại học, các em vẫn dựa trên hai môn nền tảng này, cùng với tổ hợp môn của từng trường để xét chọn. Chẳng hạn nhóm học sinh theo khối khoa học kỹ thuật, có thể chọn Ngoại ngữ và Vật lý, hoặc Sinh, Hóa…
Về băn khoăn không đưa môn Ngoại ngữ thành môn bắt buộc có phù hợp với xu thế hội nhập, GS Quang bày tỏ, việc chọn môn Ngoại ngữ hoặc môn bất kỳ đều có giá trị như nhau. Thực tế, nhiều học sinh đã tự tìm đến nhiều môi trường học ngoại ngữ để các em vươn xa, chứ không chờ đợi quy định thi bắt buộc hay tự chọn.
Cùng quan điểm, ông Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh (Hà Nội) đồng thuận với phương án thi 2+2 sẽ cân bằng được tỷ lệ học sinh chọn giữa các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
"Thực tế nhiều năm qua cho thấy, học sinh chọn phương án thi tổ hợp khoa học xã hội ngày càng nhiều hơn, dẫn đến các môn tự nhiên thiếu sinh viên. Đây là điều rất đáng lo khi những ngành khoa học cơ bản thiếu nhân lực", ông Đạt nói.
GS Đỗ Đức Thái, Trưởng khoa Toán - Tin, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chủ biên môn Toán của chương trình phổ thông mới cũng ủng hộ phương án thi tốt nghiệp THPT chỉ gồm 2-3 môn bắt buộc, cho gọn nhẹ.
Ông lấy ví dụ, tại Nga, thí sinh thi hai môn bắt buộc là Tiếng Nga và Toán. Nếu có nguyện vọng học tiếp đại học, cao đẳng, thí sinh phải thi môn mà hệ thống đại học, cao đẳng tương ứng yêu cầu.
Tại Trung Quốc, thí sinh thi tốt nghiệp THPT ba môn bắt buộc là Toán, Trung văn, tiếng Anh và một môn tự chọn. Australia không có kỳ thi tốt nghiệp chung toàn quốc mà mỗi trường tổ chức kỳ thi riêng để công nhận tốt nghiệp.
Ở Mỹ, chỉ còn 8 bang duy trì kỳ thi tốt nghiệp THPT. Phần lớn bang còn lại cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh dựa trên hồ sơ chứng minh năng lực. Trong khi đó, Nhật Bản hay Hàn Quốc không có kỳ thi tốt nghiệp.
"Như vậy, mỗi quốc gia có cách thức thi hoặc xét tốt nghiệp khác nhau, không có đúng hay sai mà chỉ phục vụ hiệu quả nhất cho mục đích giáo dục của quốc gia đó", ông Thái nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng điểm chung của các nước là phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT đều theo hướng gọn nhẹ, tôn trọng học sinh, phát huy sở trường, thế mạnh của học sinh.
Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) cũng đề xuất phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 với lựa chọn 2+2. Mục tiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 nên nhẹ nhàng hơn, không gây áp lực cho học sinh và gia đình, giảm được kinh phí cho nhà nước và xã hội. Việc lựa chọn 2 môn Văn, Toán vẫn đảm bảo cân bằng giữa môn tự nhiên và môn xã hội.
“Các môn tự chọn là để phân luồng học sinh theo đúng với tinh thần của Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội”, đại biểu Dương Minh Ánh nêu quan điểm. Sau này nên để các trường đại học, cao đẳng được tự chủ tuyển sinh giống một số nước như: Úc , Nhật, Hàn Quốc.
Hồi cuối tháng 9/2023, Bộ GD&ĐT từng thông tin, trong quá trình khảo sát 17.981 giáo viên, gần 60% chọn phương án 2+2. Phương án này có ưu điểm là giảm áp lực thi cử, giảm chi phí do giảm 2 môn thi so với hiện nay.
Việc này cũng không gây mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh, tạo điều kiện cho học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp. Thí sinh vẫn có thể dùng điểm thi để xét tuyển đại học.
Bộ GD&ĐT trình Chính phủ phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 với 3 phương án:
Phương án 4 + 2: Thí sinh học chương trình THPT phải thi 6 môn gồm 4 môn bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 3 + 2: gồm 3 môn bắt buộc: ngữ văn, toán, ngoại ngữ và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Phương án 2 + 2: thí sinh phải thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc ngữ văn, toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Theo VTC